Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Dịch vụ vệ sinh môi trường bền vững mang lại lợi ích lớn tại Việt Nam và trong khu vực

20 Tháng 1 Năm 2014


Image
World Bank

Hà Nội, ngày 20/1/ 2014 – Hai báo cáo do Ngân hàng Thế giới công bố ngày hôm nay khẳng định để tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao sức khỏe công đồng và giảm thiểu tác động môi trường thì các thành phố khu vực Đông Á cần phải giải quyết các tồn tại về vệ sinh môi trường. Cần có nguồn kinh phí cần thiết  để phát triển hạ tầng và đảm bảo cung cấp dịch vụ bền vững phục vụ nhu cầu của dân cư đô thị. Theo dự báo, trong vòng 15 năm tới, mỗi năm các nước trong khu vực cần đầu tư ít nhất 250 đô la Mỹ/người.

Báo cáo thứ nhất, Đánh giá Lĩnh vực Vệ sinh Môi trường Đô thị Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương: Những hành động cần thiết, là báo cáo tổng hợp các nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề vệ sinh đô thị tại ba nước khu vực Đông Á – Thái Bình Dương gồm Indonesia, Phi-lip-pin và Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu những yếu tố cản trở sự phát triển lĩnh vực vệ sinh môi trường đô thị và đề xuất các biện pháp để các nước kể trên và các nước khác trong khu vực mở rộng và nâng cao dịch vụ vệ sinh đô thị một cách toàn diện và bền vững.

“Trên toàn thế giới có khoảng 2,5 tỉ người  sống trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo, trong đó 660 triệu người—tức là trên 25%—sống tại Đông Á – Thái Bình Dương,” ông Charles Feinstein, Giám đốc Ban Năng lượng và Nước của Ngân hàng Thế giới nói. “Điều kiện vệ sinh kém gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên đời sống của người dân, môi trường và nền kinh tế. Nhưng đáng mừng là đầu tư vào ngành vệ sinh môi trường lại mang lại lợi nhuận cao,” ông nói.

Báo cáo thứ hai, Đánh giá Hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam, tập trung nghiên cứu những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải do môi trường bị ô nhiễm bởi quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh. Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của công tác xử lý nước thải tại Việt Nam và đề xuất các khuyến nghị tới các nhà hoạch định chính sách cấp trung ương, chính quyền địa phương và các đơn vị cung ứng dịch vụ.

“Trong vòng 20 năm qua Chính phủ Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong công tác xử lý nước thải đô thị, và những năm gần đây đã đầu tư khoảng 250 triệu đô la Mỹ mỗi năm vào lĩnh vực này,” ông Lê Duy Hưng, Chuyên gia Quản lý Đô thị Cao cấp, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. “Tuy vậy, để đáp ứng  quá trình đô thị hóa nhanh  thì đây vẫn là một lĩnh vưc đầy thách thức. Dự tính từ nay đến năm 2025 Việt Nam cần đầu tư khoảng 8,3 tỉ đô la Mỹ vào thu gom xử lý nước thải đô thị.”

Điều kiện vệ sinh kém gây tác động nghiêm trọng lên sức khỏe  cộng đồng tại các nước trong khu vực, bao gồm các bệnh mạn tính do bệnh tiêu chảy gây nên và nguy cơ bị bệnh truyền nhiễm như dịch tả. Tình trạng vệ sinh kém cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Khu vực Đông Á đang đô thị hóa nhanh chóng, trong đó các thành phố là đầu tàu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mỗi năm tình trạng vệ sinh yếu kém đã làm thiệt hại cho Việt Nam, Phi-lip-pin và Indonesia lần lượt là 1,3%, 1,5% và 2,3% GDP.

Báo cáo đề xuất các giải pháp sau đây với các nhà hoạch định chính sách khu vực nhằm phát triển các thành phố lành mạnh, sạch sẽ và thịnh vượng lâu dài.

• Phát triển các chính sách tập trung vào con người: Bao gồm: a) lồng ghép các giải pháp vệ sinh môi trường với kế hoạch phát triển thành phố để loại trừ các bệnh lây qua đường nước và cải thiện điều kiện môi trường; và b) thiết kế và triển khai các chiến lược truyền thông để thông tin tới công chúng về lợi ích của giữ gìn vệ sinh môi trường vì đây là những nhân tố quan trọng đối với sự thay đổi trong lĩnh vực này.

• Thúc đẩy giải pháp kỹ thuật hiệu quả về kinh tế: Bao gồm : a) ưu tiên thu gom và xử lý nước thải và phân bùn vì chúng là tác nhân gây bệnh. Cách tiếp cận như vậy là cần thiết vì phần lớn người dân đô thị trong khu vực được tiếp cận với nhà vệ sinh nhưng chất thải của con người không được thu gom và xử lý hợp lý; và b ) áp dụng các  chính sách môi trường khí hậu một cách thông minh  để đảm bảo rằng tình trạng bất ổn do lũ lụt và biến đổi khí hậu được đưa vào trong kế hoạch quản lý nước thải, và sử dụng các sản phẩm vệ sinh môi trường có giá trị như chất rắn sinh học có thể được tái sử dụng làm nhiên liệu hoặc cho các mục đích nông nghiệp.

• Phát triển tổ chức  thể chế bền vững để đảm bảo chất lượng dịch vụ: Bao gồm : a) bảo đảm rằng năng lực thể chế đủ để xây dựng và thực hiện các kế hoạch vệ sinh môi trường thành phố, trong đó nên kết hợp những mối quan tâm đến người nghèo; và b) kết  hợp lồng ghép quản lý nước đô thị bằng cách kết hợp kinh doanh nước và nước thải vì đây là hai lĩnh vực có liên quan đến nhau và hỗ trợ sự phát triển  cơ chế quản lý mạnh mẽ ở cấp địa phương để đảm bảo chất lượng dịch vụ .

• Xây dựng các kế hoạch tài chính khả thi: Bao gồm : a) bảo đảm vốn đầu tư sẽ cần nguồn lực công và phát triển khung chính sách chi tiêu để có các ưu tiên trong đầu tư.Chi tiêu công phải được đưa vào kế hoạch tài chính của chính quyền trung ương và địa phương ; và b) tối đa hóa việc sử dụng  phí đóng góp của người sử dụng  để đáp ứng chi phí hoạt động vận hành để dần loại bỏ phụ thuộc vào trợ cấp ngân sách,   đảm bảo rằng dân cư đô thị được tiếp cận các dịch vụ khả thi về mặt tài chính.

Báo cáo Đánh giá Lĩnh vực Vệ sinh Môi trường Đô thị Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Báo cáo Đánh giá Hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam, các nghiên cứu hỗ  trợ khác và các khuyến nghị cụ thể cho từng nước, Báo cáo tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách, và thông tin đồ họa đăng tại: www.worldbank.org/eap/urbansanitationreview.

Liên hệ truyền thông
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : 84-4-39346600 ext. 234
nnguyen5@worldbank.org
Tại Washington
Diana Chung
tel : 1 (202) 473-8357
dchung1@worldbank.org



Api
Api

Welcome