THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Theo dự kiến của Ngân hàng Thế giới, Tăng trưởng tại các nước đang phát triển Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ chậm lại vào năm 2014

6 Tháng 10 Năm 2014


Dự báo cho thấy khu vực này sẽ tăng trưởng ở mức 7% trong năm nay và năm tới

XINH-GA-PO, ngày 6 tháng 10 năm 2014 – Tốc độ tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ giảm trong năm nay, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng trong khu vực, không kể Trung Quốc, sẽ tăng lên trong năm tới, khi mà sự phục hồi dần dần của các nước có thu nhập cao thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu trong khu vực, theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới công bố ngày hôm nay. Tuy nhiên, các nước đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các khu vực khác trên thế giới.

Theo báo cáo, các nước đang phát triển Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng ở mức 6,9% trong năm nay và năm tới, giảm so với mức 7,2% vào năm 2013. Tại Trung Quốc, tăng trưởng sẽ giảm nhẹ xuống còn 7,4% trong năm nay và 7,2% trong năm 2015, do chính phủ cố gắng đưa nền kinh tế theo con đường phát triển bền vững hơn với các chính sách nhằm giải quyết những yếu kém về tài chính và những điểm nghẽn mang tính cơ cấu của nền kinh tế. Không kể Trung Quốc, tăng trưởng ở các nước đang phát triển trong khu vực được dự kiến sẽ giảm xuống mức đáy là 4,8% trong năm nay, trước khi tăng lên mức 5,3% vào năm 2015, khi xuất khẩu tăng và các cuộc cải cách kinh tế trong nước ở các nền kinh tế lớn khu vực Nam Á đạt được những tiến triển mạnh mẽ hơn.

Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới nói: “Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục có tiềm năng tăng trưởng với tốc độ cao hơn – và nhanh hơn so với các khu vực đang phát triển khác – nếu như các nhà hoạch định chính sách thực hiện chương trình cải cách nội địa mang tính tham vọng hơn, bao gồm việc loại bỏ các rào cản làm cản trở đầu tư trong nước, nâng cao khả năng  cạnh tranh trong xuất khẩu và hợp lý hóa chi tiêu công.”

Mặc dù toàn bộ khu vực này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn bất cứ khu vực nào nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu nhưng tác động tới các nước khác nhau sẽ khác nhau, tùy thuộc vào môi trường đầu tư và xuất khẩu. Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Việt Nam và Cam-pu-chia có điều kiện phù hợp để tăng xuất khẩu, phản ánh mức độ hội nhập ngày càng sâu của các nền kinh tế này vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, vốn có vai trò làm động lực thúc đẩy thương mại toàn cầu trong vòng 20 năm qua.

Báo cáo cũng đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng của Ma-lai-xi-a do Ngân hàng Thế giới đưa ra, từ mức dự báo 4,9% vào tháng 4 lên mức 5,7%, do nước này xuất khẩu mạnh trong 6 tháng đầu năm. Theo dự kiến, Cam-pu-chia sẽ tăng trưởng ở mức 7,2% vào năm 2014, với ngành xuất khẩu hàng may mặc đóng vai trò làm động lực thúc đẩy tăng trưởng. Thái Lan cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu do nước này hội nhập mạnh mẽ vào các chuỗi giá trị toàn cầu – nếu như kéo dài được thời gian tạm thời không có bất ổn về chính trị.

Tuy nhiên ở In-đô-nê-xi-a, một nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm từ mức 5,8% vào năm 2013 xuống còn 5,2%, do giá cả hàng hóa giảm, do mức tiêu dùng của chính phủ thấp hơn so với dự kiến và do tốc độ mở rộng tín dụng chậm hơn so với dự báo.

Một điểm sáng đối với các nền kinh tế trong khu vực là, tiêu dùng tư nhân tăng mạnh do nhiều nhân tố khác nhau tác động, chẳng hạn như do chi tiêu liên quan đến bầu cử ở In-đô-nê-xi-a và thị trường lao động sôi động ở Ma-lai-xi-a. Ở Phi-líp-pin, dòng kiều hối tăng mạnh đã thúc đẩy tiêu dùng tư nhân, trong khi tiêu dùng tư nhân chiếm tỉ trọng hơn một nửa trong tăng trưởng tổng thể của quốc gia này, và theo dự báo thì dòng kiều hối sẽ đạt mức 6,4% trong năm nay và 6,7% trong năm 2015. Tăng trưởng kinh tế ở My-an-ma, với những cải cách gần đây và thể chế và chính sách cũng như sự nối lại hợp tác quốc tế, sẽ đạt mức 8,5% trong năm nay và năm tới.

Còn nhiều điều bất trắc có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực. Các nền kinh tế có thu nhập cao, đặc biệt là ở khu vực đồng Euro và Nhật Bản, có thể phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực trong ngắn hạn. Các điều kiện về tài chính trên toàn cầu có thể sẽ được thắt chặt lại một cách đáng kể, và những căng thẳng về địa chính trị ở quy mô quốc tế và khu vực có thể làm ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng. Khu vực này cũng vẫn tiếp tục dễ bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm tăng trưởng mạnh ở Trung Quốc, và mặc dù điều đó khó xảy ra nhưng nếu trở thành hiện thực thì có thể ảnh hưởng mạnh tới các công ty sản xuất hàng hóa, ví dụ như các công ty xuất khẩu kim loại ở Mông Cổ và các công ty xuất khẩu than ở In-đô-nê-xi-a.

Ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới nói: “Cách tốt nhất để các quốc gia trong khu vực có thể giải quyết những rủi ro này là thông qua việc giải quyết những yếu kém do những chính sách về tài chính và tài khóa từ trước đến nay đã tạo ra, và bổ sung cho những biện pháp này bằng những cải cách cơ cấu nhằm tăng khả cạnh tranh về xuất khẩu.”

Báo cáo xác định các khuyến nghị chính sách cho các quốc gia khác nhau nhằm giải quyết những rủi ro và bắt đầu đi theo con đường phát triển bền vững. Chẳng hạn như, Mông Cổ và CHDCND Lào cần phải giảm mức thâm hụt tài khóa và thắt chặt chính sách tiền tệ. Ở In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan, các biện pháp nhằm tăng thu ngân sách và giảm các khoản trợ cấp không nhắm tới đối tượng mục tiêu một cách phù hợp sẽ giúp tạo môi trường thông thoáng cho các khoản đầu tư nhằm tăng năng suất và tạo dư địa để tăng chi cho giảm nghèo, đồng thời giúp dần dần khôi phục lại các vùng đệm tài khóa.

Tại Trung Quốc, với việc chính phủ đang cố gắng nhằm cân bằng giữa việc kìm hãm những rủi ro ngày càng tăng với việc đạt các mục tiêu về tăng trưởng, báo cáo cũng chỉ ra rằng những cải cách về cơ cấu ở các ngành, lĩnh vực vốn trước đây chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước và các dịch vụ của nhà nước có thể giúp bù đắp lại tác động của các biện pháp nhằm kìm hãm nợ của chính quyền địa phương và kiềm chế hoạt động ngân hàng bóng-ngân hàng ẩn.

Báo cáo cũng bàn về những cải cách cơ cấu trong dài hạn mà sẽ giúp các quốc gia có thể tối đa hóa những lợi ích từ sự phục hồi toàn cầu. Những cải cách then chốt bao gồm tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện hậu cần thương mại, và tự do hóa các dịch vụ và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Và, với tình trạng nhiều nền giáo dục trong khu vực không tạo ra được những kĩ năng mà thị trường lao động cần, báo cáo cũng khuyến nghị rằng cần có một chiến lược toàn diện nhằm giải quyết các vấn đề, từ việc phát triển giáo dục mầm non tới việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo điều kiện và thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời.

Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương là đánh giá toàn diện của Ngân hàng Thế giới về các nền kinh tế trong khu vực. Báo cáo này được xuất bản mỗi năm 2 lần và có thể được truy cập miễn phí trên trang web http://www.worldbank.org/eapupdate.



Liên hệ truyền thông
Tại Washington DC
Jane Zhang
tel : +1 (202) 473-1376
janezhang@worldbank.org
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : 84-4-39346600 ext. 234
nnguyen5@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2015/128/EAP

Api
Api

Welcome