Hà Nội, ngày 17/7/2014 – Hôm nay, Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới thông báo hai bên đã đồng ý tiến hành một nghiên cứu chung khuyến nghị một số hành động chính sách để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới, đưa Việt Nam vào lộ trình một nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong một thế hệ. Nghiên cứu sẽ chỉ ra những thay đổi cần thiết mà Việt Nam cần thực hiện để mang lại tăng trưởng bền vững và vì lợi ích của tất cả người dân, và gia nhập nhóm các nước thu nhập cao.
“Chúng tôi rất mong muốn cùng hợp tác chặt chẽ và chia sẻ kinh nghiệm toàn cầu với Việt Nam trong nghiên cứu chung này với mục đích phát huy tiềm năng của Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một nước có thu nhập cao trong các thập kỷ tới,” Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim nói. “Các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể nâng cao đời sống người dân hơn nữa nếu có thể tăng cường hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực chính trong việc tạo việc làm, tăng cường sáng tạo và tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.”
Nghiên cứu sẽ tập trung vào những thay đổi cần có để Việt Nam tăng cường thương mại và năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước hơn nữa. Nghiên cứu cũng sẽ xem xét các chính sách và hành động mà Việt Nam cần thực hiện để phát triển kinh tế bền vững, cải cách thể chế, và tạo cơ hội và bình đẳng cho mọi người. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã thống nhất hoàn thành nghiên cứu này trong vòng 1 năm.
“Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ hỗ trợ chiến lược của Việt Nam nhằm nâng cao đời sống nhân dân hơn nữa thông qua việc đưa ra một số khuyến nghị thúc đẩy cải cách kinh tế và thể chế tập trung vào đẩy mạnh tăng trưởng và mang lại nhiều hỗ trợ cho người nghèo.” Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. “Một trọng tâm chính trong báo cáo sẽ là khuyến khích đầu tư vào khu vực tư nhân, góp phần tạo việc làm, đồng thời đảm bảo bình đẳng hơn nữa và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Jim Yong Kim công bố về nghiên cứu chung này tại Hà Nội, đồng thời hai bên cũng ký kết 5 thoả thuận tín dụng cho 5 dự án mới với tổng trị giá 876 triệu đô la Mỹ. Ông Kim cũng thông báo Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ cấp hơn 3,8 tỉ đô la Mỹ tín dụng ưu đãi cho Việt Nam trong vòng 3 năm tới thông qua IDA, quỹ của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ tín dụng cho các nước nghèo nhất. Một trong những mục tiêu chính là nhằm giúp Việt Nam huy động thêm nguồn vốn tư nhân. Ông cũng đã gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm này.
Việt Nam đã đạt thành tích giảm nghèo ấn tượng trong vài thập kỷ qua. Tỉ lệ nghèo đã giảm từ 60% trong thập kỷ 1990 xuống dưới 10% ngày nay. Cũng trong thời kỳ đó thu nhập bình quân của 40% người dân Việt Nam có thu nhập thấp tăng 9% mỗi năm. Tỉ lệ tăng trưởng trung bình của Việt Nam trong thập kỷ qua là 6,4% mỗi năm, dù gần đây đang bị giảm đi.
“Nếu tiến hành cải cách quyết liệt ngành tài chính và các doanh nghiệp nhà nước, tạo ra một mức độ minh bạch và trách nhiệm cao hơn thì Việt Nam sẽ có thể quay trở lại con đường tăng trưởng nhanh,” ông Kim nói. “Nhóm Ngân hàng Thế giới cam kết ủng hộ Việt Nam trong quá trình đổi mới khó khăn này và chúng tôi thực sự trân trọng mối quan hệ hợp tác lâu dài và tin cậy với Việt Nam.”
Ông Kim nói, Việt Nam, cũng như các nền kinh tế đang phát triển khác, đang hợp tác với Nhóm Ngân hàng Thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đây là những vấn đề đe doạ đảo ngược những thành tích phát triển mà chúng ta đã đạt được trong thập kỷ vừa qua. Ông cũng cảm ơn Việt Nam đã đồng ý tham gia kêu gọi thiết lập giá các-bon, một nỗ lực toàn cầu sẽ được công bố tại Hội nghị tượng đỉnh về khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 9.
###
Về Nhóm Ngân hàng Thế giới
Nhóm Ngân hàng Thế giới đóng vai trò quan trọng trong quá trình giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng trên toàn cầu. Nhóm bao gồm 5 thể chế: Ngân hàng Thế giới, gồm Ngân hàng Quốc tế cho Tái thiết và Phát triển (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA); Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC); Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA); và Trung tâm Quốc tế Giải quyết các Tranh chấp Đầu tư (ICSID). Nhóm Ngân hàng Thế giới hoạt động tại trên 100 quốc gia, cung cấp vốn, tư vấn và các giải pháp khác giúp các nước giải quyết các thách thức phát triển cấp bách nhất. Xem thêm thông tin tại www.worldbank.org, www.miga.org, và ifc.org.
---
Để biết thêm thông tin, xin mời vào: www.worldbank.org/vietnam
Hãy thăm trang Facebook của chúng tôi: http://www.facebook.com/worldbankvietnam
Hãy theo dõi trang Twitter của chúng tôi: http://www.twitter.com/worldbankasia
Hãy thăm trang YouTube của chúng tôi: http://www.youtube.com/worldbank