Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ 28 Tháng 2 Năm 2021

Tăng cường Khả năng Tiếp cận Dịch vụ Y tế cho Người dân Nông thôn tại Việt Nam thông qua Đầu tư Nâng cấp Bệnh viện Tuyến dưới


NỘI DUNG CHÍNH

  • Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục tình trạng quá tải kéo dài tại các bệnh viện tuyến trung ương đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ y tế thông qua đầu tư vào hệ thống y tế địa phương.
  • Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Hồng đã nâng cao năng lực điều trị cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện tại 13 tỉnh miền Bắc Việt Nam.
  • • 3.000 kỹ thuật mới đã được chuyển giao cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Gần 42.000 lượt bệnh nhân được thụ hưởng điều trị bằng các phương pháp mới này.

Vào một ngày hè nắng gắt, chị Nguyễn Thị Nội, 38 tuổi, đột ngột bị đau nhói ở đầu gối trái khi đang làm ruộng. Chồng chị lập tức đưa chị đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, bệnh viện lớn nhất tỉnh cách nhà khoảng 15 km. Thông qua hệ thống chụp cắt lớp hiện đại, bác sĩ kết luận chị bị đứt dây chằng đầu gối và chỉ định mổ nội soi. Ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp và chị Nội đang dần hồi phục vào thời điểm chúng tôi đến thăm.

Mọi chuyện có thể sẽ khác nếu tai nạn xảy đến vào thời điểm bốn năm về trước. Rất có thể chị Nội sẽ mất một ngày đi lại lên bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội để chạy chữa.

Chị Nội nhớ lại: “Thời gian trước, cơ sở vật chất của những bệnh viện tại địa phương  còn rất lạc hậu. Đội ngũ y bác sĩ chỉ có thể chữa một số bệnh đơn giản. Rất nhiều người  chúng tôi đều nghĩ rằng nếu bị bệnh nặng hoặc cần thực hiện các thủ thuật phức tạp thì chắc chắn phải lên các bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội.” Khi đó, Bệnh viện Đa khoa Yên Bái chưa thể thực hiện các ca phẫu thuật nội soi.

Ngay cả đến bây giờ, nhiều người dân vùng nông thôn Việt Nam vẫn còn có suy nghĩ giống chị Nội đó là muốn được khám chữa bệnh tốt phải lên các bện viện tuyến trên mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc phải mất thêm rất nhiều thời gian đi lại và tốn kém về chi phí. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng chấp nhận bởi niềm tin rằng họ sẽ được điều trị bởi đội ngũ y bác sĩ có năng lực chuyên môn cao và ở những bệnh viện hiện đại hơn.

Image
Chị Nguyễn Thị Nội đang tập đi sau ca phẫu thuật đầu gối với sự hỗ trợ của chồng mình. (Ảnh: Lê Thị Quỳnh Anh/Ngân hàng Thế giới)

Trong nhiều năm qua, bệnh nhân từ các tỉnh lân cận đổ về các bệnh viện tuyến đầu tại Hà Nội, gây nên tình trạng quá tải tại các bệnh viện này. Theo một khảo sát của Bộ Y tế năm 2012, 59% bệnh nhân đến khám, điều trị tại các bệnh viện trung ương là do tự ý muốn chuyển lên tuyến trên. Hệ lụy của nó là tại các bệnh viện này việc ghép giường nằm chung cho hai hoặc ba bệnh nhân là không tránh khỏi.

Một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ năng lực hạn chế của hệ thống y tế địa phương. Cũng theo kết quả khảo sát nói trên, đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện tuyến tỉnh không thực hiện được 25% thủ thuật y khoa theo đúng chức năng nhiệm vụ. Đối với các bệnh viện tuyến huyện, tỷ lệ này lên đến 33%. Ngoài ra, hạ tầng y tế địa phương cũng hạn chế hơn nhiều so với các cơ sở y tế ở tuyến trung ương.

Từ năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực khắc phục tình trạng quá tải thường xuyên tại các bệnh viện tuyến trung ương và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế. Nhiều chương trình hành động cụ thể đã được thực hiện, bao gồm tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng  và xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế ở địa phương. Logic của cách tiếp cận này khá rõ: nếu bệnh nhân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, chi phí hợp lý và gần khu vực sinh sống, họ sẽ không lựa chọn sử dụng dịch vụ ở nơi khác.

Chung tay với các nỗ lực hành động của Chính phủ, năm 2013 Ngân hàng Thế giới đã tài trợ thực hiện Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Hồng với kinh phí đầu tư 126 triệu USD nhằm tăng cường năng lực hệ thống bệnh viện công lập tại 13 tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Hồng. Chương trình tập trung vào năm chuyên khoa hay gặp tình trạng quá tải nhất như:  Tim mạch, sản/phụ khoa, nhi, ung thư và chấn thương (phẫu thuật).

Sau sáu năm thực hiện, dự án đang mang lại nhiều kết quả tích cực. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, – bệnh viện công lập lớn nhất tại một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, một trong số 74 bệnh viện tham gia dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ dự án đã cung cấp trang thiết bị y tế và giúp bệnh viện phát triển nguồn nhân lực.


"Cái được của dự án chính là việc đầu tư mua mới trang thiết bị được tiến hành đồng bộ với việc đào tạo, nâng cao kỹ năng cho các y bác sĩ. Chính vì hai hợp phần này được tiến hành song song nên dự án đã mang lại hiệu quả cao nhất."
Trần Lan Anh
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Bái

Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã đưa vào sử dụng cơ sở mới khang trang, không hề thua kém cơ sở vật chất tại các bệnh viện cao cấp ở Hà Nội. Khi vào đến từng chuyên khoa, chúng ta sẽ thấy bệnh viện được trang bị một số thiết bị y tế công nghệ cao, hiện đại đạt chuẩn như ở các bệnh viện tuyến đầu­­ – chẳng hạn như hệ thống chụp cắt lớp vi tính 32 lát cắt (CT 32) hoặc hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền.

Image
Một bệnh nhân được chụp cắt lớp qua máy quét CT 32 lát cắt mới tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Lê Thị Quỳnh Anh/Ngân hàng Thế giới)

Tiến sĩ Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Những trang thiết bị đắt tiền, hiện đại này  hoàn toàn có thể  bị “đắp chiếu” nếu như đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện không có đủ năng lực vận hành. Cái được của dự án chính là việc đầu tư mua mới trang thiết bị được tiến hành đồng bộ với việc đào tạo, nâng cao kỹ năng cho các y bác sĩ. Chính vì hai hợp phần này được tiến hành song song nên dự án đã mang lại hiệu quả cao nhất.”

Để nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, dự án đã hỗ trợ các y bác sĩ ở các bệnh viện tỉnh, huyện được đào tạo tại các trung tâm chuyên sâu và các bệnh viện trung ương ở Hà Nội để nâng cao tay nghề, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các Giáo sư, bác sĩ hàng đầu, theo hình thức thực hành trên các ca bệnh thật. Qua 6 năm triển khai, khoảng 4.800 bác sĩ đã được đào tạo gần 3.000 kỹ thuật mới và hiện đang áp dụng thường xuyên các kỹ thuật này tại bệnh viện tuyến dưới.

Trên góc độ quản lý dự án từ phía Bộ Y tế, Tiến sĩ Đặng Việt Hùng – Giám đốc Ban Quản lý dự án ) cho biết: “Dự án này đã chứng minh rằng, một khi các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới có kết nối chặt chẽ, việc chia sẻ, chuyển giao kiến thức và kỹ năng chuyên môn sẽ diễn ra nhịp nhàng, hiệu quả. Khi đó, đội ngũ bác sĩ tuyến dưới sẽ liên tục được nâng cao tay nghề, chủ động thực hiện các kỹ thuật y khoa tiên tiến mà trước đó chỉ có thể thực hiện tại tuyến trên.”

Nhờ cải thiện đáng kể cả về khía cạnh kỹ thuật và năng lực quản lý, 35 trong số 74 bệnh viện tuyến dưới tham gia dự án đã được nâng hạng theo hệ thống phân hạng của Bộ Y tế. Bằng việc mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, những bệnh viện này đã  được ngày càng nhiều người dân địa phương tin tưởng lựa chọn ngay từ khi có bệnh. Tính đến tháng 11 năm 2020, gần 42.000 người dân đã sử dụng các dịch vụ lâm sàng mới được triển khai ở các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, qua đó làm giảm đáng kể tỷ lệ bệnh nhân vượt tuyến. Khi được khảo sát, bệnh nhân tại các bệnh viện này đều thể hiện mức độ hài lòng cao với chất lượng dịch vụ y tế được thụ hưởng, con số đó là 81,3% ở tuyến tỉnh và 88,5% ở tuyến huyện.

Nở nụ cười rạng rỡ trong phòng hồi sức, bệnh nhân Nội cho biết: “Tôi rất mừng vì từ nay chúng tôi không cần phải ra Hà Nội để khám chữa bệnh, kể cả khi mắc bệnh nặng. Chúng tôi vui vì quê mình đã có một bệnh viện tốt, nhờ đó có thể tiết kiệm thời gian, chi phí và tránh được nhiều vấn đề phiền toái khác. Ngoài ra nằm viện ở đây thì cũng tiện cho người thân thăm nom. Tôi mong rằng mỗi người dân đều có thể đến khám chữa bệnh tại một bệnh viện chất lượng ngay tại địa bàn của mình.”

Tổng quan về cấu trúc mạng lưới bệnh viện tại Việt Nam

Bệnh viện công lập ở Việt Nam được chia thành ba tuyến: tuyến trung ương (47 bệnh viện); tuyến tỉnh (419 bệnh viện) và tuyến huyện (684 bệnh viện). Ngoài các bệnh viện công lập, Việt Nam hiện có 182 bệnh viện tư nhân, hầu hết đều nằm ở khu vực thành thị.

(Nguồn: Niên giám Thống kê Y tế Việt Nam năm 2018)


Api
Api