Từ xưa đến nay thành phố luôn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế. Ngày nay thành phố còn là chìa khóa đưa ta đến một tương lai bền vững. Các thành phố đang đứng trước cơ hội có một không hai để trở thành đầu tàu tăng trưởng xanh toàn cầu nếu chúng lựa chọn giải pháp phát triển hạ tầng tiết kiệm năng lượng.
Khu vực đô thị là nơi các thách thức và giải pháp phát triển gặp nhau. Đến năm 2050 sẽ có 6,2 tỉ người, tức là 2/3 dân số toàn cầu sống trong các đô thị. Tuy nhiên, phần lớn sự phát triển đô thị này sẽ diễn ra tại các nước đang phát triển, nơi đa số dân chúng chưa tiếp cận được với các dịch vụ hạ tầng thiết yếu và có khả năng thích ứng thấp nhất với biến đổi khí hậu. Hiện nay có khoảng 1 tỉ người sống trong các khu ổ chuột tại các nước đang phát triển.
Ngày nay, các thành phố tiêu thụ khoảng 2/3 năng lượng và thải ra khoảng 70% khí nhà kính toàn thế giới. Mùa hè năm ngoái mức độ tập trung khí dioxit các-bon trong bầu khí quyển đã đạt mức cao nhất trong 3 triệu năm qua. Những con số đó đưa ra một lời cảnh báo khủng khiếp nhưng cũng hé lộ một cơ hội hiếm có. Các thành phố có thể theo đuổi con đường phát triển hàm lượng các-bon thấp.
Phân tích của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho thấy tiềm năng của việc qui hoạch đô thị hiệu quả- cải thiện hiệu quả năng lượng không chỉ tốt cho môi trường mà còn tốt cả cho tăng trưởng kinh tế. Theo kết quả phân tích, nếu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm khí thải nhà kính thì các thành phố không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế thông qua nâng cao năng suất lao động, giảm ô nhiễm và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Thông qua việc xây dựng các quy hoạch đô thị bền vững về năng lượng và phát thải khí nhà kính, thì có thể cắt giảm được việc sử dụng năng lượng, giảm ùn tắc giao thông, giảm khí thải và ô nhiễm, và tất nhiên là sẽ mang lại môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
Đó không phải là ước mơ mà là hiện thực trong tầm tay. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nếu sử dụng năng lượng hiệu quả hơn thì từ nay đến năm 2020 sẽ giảm được 72% lượng khí thải dioxit các-bon cần thiết để giữ cho quá trình nóng lên của trái đất dưới 2 độ.
Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tiến hành công việc tại nhiều thành phố trên thế giới và đã chứng kiến nhiều cách làm tốt tại khắp các châu lục từ Mỹ, tới châu Âu, Mỹ La-tinh, châu Phi và châu Á. Hiện nay một sáng kiến của Nhóm Ngân hàng Thế giới đang giải quyết vấn đề quy hoạch và tài chính cho 300 thành phố phát triển theo hướng giảm các-bon trong vòng 4 năm tới. Một sáng kiến khác đang hỗ trợ 50 thành phố xây dựng năng lực và xác định các dự án nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Các khoản vay phục vụ mục đích giảm các-bon của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tăng từ 1,76 tỉ đô la Mỹ (2007) lên 5,93 tỉ đô la Mỹ (2011).
Nhưng chúng tôi cũng đã rút ra bài học rằng xây dựng các thành phố xanh là sự nghiệp của đông đảo người dân chứ không phải của một nhóm nhỏ. Ước tính cần 700 tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho nhu cầu xây dựng hạ tầng đô thị tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong quá trình phát triển, chính quyền đô thị phải tìm kiếm các phương pháp mới để huy động nguồn kinh phí từ những khoản tiết kiệm tư nhân bổ sung cho nguồn kinh phí công truyền thống.
Chúng ta có thể thành lập các liên minh để thực hiện điều đó. Thông điệp mà chúng tôi muốn nói với các thành phố đang phấn đấu hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn là chúng ta có giải pháp và sẽ kiến thiết các mối quan hệ đối tác từ cấp địa phương tới cấp quốc gia và quốc tế để tạo ra sự khác biệt.
Đó là lí do vì sao các chương trình đô thị đã trở thành các chương trình sôi động nhất mà Nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Ngân hàng Thế giới đang thực hiện mọi biện pháp hỗ trợ, từ hỗ trợ nghiên cứu đến đầu tư trực tiếp, nhằm tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho các thành phố trong khu vực. Trong đó bao gồm sáng kiến tăng trưởng xanh toàn diện, giúp các thành phố trong khu vực tiến hành phân tích và qui hoạch hóa đa ngành trong khuôn khổ khung tăng trưởng xanh toàn diện. Kết quả là đưa ra một danh sách các dự án ưu tiên về phát triển đô thị được tài trợ bằng nguồn Ngân hàng Thế giới hoặc các nguồn khác.
Ví dụ, Ngân hàng Thế giới đang giúp chính phủ Phi-lip-pin hiện đại hóa thể chế nhằm thực hiện tầm nhìn của công ty tàu điện ngầm Metro Manila: “Metro Manila cho mọi người – xanh, kết nối và bền vững”. Tại Thượng Hải, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy cải tạo lại những căn nhà hiện có là biện pháp giúp giảm khí thải tại thành phố tốt nhất. Ngân hàng Thế giới cũng cung cấp một khoản vay 100 triệu đô la Mỹ cho Thượng Hải thực hiện đầu tư giảm khí thải các-bon tại các ngôi nhà. Tại Đà Nẵng, thông qua Dự án Phát triển thành phố Bền vững Ngân hàng Thế giới cũng giúp cải tạo thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, cũng như phát triển giao thông công cộng phục vụ 400.000 dân.
Chúng tôi hi vọng sẽ nhân rộng hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm này. Chúng ta sẽ thành công nếu chú ý học hỏi, sẵn sàng thích ứng và quyết tâm thực hiện—và điều đó đòi hỏi một quan hệ đối tác quốc gia, từ khu vực công, khu vực tư nhân và hỗ trợ quốc tế.
Con số thống kê cho thấy tương lai của loài người là ở các thành phố. Những gì chúng ta làm hôm nay sẽ định hình tương lai sau này. Nếu quản lý quá trình đô thị hóa đúng cách sẽ tạo được tiềm năng xóa nghèo, tăng trưởng xanh và phát triển thịnh vượng. Cùng nhau hợp tác, chúng ta sẽ tìm ra phương tiện và con đường dẫn tới thành công.
--
Tiêu đề “Nguồn sinh lực của các thành phố xanh” được lấy từ tên cuốn sách do Ngân hàng Thế giới xuất bản năm 2013 Tiếp thêm sinh lực cho các thành phố xanh Đông Nam Á: Quy hoạch đô thị bền vững về năng lượng và phát thải.