Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc,
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình,
Các Bộ trưởng, Lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương,
Các Bí thư Thành ủy/Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long,
Các Đại sứ, Đối tác phát triển, đại diện đoàn ngoại giao,
Các Quý vị đại biểu,
Xin Chào,
Trước hết, thay mặt các Đối tác Phát triển, tôi xin chân thành cảm ơn Chính phủ về sự lãnh đạo và cam kết mạnh mẽ thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của ĐBSCL. Việc ban hành Nghị quyết số 120 của Chính phủ vào tháng 11 năm 2017 là một cột mốc thực sự mang tính đột phá, đánh dấu sự thay đổi từ cách tiếp cận mang tính phòng vệ thụ động đối với biến đổi khí hậu chuyển sang hướng tới mô hình “chủ động thích ứng với thiên nhiên”. Nghị quyết đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sự thay đổi cực đoan về thời tiết và xâm nhập mặn đã trở thành tình trạng bình thường mới của ĐBSCL. Nghị quyết cũng tạo cơ sở để chuyển đổi phát triển của khu vực - từ quan điểm phát triển cấp hộ canh tác quy mô nhỏ và cấp tỉnh sang quan điểm phát triển mang tính liên tỉnh, toàn đồng bằng và xuyên biên giới; từ quan điểm phát triển ngắn hạn theo từng ngành sang cách tiếp cận dài hạn, đa ngành và tích hợp.
Nhìn lại hơn ba năm thực hiện, chúng tôi xin chúc mừng toàn thể Chính phủ Việt Nam về những kết quả đạt được cho đến nay. Các bài phát biểu và báo cáo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, các Bộ trưởng và lãnh đạo các tỉnh trong Hội nghị hôm nay đã minh chứng rõ ràng về những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt quan trọng, bao gồm các cải cách về chính sách và thể chế, các hành động mang tính tích hợp trong một số các lĩnh vực ưu tiên.
Với tư cách là Đối tác phát triển của Việt Nam, chúng tôi cam kết hỗ trợ mạnh mẽ đối với ĐBSCL và việc thực hiện Nghị quyết 120. Trong giai đoạn 2015-2020, chúng tôi đã huy động khoảng 2,2 tỷ đô la Mỹ cho các hoạt động nghiên cứu và đầu tư trong khu vực, hầu hết trong số đó đều phù hợp với Nghị quyết 120. Các ĐTPT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ các cấp để thực hiện các mô hình mang tính sáng tạo và đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn để tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và tính bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng cho người dân, khu vực nông thôn, thành phố, các tỉnh và toàn đồng bằng. Các quan điểm mới, bằng chứng mới, kiến thức mới và các kinh nghiệm và chuyên môn quốc tế phù hợp đã được mang đến cho ĐBSCL để giải quyết các thách thức phức tạp của vùng. Một số thành tựu nổi bật trong quan hệ đối tác giữa các bên bao gồm việc xây dựng Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành lập Hội đồng Điều phối Vùng, khởi động Chương trình tổng thể Chuyển đổi Nông nghiệp, nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát, dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định cho toàn vùng, và cập nhật các chiến lược phát triển dựa trên không gian lãnh thổ cho ĐBSCL trong các lĩnh vực chính như tài nguyên nước và nông nghiệp, giao thông và kết nối, đô thị và xây dựng, và phát triển năng lượng bền vững.
Trong tương lai, chúng tôi sẵn sàng huy động thêm tri thức và nguồn tài chính để thực hiện các tầm nhìn và mục tiêu của Nghị quyết 120. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các cơ quan trung ương, địa phương và các bên liên quan khác để giảm thiểu rủi ro và nắm bắt cơ hội phát sinh từ biến đổi khí hậu, thay đổi về nhân khẩu học, thị trường mới trong và ngoài nước, tiến bộ về công nghệ, và địa chính trị của lưu vực sông Mekong. Chúng tôi muốn nhân cơ hội này truyền đạt một số điểm mà chúng tôi (các Đối tác phát triển) cho là quan trọng để Chính phủ cân nhắc khi tiếp tục thực hiện chương trình nghị sự cực kỳ quan trọng này trong tương lai.
Trước tiên, cần đảm bảo sự phối hợp và điều phối theo chiều dọc và chiều ngang một cách hiệu quả. Việc thực hiện thành công Nghị quyết 120 và các chính sách và chương trình liên quan đòi hỏi phải tập hợp các bên liên quan nhằm xác định định hướng và mục tiêu phát triển chung cho vùng Đồng bằng, xác định các ưu tiên đầu tư, phân cấp trách nhiệm và chia sẻ rủi ro và lợi ích. Sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL, giữa các bộ ngành trung ương, giữa trung ương và địa phương, và mối liên hệ giữa quy hoạch - tài chính - quản trị sẽ tăng cường hiệu quả cho công tác quy hoạch và kế hoạch tổng hợp, tăng hiệu quả trong thực thi ngân sách, huy động tài chính, thay đổi chính sách và khả năng cạnh tranh. Chính phủ cần tiếp tục hợp tác chủ động và mang tính xây dựng với các nước tiểu vùng sông Mekong để tăng cường hợp tác. Chúng tôi đánh giá cao bước đi đột phá của Chính phủ trong việc thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long - cơ quan điều phối cấp vùng đầu tiên ở Việt Nam và chúng tôi mong chờ sự hoạt động hiệu quả của Hội đồng. Chúng tôi hình dung rằng, như một minh họa, sẽ có một tiểu ban của Hội đồng về quản lý lũ lụt ở vùng Thượng nguồn Đồng bằng, nhằm phối hợp các nỗ lực khôi phục hơn 9 tỷ m3 nước lũ có thể trữ lại trong mùa mưa và môi trường sống mùa nước nổi ở vùng hấp thu lũ Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Hơn 60.000 ha diện tích có thể chuyển đổi từ thâm canh lúa ba vụ thành nông nghiệp dựa vào lũ với việc cho phép đầu tư theo chuỗi giá trị, mang lại lợi nhuận gấp 4 lần cho người nông dân, phá vỡ chu kỳ dịch hại, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, và tạo điều kiện cho 96.000 ha lúa mùa khô chuyển sang sản xuất sạch hơn.
Thứ hai, chúng tôi chúc mừng Chính phủ đã triển khai thực hiện một nhiệm vụ lớn và phức tạp – đó xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030 – “quy hoạch tích hợp vùng đầu tiên” của cả nước. Theo quan điểm của chúng tôi, việc đưa quy hoạch vùng vào thực tiễn triển khai sẽ còn là thách thức khó khăn hơn nữa, đòi hỏi nỗ lực “của toàn bộ chính quyền và nhà nước” với một kế hoạch thực hiện hiệu quả. Kế hoạch cần bao gồm các hướng dẫn rõ ràng, có sự đồng thuận về vai trò và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan chính, có các ưu tiên đầu tư mang tính chiến lược và thực tế, phân bổ tài chính kịp thời và đầy đủ, có cân nhắc về chia sẻ gánh nặng chi phí giữa các bên liên quan, và có cơ chế phản hồi để liên tục phản ánh, đánh giá, cập nhật và sửa đổi. Chúng tôi xin khởi động hỗ trợ quá trình thực hiện Quy hoạch vùng và tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện Nghị quyết 120 bằng cách đề xuất và kêu gọi sự hợp tác của Chính phủ trong việc tổ chức Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2021 sau khi Quy hoạch vùng được phê duyệt.
Thứ ba, tính bền vững phải là trọng tâm của chiến lược tăng trưởng Đồng bằng sông Cửu Long. Là một trong những khu vực màu mỡ nhất trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công bền vững về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, ĐBSCL cần tiếp tục thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên bao gồm vùng trữ lũ thượng nguồn, nước lợ và nước mặn, năng lượng mặt trời và gió; quản lý bền vững môi trường và tài nguyên thiên nhiên như phù sa, cát, rừng ngập mặn, thủy sản và đa dạng sinh học; giải quyết một cách có hệ thống các vấn đề cấp bách về xói lở bờ biển, bờ sông và sụt lún đất; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế xanh và bao trùm, đồng thời thúc đẩy phát triển con người. Sự thay đổi trong cách tiếp cận phát triển này có thể được thực hiện thông qua việc xem xét và áp dụng các giải pháp thông minh dựa vào thiên nhiên và khí hậu; áp dụng chuyển đổi kỹ thuật số cho phép chuẩn bị và ứng phó với thảm họa tốt hơn, đồng thời hỗ trợ quá trinh đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng; cũng như đầu tư không hối tiếc vào quản lý tổng hợp tài nguyên nước, giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị/ nông thôn nhằm nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu của người dân và sinh kế của họ, cải thiện hệ thống sản xuất nông nghiệp, chuỗi giá trị và kết nối khu vực. Chúng tôi kì vọng rằng, đến năm 2025, hơn 60% các dự án đầu tư công sẽ được lồng ghép các yếu tố của biến đổi khí hậu và rủi ro môi trường trong thiết kế dự án. Một ví dụ về giải pháp tổng thể dựa vào thiên nhiên là tích hợp rừng ngập mặn vào khu vực nuôi trồng thủy sản dọc dải đê biển hiện hữu bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến đã được thử nghiệm và có thể nhân rộng. Với việc quản lý sử dụng đất mang tầm nhìn chủ động thích ứng, diện tích rừng ngập mặn dọc theo các bờ biển dễ bị xói lở có thể được mở rộng lên đến 50.000 ha trong vòng 10 đến 20 năm tới, giúp bảo tồn đa dạng sinh học và thủy sản ven biển, đồng thời giảm thiểu rủi ro thiên tai, giảm khai thác nước ngầm và sụt lún trong khi vẫn duy trì và thậm chí tăng sản lượng tôm hiện tại, và có thể được chứng nhận là sản phẩm sạch/hữu cơ của vùng ĐBSCL.
Thứ tư, huy động tài chính đầu tư cho ĐBSCL là thiết yếu và phải dựa trên các nguyên tắc về lập kế hoạch dài hạn, hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Cần phải thiết lập một nền tảng huy động tài chính tổng hợp để tập hợp các nguồn lực công và tư, đồng thời phân bổ các nguồn lực cho các khoản đầu tư thông minh với khí hậu; cung cấp khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quan hệ đối tác tài chính giữa các tỉnh và cơ chế mở rộng tài chính tư nhân; và thiết lập một hệ thống thực thi và phân bổ ngân sách được đơn giản hóa và hiệu quả với các biện pháp khuyến khích tài khóa mạnh mẽ để thúc đẩy đầu tư mang tính vùng và liên tỉnh.
Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và các quý vị đại biểu,
Đồng bằng sông Cửu Long là minh chứng thể hiện tư duy và cách tiếp cận chuyển đổi của Chính phủ Việt Nam đối với phát triển. Đi kèm với kỳ vọng cao là trách nhiệm to lớn để biến tư duy và cách tiếp cận đó thành hiện thực và thành công, không chỉ đối với gần 20 triệu người dân vùng đồng bằng, mà đối với cả nước như một nguồn cảm hứng và một hình mẫu cho phát triển vùng. Chúng tôi nhìn nhận và chia sẻ với Chính phủ về những thách thức to lớn cần đối mặt trong quá trình thực hiện Nghị quyết 120 trong thời gian tới. Với tư cách là các Đối tác Phát triển, chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ, thông qua quan hệ đối tác bền chặt, vì một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, thịnh vượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xin trân trọng cảm ơn!