Trong chuyến thăm Việt Nam tuần này, tôi có thể cảm nhận rõ rệt những bằng chứng của sự phát triển kinh tế ở khắp mọi nơi - tinh thần doanh nhân trong con người nơi đây, sức sống của một dân số trẻ và sự hiện diện của khu vực tư nhân đã và đang tạo nên khác biệt lớn trong cuộc sống của mỗi người dân. Sức sống ấy như có thể chạm vào được và đang lan toả.
Trong suốt công cuộc “đổi mới” bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 80, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện những bước đi đột phá khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển: xóa bỏ mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp, công nhận quyền sử dụng đất đai tư nhân, gỡ bỏ cơ chế quản lý giá đối với nhiều mặt hàng; và với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp lịch sử, rất nhiều hạn chế đối với khu vực kinh tế tư nhân đã được dỡ bỏ. Một số doanh nghiệp nhà nước đã được chuyển giao sang khu vực tư nhân, và nhiều doanh nghiệp khác đã tiếp nhận vốn tư nhân và đa dạng hóa thành phần sở hữu. Các nhà lãnh đạo cũng đã mở cửa đất nước để đón nhận thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài, và bước đầu tự do hoá khu vực tài chính.
Những bước đi táo bạo này cùng sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đã đưa nền kinh tế từ mô hình tập trung yếu kém trở thành một nền kinh tế thị trường năng động.
Phần thưởng của công cuộc cải cách chính là tốc độ tăng trưởng trung bình rất ấn tượng, ở mức 7% một năm trong giai đoạn 1991-2010. Tăng trưởng kinh tế đã giúp cho hàng triệu người dân Việt Nam thoát nghèo. Nhưng đó chưa phải là tất cả: 40% dân số có thu nhập thấp nhất đã được hưởng mức tăng trưởng thậm chí còn cao hơn cả mức tăng trưởng trung bình – thu nhập bình quân tăng 9% một năm trong suốt hai thập kỷ qua. Sự thịnh vượng ở Việt Nam đã được chia sẻ rộng khắp.
Tuy nhiên, với tất cả những thành công đó, thì trong những năm gần đây, sự hiệu quả và năng suất của nền kinh tế đã giảm sút, mà hệ quả là tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, chỉ còn khoảng 5%. Mức tăng trưởng này là không đủ nhiều để tạo thêm đủ số lượng công ăn việc làm cần thiết nhằm tiếp tục thúc đẩy sự thịnh vượng cho toàn xã hội. Mức tăng trưởng này cũng thấp hơn mức cần thiết để cho phép Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và tiến tới một quốc gia có thu nhập cao.
Làm thế nào để Việt Nam trở lại thời kỳ tăng trưởng cao? Thành công tiếp theo của kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc phân bổ tối ưu vốn và các nguồn lực để đạt được hiệu quả và năng suất cao nhất. Việt Nam sẽ cần tạo ra nhiều việc làm tay nghề cao và mang lại giá trị lớn, tăng cường đổi mới và sáng tạo, và nhân trên diện rộng. Tôi tin rằng một trong những chiến lược để khôi phục lại tốc độ tăng trưởng nhanh chính là tạo ra những điều kiện cần thiết để đảm bảo rằng khu vực kinh tế tư nhân chính là động cơ của sự đổi mới, từ đó thúc đẩy năng suất và nâng cao hiệu quả.
Khu vực tư nhân của Việt Nam hiện vẫn chưa được phát triển đúng tầm, và còn gặp rất nhiều trở ngại. Mặt khác, cho tới thời điểm này thì các doanh nghiệp tư nhân lại đang sử dụng vốn hiệu quả hơn các doanh nghiệp nhà nước. Các tính toán của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey cho thấy với mỗi một đơn vị vốn bổ sung thì khu vực tư nhân Việt Nam đang tạo ra doanh thu bổ sung nhiều gấp ba lần so với các doanh nghiệp nhà nước.
Trong thời gian ở thăm Việt Nam, tôi sẽ gặp gỡ và thảo luận cùng các nhà lãnh đạo về hai lựa chọn để giúp thúc đẩy đầu tư cho khu vực tư nhân.
Thứ nhất, cần tạo điều kiện bình đẳng cho cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Khu vực nhà nước được hưởng sự độc quyền, trợ cấp và tiếp cận đặc biệt về vốn và các nguồn lực – những đặc quyền không dành cho khu vực tư nhân. Việt Nam có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế để dỡ bỏ các đặc quyền này. Nếu chính phủ lựa chọn tạo ra một sân chơi bình đẳng như vậy, khu vực tư nhân sẽ phát triển và tạo ra nhiều việc làm hơn.
Thứ hai, cần phải tìm kiếm những cách mới để cung cấp nguồn vốn dài hạn ổn định mà hiện không sẵn có cho khu vực tư nhân. Việt Nam cần xây dụng những thị trường mới để tạo lập những nguồn vốn này. Một bước đi quan trọng chính là đẩy nhanh tốc độ xử lý các khoản nợ xấu của khu vực ngân hàng và tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng. Nhưng Việt Nam cũng cần phát triển một khu vực tài chính phi ngân hàng mạnh (các thị trường trái phiếu, chứng khoán, quỹ lương hưu và bảo hiểm) để tạo ra các nguồn vốn thay thế đa dạng và rẻ hơn.
Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới – trong đó có IFC, tổ chức tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân – đang chuẩn bị triển khai một sáng kiến mới để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Sáng kiến này sẽ gia tăng cơ hội cho Việt Nam thực hiện được mục tiêu trở thành một quốc gia thu nhập trung bình, và tiếp đó là quốc gia thu nhập cao chỉ trong một thế hệ.
Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng, nhờ vào những nhà lãnh đạo, vào những doanh nghiệp tư nhân, và vào người dân, cũng như vị trí địa lý nằm trong khu vực kinh tế năng động ở Đông Á. Nếu biết phát huy đầy đủ sức mạnh và khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân, thì thành công sẽ nối tiếp thành công, và hàng triệu người Việt Nam sẽ có cơ hội có được những việc làm tốt và cùng chung hưởng sự thịnh vượng của đất nước.