Skip to Main Navigation
Diễn văn và Bản ghi chép

Phát biểu bế mạc Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2014

5 Tháng 12 Năm 2014


Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2014 Hà Nội, Việt Nam

Bản chép lại

Cảm ơn bộ trưởng Vinh. Tôi cũng xin cảm ơn ý kiến phát biểu của Ngài Thủ tướng. Cảm ơn Ngài đã dự diễn đàn ngày hôm nay. Như tôi đã nói lúc khai mạc, thời điểm này là thời điểm bận rộn nhưng Ngài đã dành cả buổi sáng với chúng tôi. Chúng tôi trân trọng điều đó.

Diễn đàn của chúng ta chuẩn bị bế mạc, và tôi xin phép tóm tắt những ý chính đã thảo luận ngày hôm nay. Tôi chưa thể nêu rõ các hành động tiếp theo nhưng khi kết thúc phần tóm tắt này tôi sẽ đề xuất về việc thống nhất các hành động đó.

Chúng ta đã nghe Thủ tướng nói rõ về các ưu tiên của Chính phủ trong năm 2015. Những ưu tiên đó có nhiều điểm trùng khớp và đồng điệu với những vấn đề thảo luận hôm nay. Đặc biệt, ngài Thủ tướng đã nêu rõ vấn đề cần tiếp tục chú ý đến cuộc chiến chống tham nhũng, cũng là chủ đề chúng ta tranh luận sôi nổi trong buổi sáng ngày hôm nay.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta nhận thấy Chính phủ đã nỗ lực và đạt tiến bộ đáng kể trong vài năm gần đây, nhưng tôi cũng cho rằng đây vẫn là một vấn đề cần chú ý. Thâm hụt ngân sách Việt Nam vẫn còn cao, và thành tích ổn định kinh tế vĩ mô cũng phần nào nhờ vào nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, kéo theo cầu giảm sút.

Khi nền kinh tế hồi phục sẽ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô quay trở lại. Vì vậy, điều quan trọng là cần tiếp tục tạo cơ sở vững chắc để ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Cũng một vấn đề liên quan, đó là vấn đề làm sao có có đủ nguồn vốn để giải quyết nợ xấu trong ngành tài chính, và nhận thức rằng ổn định vĩ mô và cải cách cơ cấu và thể chế ngày càng liên quan mật thiết hơn với nhau.

Một chủ đề nổi bật khác là phải triển khai quyết liệt chủ trương chính sách. Chúng ta luôn ca ngợi Chính phủ đã ban hành các khung pháp lý tốt trong năm vừa qua. Nhưng triển khai mới là mấu chốt. Điều phối giữa các cơ quan, giảm gánh nặng đè lên doanh nghiệp tư nhân và các chủ thể khác trong quá trình triển khai này. Đảm bảo tính nhất quán và khả năng lường trước, và nhất là minh bạch trong quá trình triển khai, và các cơ chế đánh giá và phản hồi cung cấp thông tin cho quá trình hoạch định chính sách là những vấn đề quan trọng cần tiếp tục.

Có một số ý kiến cụ thể về quá trình thực hiện Luật đất đai và làm thế nào để việc thực hiện luật này tốt hơn. Chúng ta đã hoan nghênh việc thông qua luật này, vì luật đã cải thiện quá trình đăng ký và sở hữu đất đai cũng như đưa ra số liệu về sử dụng đất.
Thưa Ngài Thủ tướng, tôi cho rằng đó là tất cả những vấn đề cần quan tâm giải quyết, và các đối tác phát triển luôn sẵn sàng giúp đỡ Ngài. Và chúng ta luôn lưu ý rằng triển khai là vấn đề quan trọng sống còn.

Nhiều người cũng quan tâm đến luật về PPP. Bộ trưởng Vinh cho biết sẽ có một đợt lấy ý kiến nữa, và chúng tôi hy vọng việc này sẽ sớm hoàn thành. Trước đây vấn đề về tiêu chuẩn tham gia cũng được nêu – tức là dự án nào đủ tiêu chuẩn được thực hiện qua kênh PPP và dự án nào thì qua kênh khác, cũng là một vấn đề quan trọng.

Tất cả chúng ta đều coi triển khai là vấn đề quan trọng, nhất là trên lĩnh vực cải cách thể chế nhằm đảm bảo sự độc lập của các cơ quan quản lý và giám sát. Chúng ta đã nghe trình bày về kinh nghiệm của Australia. Chúng ta cũng đã đề cập đến việc Cơ quan điều tiết điện lực ERAV và Cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam, là hai cơ quan đặc biệt cần được tạo điều kiện hoạt động độc lập để có thể tạo được sự cạnh tranh cần thiết.

Trên lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp nhà nước, vấn đề bạch hóa thông tin và minh bạch vẫn là chủ đề nóng hổi. Tất cả chúng ta đều nhận thấy điều đó và Bộ trưởng Vinh cũng công nhận sự cần thiết phải tập trung không chỉ vào con số mà cả vào chất lượng cổ phấn hóa, nhất là tác động cuối cùng lên kết quả và hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Chúng ta đã thống nhất với nhau rằng vấn đề đảm bảo cạnh tranh và tạo sân chơi cho thị trường cạnh tranh ngày càng trở nên quan trọng. Hi vọng Chính phủ sẽ tập trung chú ý vào vấn đề này vì qua đó sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế tư nhân.
Chúng ta cũng bàn nhiều về sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự. Chúng tôi hy vọng sẽ được hợp tác với Bộ KH&ĐT trong việc sửa đổi Quyết định 93. Luật hiệp hội và Luật tiếp cận thông tin cũng nhận được sự quan tâm.

Đối thoại về vấn đề kinh tế tư nhân, nhất là về các doanh nghiệp tư nhân trong nước, đã chứng tỏ đây là vấn đề quan trọng. Chúng ta đánh giá cao việc bổ sung thêm chương về doanh nghiệp xã hội trong Luật doanh nghiệp, và chúng tôi sẽ hỗ trợ việc thực hiện luật này. Tôi nhận thấy rằng trong các cuộc thảo luận về kinh tế tư nhân có một phần đề cập vai trò của nhà nước trong việc đề ra các qui chế nhằm đảm bảo sao cho các doanh nghiệp cư xử một cách có trách nhiệm với xã hội và bảo vệ quyền lợi của người lao động, trong đó có lao động nữ, phụ nữ có con nhỏ và các đối tượng khác.

Chúng ta cũng bàn về sự cần thiết phải thành lập, viện đào tạo giám đốc, một học viện của các giám đốc, và một số đối tác phát triển đã bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ thực hiện việc này.

Chúng ta cũng đã nhấn mạnh rằng, ngay cả khi ta nói về các vấn đề kinh tế, thì chúng ta cũng không được quên vấn đề phát triển bền vững và bao trùm, và đó cũng là những vấn đề trung tâm trong nghị trình của Chính phủ. Ngài Thủ tướng đã nhắc đến quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và những mục tiêu cần đạt được trong quá trình đó.

Chúng ta cũng nhấn mạnh việc phải đạt được tiến bộ trong việc xây dựng chương trình cho 2015 và giai đoạn sau 2015. Trong đó cần để ý đến các thách thức dai dẳng như nghèo trong nhóm thiểu số, vấn đề thiểu số, và tiếng nói của họ. Cũng cần lưu ý rằng tăng trưởng không có nghĩa là tăng trưởng theo bất kỳ cách nào. Kiểu tăng trưởng mà chúng ta cần là tăng trưởng bền vững. Trong quá trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân ta không được quên rằng phải giúp các doanh nghiệp tư nhân phát triển xanh hơn, và phải coi tăng trưởng xanh là một ngành kinh doanh mới. Muốn vậy, cần áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chúng ta đã đề cập thực hiện vốn vay ODA. Việt Nam cần rất nhiều nguồn lực. Ngài Thủ tướng cũng nói đầu giờ sáng nay là chúng ta còn nhiều vốn ODA đã cam kết cần phải thực hiện. Việc sửa đội Nghị định 38 về ODA sắp tới sẽ giữ vai trò quan trọng, và chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ và chung tay gỡ bỏ một số nút thắt còn lại.

Trên đây là tóm tắt rất ngắn, và tôi chưa đề cập được hết mọi vấn đề. Chúng ta đã thảo luận nhiều vấn đề. Tôi xin phép cảm ơn tất cả các quí vị đại biểu về sự tham gia tích cực của các vị. Đó chính là bằng chứng về cam kết của chúng ta với Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam.

Bây giờ tôi sẽ nói về các hành động tiếp theo. Tôi thấy có hai nhóm có bảng ma trận chính sách. Các bảng ma trận này vẫn còn khá dài. Tôi đề nghị ta hãy tự đặt ra thời hạn cho chính mình, ví dụ giữa tháng 1, để hoàn thiện nốt bảng ma trận, làm cho các hành động chính sách tập trung hơn, và rút gọn bớt con số các hành động.

Chúng ta sẽ trình kết quả đó lên Chính phủ và hi vọng Chính phủ sẽ cam kết phê duyệt sớm, trước giữa tháng 2 để chúng ta có thể theo dõi và cùng Chính phủ thực hiện.

Chúng tôi cũng sẽ hoàn thiện một lộ trình rộng hơn cho các hành động từ nay đến VDPF 2015.

Thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, xin cảm ơn Ngài, cảm ơn Ngài rất nhiều về sự quan tâm của Ngài đối với diễn đàn này và về quan hệ đối tác giữa chúng ta. Tất cả các đối tác phát triển chúng tôi sẽ cùng với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, từ cả hai phía, cùng quyết tâm và sẵn sàng tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác vì lợi ích của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Xin cảm ơn.


Api
Api

Welcome