Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ28 Tháng 5 Năm 2024

Tác động của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam

The World Bank

Hàng tuần, bà Bùi Thị Dươi được hai tình nguyện viên giúp dọn dẹp, làm việc nhà, xoa bóp và kiểm tra huyết áp. Nguồn ảnh: Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế

Các nét chính của bài viết

  • Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và di cư từ nông thôn ra thành thị. Thách thức ở Việt Nam là tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe công để hỗ trợ những người cao tuổi cần hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày.
  • Từ 2021, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp với Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản hỗ trợ hơn 24.725 người cao tuổi qua 186 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTH TGN). Mô hình chăm sóc dựa vào cộng đồng này cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi, phụ nữ và những người có hoàn cảnh khó khăn.
  • Việt Nam đặt mục tiêu thành lập CLB LTH TGN hoặc tổ chức tương đương tại ít nhất 80% các xã trên toàn quốc vào năm 2030.

Bà Nguyễn Thị Tuyền, 78 tuổi, mắc bệnh Parkinson ở xã Nghĩa Ninh, tỉnh Quảng Bình, hiện sống một mình. “Tôi có ba người con nhưng đều đã đi nơi khác để kiếm sống và hiếm khi về thăm nhà. Tôi ăn ít, không cần nhiều quần áo nhưng cần thuốc chữa bệnh và người để trò chuyện, giúp đỡ”.

Cuộc sống cô đơn thường rất khó khăn với người cao tuổi và khó đi lại như bà Tuyền. Chi phí thuốc thang của bà vào khoảng 600.000 đồng mỗi tháng, trong khi lương hưu—nguồn thu nhập duy nhất của bà—chỉ khoảng 4 triệu đồng.

Đến năm 2050, thế giới sẽ có 1,5 tỷ người từ 65 tuổi trở lên. Theo ấn phẩm của Ngân hàng Thế giới “Cơ hội bạc: Xây dựng các dịch vụ tích hợp xoay quanh chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi”, người cao tuổi có thể cống hiến nhiều điều cho xã hội nhưng họ cần được hỗ trợ để giữ sức khỏe và kết nối.  

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo dân số của Liên Hợp Quốc, số lượng người trên 60 tuổi của Việt Nam sẽ tăng nhanh từ 11,8% (11,4 triệu người) năm 2019 lên 20,8% (22,8 triệu người) vào năm 2039. Tỷ lệ người cao tuổi cô đơn cũng sẽ tăng cao do quy mô gia đình giảm và di dân trong nước và quốc tế tăng lên. Hiện nay, 6,3% người cao tuổi (tương đương 796.000 người) cần được chăm sóc trong các hoạt động hàng ngày.

Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau: Cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi

Chính phủ Việt Nam đang hỗ trợ công tác triển khai các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTH TGN). Các câu lạc bộ này được thành lập ở cấp cơ sở, mỗi câu lạc bộ gồm 50-70 thành viên hỗ trợ lẫn nhau, phần lớn là người cao tuổi, phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương. Các câu lạc bộ do Hội người cao tuổi Việt Nam quản lý.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam cho biết: “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là một mô hình sáng tạo tận dụng các nguồn lực sẵn có của cộng đồng để cung cấp dịch vụ toàn diện cho những người có hoàn cảnh khó khăn”.

Chính phủ mong muốn thành lập được các câu lạc bộ tại ít nhất 80% số xã ở Việt Nam vào năm 2030. Nếu đạt được mục tiêu này, đây sẽ là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi lớn nhất tại Việt Nam.

Kể từ năm 2021, Ngân hàng Thế giới, phối hợp với Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản (JSDF), thông qua Dự án Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam, đã hỗ trợ mở rộng các CLB LTH TGN tại sáu tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Dự án đã được Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam và Hội người cao tuổi tại 6 tỉnh phối hợp thực hiện. Đến nay, dự án đã hỗ trợ thành lập 186 câu lạc bộ, mang lại lợi ích cho hơn 24.725 người. Mô hình này đang giúp Việt Nam giảm sự thiếu hụt về dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi. Trong thập kỷ qua, chính phủ Việt Nam đã xây dựng hệ thống trung tâm chăm sóc gồm 418 trung tâm bảo trợ xã hội, phục vụ khoảng 10.000 người cao tuổi. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn còn cao hơn nhiều so với năng lực hiện tại của hệ thống chăm sóc người cao tuổi.

Dự án CLB LTH TGN nhằm tăng cường sự tham gia của người cao tuổi vào các hoạt động tạo thu nhập, tăng tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc xã hội và chăm sóc y tế trong cộng đồng thông qua kiểm tra và theo dõi sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe tại nhà, hoạt động thể dục, thể thao, hỗ trợ tiếp cận bảo hiểm y tế, các hoạt động văn hóa, giáo dục, v..v.

Bà Bùi Thị Dươi, 78 tuổi, trú tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, được hai tình nguyện viên của CLB LTH TGN hỗ trợ chăm sóc tại nhà. 4 năm nay, bà bị liệt hai chân do biến chứng của bệnh khớp nên rất khó khăn trong việc di chuyển và hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

“Trước đây, tôi thường khóc vì chỉ có thể ngồi một chỗ. Nhưng từ khi có sự giúp đỡ của các bạn (tình nguyện viên của CLB LTH TGN), cuộc sống của tôi đã thay đổi và vui hơn nhiều”, bà Dươi chia sẻ. Hỗ trợ của CLB LTH TGN thực sự đáp ứng được những nhu cầu mà hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện không thể cung cấp”.

Tình nguyện viên giống như gia đình

Trở lại tỉnh Quảng Bình, trong hai năm qua, hai tình nguyện viên thường xuyên đến thăm bà Tuyền để chăm sóc, hỗ trợ bà trong các hoạt động hàng ngày như tắm rửa, giặt quần áo, làm việc nhà, mua đồ, tập thể dục và giúp bà mua thuốc theo đơn được kê.

Nguyễn Thị Hiền, con gái bà Tuyền, chia sẻ rằng việc các tình nguyện viên đến thăm đã giúp mẹ mình bớt cô đơn, bớt cảm thấy bị cô lập. “Họ không quản khó khăn đến nhà từ sáng sớm để chăm sóc bà. Các tình nguyện viên chăm sóc tại nhà giống như những thành viên trong gia đình chúng tôi,” cô Hiền nói.

Rõ ràng, mô hình CLB LTH TGN được người cao tuổi, cộng đồng và chính quyền địa phương ủng hộ. Trong bối cảnh già hóa dân số tăng nhanh ở Việt Nam, các Câu lạc bộ sẽ là nguồn lực quý giá giúp mọi người giữ gìn sức khỏe và an sinh khi về già. 

The World Bank

Hàng tháng, bà Nguyễn Thị Tuyền đều được các tình nguyện viên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà đưa đến bệnh viện tỉnh để kiểm tra sức khỏe. Nguồn ảnh: Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế

Blogs

    loader image

TIN MỚI

    loader image