Viễn cảnh khác nhau rõ nét giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu, rủi ro ngày càng tăng
WASHINGTON, ngày 7/6/2016—Ngân hàng Thế giới đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2,4% so với mức 2,9% đưa ra hồi tháng 1/2016. Động thái này dựa trên tốc độ tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển, giá hàng hóa nguyên liệu (commodity) vẫn giữ ở mức thấp, thương mại toàn cầu yếu và dòng vốn bị thuyên giảm.
Theo báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất, các nước mới nổi xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu và các nước đang phát triển đang phải vật lộn với tình trạng giá dầu và giá các mặt hàng nguyên liệu khác bị ghìm ở mức thấp. Riêng yếu tố này đã chiếm một nửa mức hạ dự báo. Các nền kinh tế này dự đoán chỉ tăng 0,4% năm nay, trong khi mức dự báo đưa ra hồi tháng 1/2016 là 1,2%.
“Mức tăng trưởng chậm này cho thấy các nước phải theo đuổi các chính sách nhằm tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống cho nhóm những người nghèo cùng cực,” ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nói. “Tăng trưởng kinh tế vẫn là yếu tố quan trọng nhất giúp thực hiện giảm nghèo và chính vì vậy nên chúng tôi rất quan ngại về tình trạng sụt giảm tăng trưởng mạnh tại các nước phát triển xuất khẩu nguyên liệu do giá hàng hóa nguyên liệu thấp.”
Các thị trường mới nổi nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu và các nước đang phát triển có khả năng đề kháng tốt hơn các nước xuất khẩu tuy rằng phải mất nhiều thời gian thì mới có thể khai thác được lợi ích của xu thế giá năng lượng và giá các hàng hóa khác đi xuống. Dự báo các nền kinh tế này sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% năm 2016, giảm nhẹ so với mức 5,9% năm 2015, nhờ vào giá năng lượng thấp và mức tăng trưởng nhẹ tại các nền kinh tế phát triển.
Trong các nền kinh tế mới nổi chính, Trung Quốc dự đoán sẽ tăng trưởng 6,7% năm 2016 so với mức 6,9% năm 2015. Ấn Độ dự kiến sẽ vẫn giữa mức 7,6%, còn Brazil và Nga dự kiến sẽ bị lún sâu hơn vào suy thoái so với mức dự báo hồi tháng 1/2016. Nam Phi dự báo tăng trưởng 0,6% năm 2016, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với mức dự báo tháng 1/2016.
Báo cáo cho biết rằng tín dụng trong khu vực tư nhân sẽ tăng mạnh do lãi suất giữ ở mức thấp trong một thời kỳ dài và nhu cầu vốn tăng trong thời gian gần đây, và tình trạng đó sẽ gây nhiều rủi ro tiềm tàng cho một số nền kinh tế mới nổi và một số nước đang phát triển.
“Trong khi các nước phát triển đang cố gắng lấy đà thì hầu hết các nước Nam và Đông Á lại tăng trưởng rất vững, và các nước nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu mới nổi khác trên thế giới cũng vậy,” ông Kaushik Basu, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Phó chủ tịch cao cấp của Ngân hàng Thế giới nói. “Tuy vậy, một diễn tiến cần chú ý là nợ tư nhân tăng nhanh tại một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Do lượng vốn đi vay tăng, nên cũng xuất hiện nhiều khoản nợ xấu, và tỉ trọng nợ xấu trong tổng cho vay đã tăng gấp bốn lần.”
Trong bối cảnh tăng trưởng yếu nền kinh tế toàn cầu gặp phải nhiều rủi ro dễ thấy, trong đó phải kể đến xu thế tiếp tục đi xuống tại một số thị trường mới nổi chủ chốt, thay đổi đột ngột về tâm lý trên thị trường tài chính, đình trệ tại các nền kinh tế phát triển, tình trạng giá nguyên vật liệu thấp kéo dài hơn dự tính, rủi ro địa chính trị tại nhiều nơi trên thế giới và quan ngại về hiệu quả chính sách tiền tệ trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Báo cáo áp dụng một công cụ lượng hóa rủi ro đối với viễn cảnh toàn cầu và kết quả cho thấy rằng xu thế có vẻ kém lạc quan hơn dự báo đưa ra hồi tháng 1/2016.
“Viễn cảnh tăng trưởng ảm đạm tại các nền kinh tế mới nổi đang phát triển sẽ làm chậm lại, thậm chí đảo ngược thành quả đã đạt được trong việc bắt kịp với mức thu nhập tại các nền kinh tế phát triển,” ông Ayhan Kose, Trưởng nhóm báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu nói. “Tuy vậy, một số nền kinh tế mới nổi nhập khẩu nguyên vật liệu và đang phát triển vẫn duy trì mức tăng trưởng đều và thậm chí tăng tốc trong ba năm vừa qua.”
Viễn cảnh khu vực
Đông Á Thái Bình Dương: Tăng trưởng khu vực Đông Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm xuống mức 6,3% như trong năm 2016, trong đó Trung Quốc giảm xuống mức 6,7% như đã dự báo hồi tháng 1/2016. Toàn khu vực, không kể Trung Quốc, sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2016, bằng với mức tăng trưởng năm 2015. Kết quả dự báo này dựa trên giả định Trung Quốc sẽ giảm tăng trưởng một cách có trật tự, đi kèm với các tiến bộ về tái cơ cấu và các biện pháp kích thích chính sách hợp lý. Tăng trưởng tại các nước còn lại trong khu vực dự tính sẽ được hỗ trợ bởi tăng cường đầu tư tại các nền kinh tế lớn (In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan) và tăng mạnh tiêu dùng bởi giá hàng hóa nguyên liệu thấp (Thái Lan, Phi-lip-pin, Việt Nam).
Châu Âu và Trung Á: Sụt giảm tăng trưởng tại Nga sẽ vẫn tiếp tục và kéo mức dự báo cả khu vực xuống mức 1,2% trong năm 2016, tức là điều chỉnh xuống 0,4 điểm phần trăm so với viễn cảnh đưa ra hồi tháng 1/2016. Các mối lo ngại địa chính trị, bao gồm gia tăng bạo lực tại Đông Ucraina và vùng Caucasus, và các cuộc tấn công khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng tác động lên viễn cảnh. Nếu không kể Nga, các nước còn lại trong khu vực dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 2,9%. Mức dự báo cho các nước phía đông khu vực đã bị điều chỉnh xuống so với hồi đầu năm do các nước phải thích ứng với giá dầu, kim loại và nông sản đều hạ. Các nước tây Âu sẽ được hưởng lợi do khu vực đồng Euro tăng trưởng nhẹ và do cầu trong nước tăng nhờ giá nhiên liệu thấp.
Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê: Khu vực này dự kiến sẽ giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 1,3% năm 2016, kém 0,7 điểm phần trăm so với năm 2015, năm đầu tiên suy thoái liên tiếp trong hơn 30 năm qua. Dự kiến khu vực sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2017 và dần dần đạt mức 2% trong năm 2018. Viễn cảnh mỗi nước trong khu vực một khác: Các nước Nam Mỹ sẽ giảm xuống mức 2,8% năm nay và sẽ phục hồi nhẹ năm 2017. Ngược lại, nhờ gắn kết với Hoa Kỳ và xuất khẩu mạnh nên Mexico và các nước Trung Mỹ, các nước Ca-ri-bê sẽ tăng trưởng 2,7% và 2,6% năm 2016 và sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn vào các năm 2017 và 2018 sau đó. Brazil dự kiến sẽ giảm xuống còn 4% năm 2016 và tình trạng suy thoái này sẽ tiếp tục trong năm 2017 trong điều kiện thắt chặt chính sách, thất nghiệp tăng, thu nhập thực tế giảm và tình hình chính trị không ổn định.
Trung Đông và Bắc Phi: Tăng trưởng khu vực dự kiến sẽ tăng nhẹ và đạt 2,9% năm 2016, kém 1,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Giêng. Mức tăng trưởng bị điều chỉnh xuống do giá dầu trong năm sẽ tiếp tục xuống tới mức 41 USD/thùng. Nguyên nhân chính làm cho mức tăng trưởng tăng nhẹ trong khu vực là tăng trưởng tại Cộng hòa Hồi giáo I-ran sẽ phục hồi mạnh sau khi dỡ bỏ lệnh trừng phạt hồi tháng Giêng. Dự kiến giá dầu sẽ lên trong năm 2017 và sẽ kéo theo mức độ tăng trưởng cả khu vực lên 3,5%.
Nam Á: Khu vực Nam Á dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 7,1% năm 2016 mặc dù xuất khẩu có bị giảm sút do ảnh hưởng bởi mức tăng trưởng thấp hơn dự báo tại các nền kinh tế phát triển. Nền kinh tế vẫn phát triển tốt do cầu nội địa—động lực tăng trưởng chính—vẫn mạnh. Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất khu vực, và các nước khác như Pakistan, Bangladesh và Bhutan vẫn duy trì tăng trưởng. Hầu hết các nước Nam Á đều được hưởng lợi từ giá dầu giảm, lạm phát thấp và nguồn kiều hối đều đặn.
Tiểu Sa-ha-ra châu Phi: Tăng trưởng khu vực tiểu Sa-ha-ra châu Phi sẽ tiếp tục giảm, trong năm 2016, còn 2,5% trong khi mức tăng trưởng ước tính năm 2015 là 3%, do giá nguyên vật liệu dự kiến sẽ vẫn giữ ở mức thấp, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp và điều kiện tài chính thắt chặt. Các nước xuất khẩu dầu lửa dự kiến sẽ không chứng kiến bất kỳ sự tăng trưởng tiêu dùng nào trong khi lạm phát thấp tại các nước nhập khẩu dầu lửa lại khuyến khích tiêu dùng. Tuy nhiên giá cả thực phẩm tăng do tác động của hạn hán, thất nghiệp tràn lan, đồng tiền mất giá có thể lấy đi mất phần nào lợi thế này. Mức tăng đầu tư dự kiến sẽ giảm tại nhiều nước do chính phủ và các nhà đầu tư cắt giảm hoặc giãn kế hoạch chi đầu tư cơ bản trong bối cảnh thắt chặt tài khoá.