Vào một ngày hè nắng gắt, chị Nguyễn Thị Nội, 38 tuổi, đột ngột bị đau nhói ở đầu gối trái khi đang làm ruộng. Chồng chị lập tức đưa chị đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, bệnh viện lớn nhất tỉnh cách nhà khoảng 15 km. Thông qua hệ thống chụp cắt lớp hiện đại, bác sĩ kết luận chị bị đứt dây chằng đầu gối và chỉ định mổ nội soi. Ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp và chị Nội đang dần hồi phục vào thời điểm chúng tôi đến thăm.
Mọi chuyện có thể sẽ khác nếu tai nạn xảy đến vào thời điểm bốn năm về trước. Rất có thể chị Nội sẽ mất một ngày đi lại lên bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội để chạy chữa.
Chị Nội nhớ lại: “Thời gian trước, cơ sở vật chất của những bệnh viện tại địa phương còn rất lạc hậu. Đội ngũ y bác sĩ chỉ có thể chữa một số bệnh đơn giản. Rất nhiều người chúng tôi đều nghĩ rằng nếu bị bệnh nặng hoặc cần thực hiện các thủ thuật phức tạp thì chắc chắn phải lên các bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội.” Khi đó, Bệnh viện Đa khoa Yên Bái chưa thể thực hiện các ca phẫu thuật nội soi.
Ngay cả đến bây giờ, nhiều người dân vùng nông thôn Việt Nam vẫn còn có suy nghĩ giống chị Nội đó là muốn được khám chữa bệnh tốt phải lên các bện viện tuyến trên mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc phải mất thêm rất nhiều thời gian đi lại và tốn kém về chi phí. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng chấp nhận bởi niềm tin rằng họ sẽ được điều trị bởi đội ngũ y bác sĩ có năng lực chuyên môn cao và ở những bệnh viện hiện đại hơn.
Trong nhiều năm qua, bệnh nhân từ các tỉnh lân cận đổ về các bệnh viện tuyến đầu tại Hà Nội, gây nên tình trạng quá tải tại các bệnh viện này. Theo một khảo sát của Bộ Y tế năm 2012, 59% bệnh nhân đến khám, điều trị tại các bệnh viện trung ương là do tự ý muốn chuyển lên tuyến trên. Hệ lụy của nó là tại các bệnh viện này việc ghép giường nằm chung cho hai hoặc ba bệnh nhân là không tránh khỏi.
Một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ năng lực hạn chế của hệ thống y tế địa phương. Cũng theo kết quả khảo sát nói trên, đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện tuyến tỉnh không thực hiện được 25% thủ thuật y khoa theo đúng chức năng nhiệm vụ. Đối với các bệnh viện tuyến huyện, tỷ lệ này lên đến 33%. Ngoài ra, hạ tầng y tế địa phương cũng hạn chế hơn nhiều so với các cơ sở y tế ở tuyến trung ương.
Từ năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực khắc phục tình trạng quá tải thường xuyên tại các bệnh viện tuyến trung ương và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế. Nhiều chương trình hành động cụ thể đã được thực hiện, bao gồm tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế ở địa phương. Logic của cách tiếp cận này khá rõ: nếu bệnh nhân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, chi phí hợp lý và gần khu vực sinh sống, họ sẽ không lựa chọn sử dụng dịch vụ ở nơi khác.
Chung tay với các nỗ lực hành động của Chính phủ, năm 2013 Ngân hàng Thế giới đã tài trợ thực hiện Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Hồng với kinh phí đầu tư 126 triệu USD nhằm tăng cường năng lực hệ thống bệnh viện công lập tại 13 tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Hồng. Chương trình tập trung vào năm chuyên khoa hay gặp tình trạng quá tải nhất như: Tim mạch, sản/phụ khoa, nhi, ung thư và chấn thương (phẫu thuật).
Sau sáu năm thực hiện, dự án đang mang lại nhiều kết quả tích cực. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, – bệnh viện công lập lớn nhất tại một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, một trong số 74 bệnh viện tham gia dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ dự án đã cung cấp trang thiết bị y tế và giúp bệnh viện phát triển nguồn nhân lực.