Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ 16 Tháng 9 Năm 2020

Đại dịch Đe dọa Thành tựu về Vốn Nhân lực của Thập kỷ trước: WB

WASHINGTON, 16/9/2020 – Đại dịch COVID-19 đang đe dọa những thành tựu đã phải rất khó khăn mới đạt được về y tế và giáo dục trong thập kỷ qua, đặc biệt ở các quốc gia nghèo nhất, theo một phân tích mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới. Đầu tư vào vốn nhân lực—bao gồm kiến ​​thức, kỹ năng, và sức khỏe trong suốt cuộc đời—là chìa khóa để phát huy tiềm năng của con người và cải thiện tăng trưởng kinh tế ở mọi quốc gia.

Chỉ số Vốn Nhân lực 2020 của Ngân hàng Thế giới bao gồm dữ liệu đến tháng 3 năm 2020 về sức khỏe và giáo dục của 174 quốc gia chiếm 98% tổng dân số thế giới, cung cấp đường cơ sở về tình hình về sức khoẻ và giáo dục trẻ em. Theo kết quả phân tích, trước đại dịch, hầu hết các quốc gia đã có những bước tiến vững chắc trong việc xây dựng vốn nhân lực cho thế hệ kế tiếp, trong đó những bước tiến lớn nhất được ghi nhận tại các quốc gia có thu nhập thấp. Mặc dù đã có nhiều bước tiến bộ và chưa tính đến những ảnh hưởng gần đây của đại dịch, một đứa trẻ sinh ra ở một quốc gia điển hình dự kiến chỉ đạt được 56% tiềm năng vốn nhân lực so với trường hợp đứa trẻ đó được tiếp cận giáo dục và y tế đầy đủ.

"Đại dịch gây rủi ro đối với thành tựu xây dựng nguồn nhân lực của cả thập kỷ, bao gồm những cải thiện về sức khỏe, tỷ lệ sống sót, tỷ lệ đi học, và giảm thấp còi. Tác động kinh tế của đại dịch đặc biệt mạnh mẽ đối với phụ nữ và những gia đình khó khăn nhất, khiến nhiều người dễ rơi vào cảnh không còn cái ăn và đói nghèo”, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết. “Bảo vệ và đầu tư cho con người có vai trò sống còn khi các quốc gia nỗ lực thiết lập nền tảng cho phục hồi và tăng trưởng bền vững và bao trùm trong tương lai”.

Do ảnh hưởng của đại dịch, hầu hết trẻ em – trên 1 tỷ trẻ em – phải nghỉ học và bình quân có thể mất nửa năm học, dẫn đến thiệt hại đáng kể về tài chính. Dữ liệu cũng cho thấy gián đoạn đáng kể đối với các dịch vụ y tế thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em, và nhiều trẻ em đã bị lỡ các mũi tiêm chủng quan trọng.

Chỉ số Vốn Nhân lực 2020 cũng thể hiện cái nhìn tổng quan về sự phát triển các kết quả vốn nhân lực từ năm 2010 đến năm 2020, cho thấy ghi nhận cải thiện tại tất cả các khu vực và ở tất cả các mức thu nhập (với những nước thu thập được dữ liệu). Những kết quả này phần lớn là nhờ cải thiện về sức khỏe, thể hiện ở tỷ lệ sống sót tốt hơn của trẻ em và người lớn và giảm thấp còi, cũng như tăng tỷ lệ đi học. Tiến bộ này hiện đang gặp rủi ro do đại dịch diễn ra trên toàn cầu.

Phân tích cho thấy kết quả về nguồn vốn nhân lực đối với trẻ em gái bình quân cao hơn so với trẻ em trai. Tuy nhiên, kết quả này chưa chuyển thành các cơ hội bình đẳng trên thị trường lao động: tỷ lệ việc làm bình quân của nữ giới thấp hơn 20 điểm phần trăm so với nam giới, với chênh lệch lớn hơn ở nhiều quốc gia và khu vực. Hơn nữa, đại dịch đang làm trầm trọng thêm nguy cơ bạo lực giới, tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên, tất cả những vấn đề này đều làm giảm cơ hội học tập và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái.

Ngày nay, những thành tựu về vốn nhân lực đã phải rất khó khăn mới đạt được ở nhiều quốc gia hiện đang gặp rủi ro. Nhưng các quốc gia có thể làm nhiều hơn chứ không phải chỉ nỗ lực để khôi phục những thành quả đã mất. Để bảo vệ và mở rộng những thành tựu về vốn nhân lực trước đó, các quốc gia cần nâng cao phạm vi bao phủ và chất lượng dịch vụ y tế cho các cộng đồng bị thiệt thòi, thúc đẩy kết quả học tập song song với tỷ lệ nhập học, và hỗ trợ các gia đình dễ bị tổn thương với các biện pháp bảo trợ xã hội được điều chỉnh phù hợp với quy mô của cuộc khủng hoảng COVID-19.

Nhóm Ngân hàng Thế giới đang phối hợp chặt chẽ với các chính phủ để xây dựng những giải pháp dài hạn nhằm bảo vệ và đầu tư cho con người trong và sau đại dịch:

•       Tại Ethiopia, Haiti và Mông Cổ, Ngân hàng đã hỗ trợ mua các thiết bị y tế quan trọng.

•       Tại Bangladesh, Burkina Faso và Nepal, Ngân hàng đang hỗ trợ phát triển các quy trình an toàn và vệ sinh trường học trong khi phối hợp với bộ phận Cấp nước và Vệ sinh để cung cấp vật dụng vệ sinh và khử trùng cơ bản.

•       Tại Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua các hoạt động mới được phê duyệt gần đây, Ngân hàng đang hỗ trợ phát triển TV và nội dung kỹ thuật số cho việc dạy và học kết hợp cho năm học mới, cũng như các khóa học tư vấn và khắc phục tâm lý - xã hội.          

•       Tại khu vực Sahel, Ngân hàng đang hỗ trợ dự án Trao quyền Kinh tế và Lợi tức Dân số cho Phụ nữ Sahel (SWEDD) nhằm tạo môi trường thuận lợi để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua các chương trình duy trì đi học cho trẻ em gái và mở rộng cơ hội kinh tế và tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng.

•       Ngân hàng cũng đang hỗ trợ Ấn Độ mở rộng ngay quy mô hỗ trợ tiền mặt và trợ cấp lương thực, sử dụng một tập hợp các chương trình và nền tảng quốc gia đã có từ trước, để cung cấp bảo trợ xã hội cho người lao động thiết yếu tham gia các nỗ lực cứu trợ COVID-19; và trợ cấp cho các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là người di cư và lao động phi chính thức, do họ gặp phải nguy cơ bị loại trừ cao.

Những biện pháp chính sách tham vọng và dựa trên bằng chứng về y tế, giáo dục, và bảo trợ xã hội có thể khôi phục những thành tựu đã mất và mở đường để trẻ em ngày nay đạt kết quả tốt hơn thành tựu vốn nhân lực và chất lượng cuộc sống của các thế hệ trước. Tạo điều kiện để mỗi đứa trẻ phát huy đầy đủ năng lực sáng tạo tiềm ẩn chưa bao giờ quan trọng đến thế.

Nhóm Ngân hàng Thế giới, một trong những nguồn cung cấp tài trợ và kiến thức lớn nhất cho các nước đang phát triển, đang thực hiện những hành động rộng rãi và nhanh chóng để hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường ứng phó với đại dịch. Chúng tôi đang hỗ trợ các can thiệp về sức khỏe cộng đồng, nỗ lực bảo đảm cung cấp vật dụng và thiết bị quan trọng, đồng thời giúp khu vực tư nhân duy trì hoạt động và việc làm. Chúng tôi sẽ triển khai hỗ trợ tài chính lên tới 160 tỷ USD trong vòng 15 tháng để hỗ trợ hơn 100 quốc gia bảo vệ người nghèo và người dễ bị tổn thương, hỗ trợ doanh nghiệp, và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Hoạt động tài trợ này bao gồm 50 tỷ đô la nguồn lực IDA mới thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi cao.

Thông tin về Việt Nam:

Từ năm 2010 đến năm 2020, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69. Theo đó, 98/100 trẻ em sinh ra ở Việt Nam sống được đến 5 tuổi. Ở Việt Nam, một đứa trẻ bắt đầu đi học từ năm 4 tuổi có thể hoàn thành 12,9 năm học lúc 18 tuổi, và khi quy đổi sang chất lượng học, số năm học thực chất sẽ giảm xuống chỉ còn 10,7 năm.

Chỉ số Vốn Nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn. Một thách thức lớn để tiếp tục cải thiện chỉ số Vốn Nhân lực của Việt Nam là tỷ lệ thấp còi tương đối cao (25/100 trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, đặc biệt phổ biến tại các dân tộc thiểu số).


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ: 2021/025/HD

Liên lạc

Washington
Joe Qian
+1 (202) 473-5633
jqian@worldbank.org
Yêu cầu phỏng vấn truyền hình
David Young
+1 (202) 473-4691
dyoung7@worldbank.org
Api
Api