Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ17 Tháng 11 Năm 2022

Cơ hội giáo dục bằng ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ điếc và nghe kém tại Việt Nam

The World Bank

Các nét chính của bài viết

  • Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh điếc và nghe kém cấp tiểu học đã phát triển kho từ vựng, các bài học video ngôn ngữ ký hiệu và đào tạo giáo viên, trợ giảng và người chăm sóc trẻ.
  • Phát triển ngôn ngữ ký hiệu để tạo môi trường học và giao tiếp thuận lợi cho trẻ điếc và nghe kém ở Việt Nam trong cả môi trường giáo dục chuyên biệt và hoà nhập.
  • Kết quả thành công của dự án là cơ sở để nhân rộng trên toàn quốc và cho đối tượng học sinh lớn hơn.

Lơ Mu Du Ly-Ét sinh năm 2010 trong một gia đình có cha mẹ điếc là người Cil (K'ho) ở tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Dù là người điếc và bị coi là gánh nặng của gia đình, cha mẹ của Ly-Et đã vượt qua sự kỳ thị đó, cùng nhau xây dựng gia đình và mong muốn con mình có được những cơ hội mà bản thân họ không có. 

Ly-Ét đang được theo học tại ngôi trường dành cho trẻ điếc. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Minh nhớ lại thời điểm em bắt đầu đến trường. “Ban đầu, Ly-Et không có bất kỳ kỹ năng ngôn ngữ nào, không biết viết, đọc hay sử dụng ký hiệu”, cô Minh nói. “Chúng tôi may mắn được tiếp cận một bộ tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoàn chỉnh, phù hợp với học sinh tiểu học nên Ly-Ét và các bạn tiếp thu rất nhanh”.

Ngôn ngữ ký hiệu giúp Ly-Ét phát triển nhanh kỹ năng là thành quả của Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu (QIPEDC), do Quỹ Hợp tác toàn cầu tài trợ theo kết quả đầu ra (GPRBA)  ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ vừa mới kết thúc. Dự án này đã tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của Ly-Ét và gần 2.000 trẻ điếc và nghe kém khác ở 20 tỉnh thành trên cả nước, cao hơn mục tiêu ban đầu là 1.200 học sinh. Ngoài bộ 4.000 từ vựng ngôn ngữ ký hiệu giao tiếp dành cho học sinh tiểu học và cộng đồng người điếc và nghe kém, dự án còn xây dựng 150 bài học video cốt lõi về toán và tiếng Việt cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Mặc dù ngôn ngữ ký hiệu không phải là khái niệm mới đối với cộng đồng người điếc tại Việt Nam, nhưng ngôn ngữ ký hiệu vẫn chưa được sử dụng rộng rãi như một ngôn ngữ chính thức trong các trường học. Tuy nhiên, sau khi Dự án Giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường (IDEO) do Ngân hàng Thế giới tài trợ giới thiệu bộ 2.000 từ vựng ngôn ngữ ký hiệu vào năm 2015, thì ngôn ngữ ký hiệu đã dần được đưa vào chương trình giáo dục mầm non và mẫu giáo. Mặc dù vậy, phần lớn trong khoảng 116.000 trẻ điếc và nghe kém tại Việt Nam vẫn học bằng phương pháp đọc hình miệng và đeo máy trợ thính hỗ trợ là phương tiện giao tiếp chính.

The World Bank

Một tiết học sử dụng tài liệu do QIPEDC cung cấp tại trường Xã Đàn dành cho trẻ điếc ở thủ đô Hà Nội.

Khi QIPEDC kết thúc vào tháng 9/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý cho phép sử dụng các học liệu dự án trên phạm vi toàn quốc để đảm bảo bộ học liệu có giá trị này sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho giáo viên và học sinh sau khi dự án kết thúc.

Nâng cao khả năng giao tiếp của trẻ điếc và nghe kém bằng ngôn ngữ của các em không những chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho cá nhân các em mà còn cho cộng đồng người điếc và toàn xã hội.

Nguyễn Hoàng Lâm, một trong những điều phối viên người điếc của dự án cho biết: “Nhờ có dự án mà học sinh điếc và nghe kém được kết nối tốt hơn và giao tiếp với nhau thường xuyên hơn”.

Khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu của học sinh cũng mở ra nhiều cơ hội học tập cho học sinh và giáo viên cũng được cung cấp thêm học liệu để giảng dạy và giao tiếp tốt hơn với học sinh.  

Nguyễn Kim Ngân, học sinh điếc ở trường tiểu học Xã Đàn, Hà Nội, là một trong những học sinh được thay đổi cuộc sống nhờ tăng khả năng tương tác thông qua ngôn ngữ ký hiệu.

Kim Ngân cho biết, “Em yêu thích các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên ở trường”. “Em cũng thích đến trường chơi với các bạn.”

Dự án đã thí điểm hòa nhập trẻ điếc và nghe kém vào chương trình giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt thông qua việc khuyến khích sự tham gia của cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên và người hướng dẫn trẻ, cũng như cộng đồng nói chung. Gần 400 người lớn điếc như Lâm đã được đào tạo về các kỹ năng sư phạm mới để họ có thể hướng dẫn trẻ điếc học và giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Ông Trần Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, giá trị đặc biệt của dự án là đã kết nối trẻ điếc và nghe kém, người lớn điếc, phụ huynh, giáo viên và tạo ra một cộng đồng hỗ trợ cho học sinh điếc và nghe kém.

Ông Lợi cho biết: “Bây giờ, các em đã có thể tự tin giao tiếp với người khác.”

Chị Lê Thị Huyền, một người mẹ có con nghe kém, cũng có chung suy nghĩ. Sau khi tham gia dự án IDEO trong vai trò hỗ trợ và phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho nhóm hỗ trợ gia đình, chị theo học chương trình cử nhân giáo dục đặc biệt để trở thành giáo viên dạy trẻ điếc và nghe kém. Chị là một trong số gần 1.800 phụ huynh đã được đào tạo và nâng cao năng lực trong dự án QIPEDC, dù có những khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Chị Huyền cũng như cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Anh, một trong 429 giáo viên được đào tạo trong dự án, luôn tin rằng trẻ điếc và nghe kém có thể học tập tương tự như học sinh không khuyết tật nếu các em được học ngôn ngữ ký hiệu lúc sớm nhất. Khi tác động tích cực của các khóa tập huấn trở nên rõ nét hơn, nhiều tỉnh thành tham gia dự án đã chia sẻ tài liệu tập huấn với các điểm trường nằm ngoài phạm vi dự án để đáp ứng nhu cầu của giáo viên tại các trường chuyên biệt và hòa nhập

Một tiết học sử dụng tài liệu do QIPEDC cung cấp tại trường Thuận An dành cho trẻ điếc ở tỉnh Bình Dương.

Thông qua hoạt động tập huấn bổ sung và phổ biến tài liệu tập huấn, điểm kiểm tra của học sinh tại các trường được dự án hỗ trợ đã cải thiện đáng kể, nâng tỷ lệ học sinh đạt điểm yêu cầu lên 97%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.

Với kết quả học tập tiến bộ của con, chị Tống Thị Nga, phụ huynh có con hiện đã được vào lớp sáu nhập học cấp 2 tại Khoa nghiên cứu văn hoá người Điếc trường Đại học sư phạm Đồng Nai, đã lạc quan hơn về tương lai của con mình. Chị mong muốn con mình một ngày nào đó sẽ nhận được học bổng để tiếp tục quá trình học tập, thậm chí là du học nước ngoài. Chị Nga bộc bạch rằng, “Tôi hy vọng rằng con có thể đạt được ước mơ của mình”.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự án đã mang lại những lợi ích giáo dục và tính nhân văn sâu sắc, là cơ sở để nhân rộng dự án cho đối tượng là học sinh cấp học cao hơn: “Quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả rất đáng khen ngợi. 4.000 ký hiệu mới là một khởi đầu tốt và chúng ta sẽ cần tiếp tục phối hợp trong các giai đoạn tiếp theo để hỗ trợ học sinh ở các cấp học khác.”

 

Cô giáo và học sinh trường dành cho trẻ điếc Bà Rịa trong giờ học tiếng Việt với tư liệu video do QIPEDC hỗ trợ.

Blogs

    loader image

TIN MỚI

    loader image