Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ 28 Tháng 2 Năm 2018

Bền vững Tài chính nhằm sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở Đông Á - Thái Bình Dương

Image

Các nét chính của bài viết

  • Trong thập kỉ qua, dịch bệnh như Ebola, MERS, cúm gia cầm và gần đây nhất là Zika đã cho thấy dịch bệnh có khả năng tàn phá cộng đồng và nền kinh tế như thế nào.
  • Các quốc gia thuộc khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã nỗ lực hết sức để đối phó với dịch bệnh lây nhiễm, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đối với việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho công tác ứng phó với các dịch bệnh và xây dựng hệ thống y tế để ứng phó.
  • Các chuyên gia y tế và đại diện các nước đều cho rằng các quốc gia cần cam kết phân bổ nguồn lực cho công tác sẵn sàng ứng phó với các đại dịch, đây không còn là vấn đề “an ninh y tế” mà còn là vấn đề “an ninh kinh tế”.

Việc phân bổ nguồn lực để ứng phó với các dịch bệnh luôn là một thách thức đối với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Ngân sách của các quốc gia này chịu sức ép đến từ nhiều vấn đề quan trọng khác, bởi vậy nhiều chính phủ cho rằng việc xây dựng một hệ thống an ninh y tế cho dài hạn không phải vấn đề ưu tiên hàng đầu, mặc dù tầm quan trọng của nó là rất lớn.

Ông Mukesh Chawla, cố vấn của Ngân hàng Thế giới, cho biết “Họ (các chính phủ) nói rằng khi một đứa trẻ nhập viện thì họ phải ưu tiên chăm sóc cho trẻ. Bởi vậy, những việc cần kíp lại trở nên quan trọng hơn cả những điều thực sự quan trọng.”

Trên đây là chia sẻ của ông Mukesh trong Diễn đàn bên lề “Xây dựng tài chính bền vững và hệ thống ứng phó nhằm đảm bảo an ninh y tế” của  Hội nghị Giải thưởng Prince Mahidol Award (PMAC), được tổ chức từ ngày 29 đến ngày 30 tháng 1 năm 2018 tại Băng Cốc, Thái lan. Diễn đàn này do Cơ quan Viện trợ và Thương mại Quốc tế Úc (DFAT) phối hợp tổ chức cùng Ngân hàng Phát triển châu Á, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh của chính phủ Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới.

Tại đây, hội thảo tham vấn đã được diễn ra trong hai ngày và lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương về kinh nghiệm xây dựng tài chính bền vững, hệ thống y tế ứng phó và khả năng sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Cho dù vấn đề này không dễ dàng thực hiện nhưng là việc cần thiết để thiết lập an ninh y tế trong dài hạn cho khu vực.


"Chúng ta cần thay đổi quan niệm từ “đây là sự đầu tư cho lĩnh vực y tế” sang “đây là sự đầu tư cho nền kinh tế."
Mukesh Chawla
Cố vấn Ngân hàng Thế giới


Image

Một thực tế là khi nền kinh tế của các quốc gia có thu nhập trung bình thấp phát triển, các chương trình y tế của các quốc gia này sẽ không còn được các đối tác nước ngoài tài trợ mà phải sử dụng chính nguồn ngân sách trong nước. Đây là một bước chuyển khó khăn trong bối cảnh các nguồn lực bên ngoài giảm dần trong khi gánh nặng lên ngân sách tăng lên. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ của các nhà tài trợ và đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ các quốc gia vượt qua cuộc chuyển đổi này dễ dàng hơn.

Nhưng để yêu cầu Bộ Tài chính rót tiền trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, chúng ta cần một cách tiếp cận thuyết phục hơn thay vì chỉ đưa ra lý do vì lợi ích sức khỏe cộng đồng.

Như ông Kenneth Mugambe, Vụ trưởng Vụ ngân sách, Bộ Tài chính Uganda, đã chia sẻ trong hội nghị: “Tôi không quan tâm đến các Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) hay Công cụ đánh giá độc lập chung (JEE), tôi không cần biết chúng là gì. Nhiệm vụ của Bộ Y tế là đưa ra các nội dung này để giải trình (cho ngân sách).”

Vậy cần phải tiếp cận Bộ Tài chính như thế nào?

Ông Mukesh đề xuất: “Chúng ta cần thay đổi quan niệm từ “đây là sự đầu tư cho lĩnh vực y tế” sang “đây là sự đầu tư cho nền kinh tế””.

Bộ Y tế Công cộng của Thái Lan đã rất thành công với phương thức này khi đề xuất chính phủ giải ngân hàng triệu đô la để thiết lập cơ sở hạ tầng nhằm sản xuất thuốc và vắc xin phòng dịch cúm. Nguồn gốc là do dịch cúm gia cầm H5N1 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi gia cầm của Thái Lan trong năm 2004 và có dấu hiệu gây ra bất ổn về chính trị khi tình trạng hoảng loạn bắt đầu lan rộng.

Ông Supamit Chunsuthiwat, cố vấn cho Ban phòng chống Dịch bệnh của Thái Lan, người đã góp công lớn cho thành công này, đã cho biết: “Lý do chính để chính phủ đồng ý chi tiền đầu tư là do những ảnh hưởng kinh tế và tác động của nó đối với ổn định chính trị. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là đưa ra những dẫn chứng thuyết phục để củng cố luận điểm này.”

Có rất nhiều dẫn chứng có thể hỗ trợ cho luận điểm kinh tế của việc chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh. Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên Facebook bên lề hội nghị, ông Toomas Palu, Quản lý Bộ phận Y tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, đã chỉ ra đại dịch SARS năm 2003 đã khiến 800 người thiệt mạng và gây ra thiệt hại kinh tế lên tới 54 tỉ đô la. Những thiệt hại này bao gồm thiệt hại về thương mại, du lịch, các biện pháp can thiệp của y tế cộng đồng, chi phí chẩn đoán và chữa trị.

Tương tự, những ảnh hưởng về kinh tế xã hội của dịch bệnh Ebola năm 2014 – 2015 ở Tây Phi cũng gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các quốc gia bị ảnh hưởng. Ngân hàng Thế giới đã ước tính ba quốc gia Liberia, Guinea và Siera Leone đã phải chịu thiệt hại lên đến 2,2 tỉ đô la. Bên cạnh đó là 3,6 tỉ đô la do cộng đồng quốc tế hỗ trợ thông qua các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, “chi phí cơ hội” này rất lớn bởi khoản tiền này đáng lẽ có thể được sử dụng cho các hoạt động nhân đạo khác.

 “Tóm lại, việc chuẩn bị ứng phó với đại dịch thực sự là vấn đề an ninh kinh tế,” ông Toomas kết luận.

Bà Stephanie Williams, chuyên gia y tế trưởng của Cơ quan ngoại giao và thương mại Úc nhấn mạnh những thiệt hại mà các đại dịch gây ra đã vượt ra bên ngoài phạm vi của lĩnh vực y tế. “Các dịch bệnh truyền nhiễm đã gây ra những ảnh hưởng về người, kinh tế và trong một số trường hợp là cả chính trị.”


Image

Bác sĩ Stephanie Williams, Chuyên gia Y tế trưởng của DFAT trình bày về những hoạt động của DFAT trong việc xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực an ninh y tế 

Lãnh đạo các quốc gia cũng đồng tình với các quan điểm này. Ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt nam, cho rằng Việt Nam cũng xem trọng khía cạnh “kinh tế chính trị” trong công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh. Bởi vậy, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên thí điểm Công cụ Đánh giá Tài chính An ninh Y tế (HSFAT) trước khi công cụ này được áp dụng rộng rãi ở các quốc gia khác trong khu vực.

“Chúng tôi cũng tiến hành bổ sung ngân sách (cho công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh)”, Thứ trưởng cho biết.

Eduardo Banzon, Chuyên gia Y tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á cũng đề xuất nên khai thác góc độ kinh tế khi tiếp cận với khu vực tư nhân, bởi sự tham gia của khu vực này sẽ có nhiều đóng góp đối với an ninh y tế.

 “Khu vực tư nhân sẽ tính toán các dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng như thế nào đối với doanh thu của họ. Họ cần phải bảo vệ công việc kinh doanh của mình. Nhưng chúng ta cũng cần cung cấp thông tin chi tiết cho họ vì họ sẽ muốn biết tiền của họ được sử dụng vào những hoạt động gì.” Eduardo nói.

Trung Quốc có một câu ngạn ngữ cổ như sau: Hành trình ngàn dặm luôn bắt đầu từ bước đi đầu tiên. Cùng chung tinh thần này, ông Toomas, đồng chủ tọa của hội nghị bên lề này, đã phát biểu bế mạc bằng cách sửa lại tiêu đề của hội nghị và bổ sung cách tiếp cận mới: “Xây dựng tài chính bền vững và hệ thống ứng phó cho an ninh y tế và an ninh kinh tế”.


Api
Api