Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng,
Thưa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh,
Thưa Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành,
Thưa Ngài Pierre Charles Amilhat, Tổng trưởng về Phát triển và Hợp tác EUROPE AID
Thưa các vị Đại sứ, Trưởng Đại diện các cơ quan, đối tác phát triển
Thưa Quý vị đại biểu,
Tôi xin cùng Bộ trưởng Vinh nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu đã đến tham dự Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2014.
Trước tiên tôi xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng Vinh và các cộng sự tại Bộ KHĐT, đặc biệt là Ban thư ký Diễn đàn đã làm việc hết sức vất vả trong quá trình chuẩn bị diễn đàn này. Tôi cũng xin trân trọng cám ơn Chính phủ Australia và Nhật Bản đã ủng hộ tích cực cho Ban thư ký Diễn đàn.
Mở đầu Diễn đàn, cho phép tôi gửi lời chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì những thành tựu quan trọng mà Chính phủ đã đạt được trong năm 2014. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt được ổn định nền kinh tế vĩ mô, giữ vững lạm phát ở mức một con số, tỉ giá hối đoái ổn định, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, tạo vị thế vững chắc hơn trong cán cân kinh tế đối ngoại. Chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu ban đầu của quá trình hồi phục tăng trưởng trong nhiều ngành kinh tế.
Cho phép tôi gửi lời chúc mừng đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ về những thành tựu đã đạt được cả trên phạm vi khu vực lẫn thế giới, trong đó có thể kể đến việc tổ chức thành công Hội nghị các Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ nhất và việc cam kết với các nỗ lực toàn cầu về giảm phát thải carbon.
Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) năm nay tập trung vào hai vấn đề chính: cải cách thể chế và phát triển khu vực tư nhân trong nước.
Năm năm đầu khi Việt Nam trở thành nước có thu nhâp trung bình thấp lại rơi đúng vào bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và hậu quả của nó là “đại suy thoái”. Bối cảnh đó đòi hỏi TẤT CẢ các quốc gia, cả những quốc gia đã phát triển lẫn các nền kinh tế mới trỗi dậy như Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội. Những thách thức đó cũng đòi hỏi các quốc gia phải có những hành động thích hợp và nghiêm túc để tận dụng triệt để lợi thế hội nhập kinh tế cũng như giảm thiểu rủi ro.
Ở Việt Nam, nhu cầu cấp thiết về cải cách thể chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đã dịch chuyển nhanh chóng tới các đề xuất chính sách của nhà nước cũng như những diễn đàn thảo luận về chính sách công rộng lớn hơn. Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) là hai trong số những ví dụ điển hình trong khu vực về việc không ngừng cải thiện thể chế khi thu nhập GDP trên đầu người đã tăng lên. Cả hai quốc gia đó đều đã xây dựng được những thể chế phù hợp so với trình độ phát triển của họ. Vì vậy việc chú trọng đến cải cách thể chế như Việt Nam đang làm hiện nay là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời.
Nhưng cải cách thể chế không phải là vấn đề mới tại Việt Nam. Đổi Mới bao gồm các chính sách về đảm bảo quyền sử dụng đất, bãi bỏ hợp tác hóa nông nghiệp, chính thức công nhận về mặt pháp lý kinh tế tư nhân, khuyến khích đầu tư nước ngoài, tự do hoá thương mại, tất cả những điều đó đã dẫn đến việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Tất cả những diễn biến đó đã tạo ra môi trường đầu tư Việt Nam tương đối hấp dẫn hơn so với các nước cùng trình độ và tạo ra làn sóng cải cách thể chế đầu tiên. Và kết quả thật khả quan - Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng GDP đầu người nhanh thứ hai trên thế giới trong suốt 20 năm qua.
Là một nước thu nhập trung bình, trong vòng 5 năm tới tại Việt Nam sẽ diễn ra đồng thời một số tiến trình quan trọng - xây dựng kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội (2016-2020), chuẩn bị văn kiện đại hội Đảng lần thứ 12 đầu năm 2016. Đây là cơ hội ít có để chúng ta lên kế hoạch cho một đợt cải cách thể chế mới nhằm nâng cao năng suất, đẩy mạnh tăng trưởng - những điều mà Việt Nam đang rất cần, và đóng góp vào hiện đại hoá nền kinh tế và xã hội và xây dựng một xã hội hoà đồng hơn.
Nếu các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách có thể tận dụng được cơ hội này, thì đó sẽ là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam thành công với tư cách là một nước thu nhập trung bình và giúp Việt Nam nhanh chóng đặt nền móng thực hiện hoài bão trở thành một nền kinh tế thu nhập cao.
Thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Gần đây Quốc hội cũng thông qua việc sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng như Luật phá sản, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công v.v.. Đây là khởi điểm rất tốt cho việc xây dựng các biện pháp đổi mới thể chế tiếp theo. Chúng ta cũng đã chứng kiến Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã bắt đầu đi vào cuộc sống.
Phép trắc nghiệm về quyết tâm của Chính phủ đối với lịch trình này sẽ là sự thực hiện hiệu quả và minh bạch các chính sách đó. Chúng tôi hi vọng Chính phủ sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng cách thức theo dõi và đánh giá công tác thực hiện một cách đồng bộ để rút ra bài học cho các lần đổi mới chính sách sau này.
Công tác điều phối giữa các cơ quan Chính phủ phải tăng cường hơn nữa. Thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì các buổi đánh giá tiến độ thường kỳ. Đổi mới tăng cường qui tắc pháp trị (chất lượng thực thi hợp đồng, quyền sở hữu, công an, tòa án và tình trạng tội phạm và bạo lực) sẽ giúp khuyến khích đầu tư và sản xuất.
Một phần quan trọng của cải cách cũng cần phải đề cập việc tăng cường thể chế quản lý kinh tế vĩ mô. Tuy tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định trong 3 năm qua nhưng kết quả vẫn còn chưa chắc chắn và chúng ta cần tiếp tục củng cố sự ổn định vĩ mô dài hạn. Các chính sách và qui trình lập, duyệt kế hoạch hóa tài khóa và thực hiện chính sách tiền tệ và tỉ giá cũng phải vận động theo hướng minh bạch và nguyên tắc thị trường hơn. Cụ thể, cần xem xét và cân nhắc tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo hướng một ngân hàng Trung ương hiện đại. Đây là những vấn đề quan trọng trong lịch trình tăng cường năng lực cạnh tranh và hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam.
Hôm nay chúng ta cũng sẽ thảo luận về cách thức khuyến khích sự phát triển một khu vực kinh tế tư nhân năng động hơn nữa. Kinh tế tư nhân đã phải vật lộn với bao khó khăn thử thách trong vài năm qua. Một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Số còn lại chủ yếu nằm trong khu vực phi chính thức, qui mô rất nhỏ hoặc nhỏ và vừa. Trên thực tế nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy qui mô trung bình của doanh nghiệp đã thu hẹp trong vài năm gần đây. Các doanh nghiệp trong nước đã không tận dụng được tác động lan tỏa từ các doanh nghiệp nước ngoài. Sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng manh mún và hạn chế. Không có quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn hoặc ỷ lại vào khu vực doanh nghiệp nước ngoài. Chính sách của Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến kinh tế tư nhân, một khu vực năng động, là đúng hướng và đúng lúc. Cải cách thể chế cũng cần tập trung vào các vấn đề này và các thách thức khác mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt. Sắp tới, hội nhập kinh tế sẽ hướng vào chiều sâu thông qua cộng đồng kinh tế ASEAN, EFTA, TPP, thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và một số nước khác và sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng sẽ không thể thực hiện được điều đó nếu không có khu vực công vững mạnh bao gồm nhiều thể chế chung tay giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải.
Trên tinh thần đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước tiếp tục là vấn đề quan trọng. Đây sẽ là bàn đạp để phát triển các doanh nghiệp trong nước phát triển. Cải cách doanh nghiệp nhà nước cần theo hướng giảm tập trung vào con số doanh nghiệp cổ phần hóa, và thay vào đó cần chú ý đến chất lượng cổ phần hóa. Trước hết cần nâng tỉ lệ sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp nhà nước để tăng mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư, và tăng cường cải tiến quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, cần nâng cao minh bạch thông qua công khai thông tin thường kỳ với độ tin cậy cao, chấm dứt ưu đãi vốn và đất đai, và nên áp ngân sách cứng lên các doanh nghiệp nhà nước. Đó chính là nhân tố quan trọng, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển. Quyết định 61 về bạch hóa thông tin doanh nghiệp nhà nước năm 2013, và Luật đầu tư và sử dụng vốn nhà nước trong sản xuất kinh doanh đã đi đúng hướng khi giải quyết các vấn đề này, nhưng vấn đề còn lại ở đây là khâu thực hiện.
Cần một kế hoạch rõ ràng về giải quyết nợ xấu trong quá trình thực hiện cải cách ngành ngân hàng. Các nỗ lực gần đây nhằm tăng cường khung pháp lý cho hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là rất quan trọng, nhưng ta vẫn còn phải trả lời câu hỏi cơ bản hơn là lấy vốn ở đâu ra để giải quyết nợ xấu. Nếu không có giải pháp đáng tin cậy thì các ngân hàng sẽ ngần ngại khi cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ.
Chúng ta tập trung thảo luận cải cách thể chế kinh tế và phát triển kinh tế tư nhân, nhưng cả hai vấn đề đó đều có chung một xuất phát điểm là phải tăng cường mức độ hòa đồng. Cải cách thể chế kinh tế mang lại cơ hội nâng cao trách nhiệm giải trình cho người dân. Cải cách cũng sẽ đảm bảo thân thiện hơn đối với các doanh nghiệp vi mô, doanh nghiệp nhỏ và vừa - đó là những doanh nghiệp tạo việc làm giúp cho những đối tượng thiệt thòi trong xã hội.
Ngoài ra còn có những biện pháp cải cách cụ thể, có tác động trực tiếp lên tính hòa đồng trong xã hội. Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi tháng 6/2014 có mục tiêu rõ ràng là thực hiện hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân. Lần sửa đổi này cũng giảm gánh nặng tài chính cho người nghèo và cận nghèo bằng cơ chế cùng đóng góp, và qui định rõ ràng hơn chế độ hưởng để qua đó nâng cao trách nhiệm giải trình của hệ thống trong công tác cung cấp dịch vụ cho đối tượng hưởng. Cơ chế cùng đóng góp, chia sẻ bớt gánh năng cho người nghèo và cận nghèo sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng mang lại nhiều đổi mới nhằm nâng cao mức độ bền vững tài chính, và về lâu dài sẽ gián tiếp có lợi cho người nghèo do giải phóng bớt gánh nặng tài khóa cho chế độ hưu trí không phải đóng góp, và nâng cao công bằng tiếp cận bảo hiểm xã hội giữa người lao động trong khu vực chính thức và phi chính thức, cũng như mở rộng diện bảo hiểm.
Cần chú ý áp lực tài khóa hiện nay đang đè nặng lên hệ thống bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo rằng rủi ro về nghèo khi về già sẽ được giảm nhẹ, nhất là khi dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng. Về mặt này, một lĩnh vực cải cách thể chế quan trọng nhằm duy trì mức độ hòa đồng cao chính là đổi mới và hiện đại hóa hệ thống hưu trí. Nếu thực hiện điều đó sẽ đồng thời đảm bảo khả năng bền vững của hệ thống hiện nay và giảm áp lực tài khóa tương lai, và chính điều đó lại cho phép mở rộng diện đối tượng.
Cuối cùng, những người nghèo nhất trong số những người nghèo, bao gồm cả đối tượng nghèo là người thiểu số, cần một mạng lưới an sinh xã hội mà cải cách phải tạo ra thông qua nâng cao cải tiến, hiện đại hóa và xác định đối tượng tốt hơn. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ nên thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh, và áp dụng các cách tiếp cận phù hợp về văn hóa trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách.
Cố gắng xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hơn, một xã hội hòa đồng hơn đòi hỏi phải chú ý giảm cơ hội tham nhũng và lạm dụng nguồn lực công. Các chính sách tăng cường, hiện đại hóa, và công khai quản lý tài chính, bao gồm cả minh bạch mua sắm công sẽ giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Việt Nam nêu rõ thực hiện cải cách thể chế là để chuyển dịch sang kinh tế thị trường. Việt Nam đã chọn cách đi thận trọng và chậm hơn các nền kinh tế kế hoạch trước đây. Tuy phương án tiến nhanh một cách vội vã và đôi khi cân nhắc chưa đủ kín kẽ có rủi ro của nó nhưng nếu đi chậm cũng có rủi ro riêng, nhất là nguy cơ tạo ra những nhóm lợi ích cản trở Đổi mới. Việt Nam cần phác ra đường đi của mình, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng hơn thiệt của từng cách tiếp cận.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng cần xem lại vai trò của kinh tế nhà nước. Việt Nam đã dựa vào doanh nghiệp nhà nước để quản lý kinh tế vĩ mô và dành cho doanh nghiệp nhà nước vai trò dẫn đường trong quá trình công nghiệp hóa. Có nhiều bằng chứng cho thấy cách tiếp cận này không mang lại nhiều hiệu quả. Công tác chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 và văn kiện Đại hội Đảng 2016 nên tập trung các cuộc tranh luận vào vấn đề này. Cần một sự chuyển hướng mạnh thì mới có thể đổi mới thành công lần này.
Vào lúc này, khi ta đang bắt đầu Diên đàn VDPF 2014, mọi chúng ta cần nhớ lại những mục tiêu mà mình đã tự đặt ra khi khởi động cho các hoat dộng của Diễn đàn này. Trước hết là tạo điều kiện để đối thoại thực chất hơn, thứ hai là chú ý bao quát hơn đến mọi đối tượng, cụ thể là dành một ví trí cho kinh tế tư nhân trong nước trong bàn đối thoại, và thứ ba là phải làm cho cuộc đối thoại của chúng ta hướng đến hành động hơn nữa, thay vì chỉ là nói và bàn “suông”.
Tôi xin phép nêu ba bài học rút ra từ Diễn đàn năm ngoái. Bài học thứ nhất là phải có qui trình rõ ràng hơn để giảm chi phí thời gian cho các đại biểu. Bài học thứ hai là phải đưa ra quyết định về các chủ đề Diễn đàn VDPF lần sau đủ sớm để các nhóm công tác có đủ thời gian thực hiện đối thoại/bàn bạc kỹ các vấn đề đó trước khi diễn ra diễn đàn. Và bài học thứ ba là nên tập trung vào một số ít hơn các hành động chính sách thống nhất sau khi kết thúc diễn đàn và thông báo thông tin cập nhật về tiến độ để mọi đối tác được biết.
Trách nhiệm chung của Chính phủ và các đối tác phát triển là hỗ trợ giúp đạt được mục tiêu ban đầu bằng cách đưa các bài học vào cuộc sống trong khi chúng ta chuẩn bị cho Diễn đàn VDPF 2015. Các đối tác phát triển luôn sát cánh cùng Chính phủ tiếp tục diễn đàn này và không ngừng nâng cao hiệu quả của nó phục vụ sự nghiệp phát triển của Việt Nam.
Hi vọng chúng ta sẽ phát biểu tập trung và súc tích, dành thêm thời gian cho các đại biểu khác phát biểu. Như vậy chúng ta sẽ đạt được hiệu quả cao nhất từ diễn đàn hôm nay.
Chúc tất cả chúng ta một buổi thảo luận hiệu quả. Xin cảm ơn!