Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ

Cam kết tăng trưởng xanh và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam

8 Tháng 11 Năm 2016


Image

Photo: Flore de Preneuf/World Bank 


Các nét chính của bài viết
  • Việt Nam đang thực hiện cải cách và đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và giải quyết vấn đề tổn thương với biến đổi khí hậu;
  • Ngân hàng Thế giới hỗ trợ thực hiện chương trình nghị sự về tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu bằng những bước đi mạnh mẽ kể từ khi Việt Nam ký kết hiệp định Paris;
  • Mối quan hệ đối tác này giữ vai trò quyết định đối với quá trình thực hiện Đóng góp quốc gia (NDC) của Việt Nam, qua việc huy động nguồn lực, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và giúp thực hiện thay đổi chính sách.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy người đi xe máy đeo khẩu trang để bảo vệ lá phổi của mình, nhãn tiết kiệm năng lượng dán trên các mặt hàng tiêu dùng và cũng chứng kiến chính phủ đưa ra rất nhiều luật và quy định về biến đổi khí hậu: điều đó cho thấy thực tế rằng mối quan ngại về cái giá phải trả cho việc huỷ hoại môi trường tại Việt Nam ngày càng tăng, và nỗ lực ở tất cả các cấp nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân và đảm bảo tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn.

Tăng trưởng với tốc độ cao đã giúp kéo tỉ lệ nghèo từ 49,2% năm 1993 xuống còn 3,2% năm 2012 nhưng tăng trưởng cũng gây áp lực nặng nề lên nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam. Mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao, các dòng sông bị ô nhiễm, phát thải khí nhà kính tăng gấp gần 3 lần trong giai đoạn 2000 – 2010, biến đổi khí hậu và môi trường xuống cấp tại các vùng nông thôn và ven biển đe doạ sinh kế của người dân và ngư dân. Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, năm 2012 Chính phủ Việt Nam đã quyết định đi theo hướng tăng trưởng xanh, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế một cách bền vững hơn và giảm nghèo. Việt Nam cũng đã phê chuẩn hiệp định Paris, cam kết giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm tốc độ biến đổi khí hậu.  

Nhóm Ngân hàng Thế giới là đối tác quan trọng, giúp Việt Nam huy động nguồn lực, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và giúp thực hiện các thay đổi chính sách. Kể từ khi hiệp định đầy tham vọng về biến đổi khí hậu được ký kết tại Paris tháng 12/2015 nhiều hoạt động quan trọng đã được thực hiện:

  • Tháng 6/2016 Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản Tài trợ Chính sách Phát triển đầu tiên trị giá 90 triệu USD trong khuôn khổ 3 chương trình về Cải cách chính sách tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm các hoạt động như tăng cường quản lý vùng ven biển và rừng ngập mặn và sử dụng nước nhằm nâng cao khả năng ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh; cải tiến quy chuẩn giao thông và công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng không khí; đẩy mạnh sản xuất sạch và tiết kiệm; và sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
  • Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới còn tài trợ chương trình đầu tư đồng bộ vào Ứng phó Biến đổi khí hậu và Bền vững Sinh kế vùng Đồng bằng sông Cửu long—một chương trình trị giá 310 triệu USD được phê duyệt hồi tháng 6/2016. Chương trình này sẽ hỗ trợ nông dân và ngư dân tại các địa bàn dễ bị tổn thương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu long thông qua hoạt động tăng cường quản lý lũ lụt thượng nguồn, giải quyết tình trạng nhiễm mặn, và bảo vệ các vùng ven biển.
  • Ngân hàng Thế giới đang giúp phối hợp các hoạt động đưa ngành điện phát triển theo hướng phát thải các-bon ít hơn. Trong đó phải kể đến công tác chuẩn bị dự án Tiết kiệm Năng lượng các Xí nghiệp Công nghiệp tại Việt Nam nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và hỗ trợ xây dựng lộ trình quốc gia nhằm sản xuất 12 GW điện mặt trời vào năm 2030.
  • Hỗ trợ kỹ thuật và hoạt động của Quỹ Tín thác Tăng trưởng Xanh Hàn Quốc (KGGTF) cũng tập trung vào các vấn đề như hiệu quả năng lượng của các thành phố Đà Nẵng và Surabây, phát triển năng lượng mặt trời, các ưu tiên chính sách tăng trưởng xanh nói chung, và khu vực công nghiệp sinh thái. KGGTF cùng IFC giúp Việt Nam với kinh nghiệm từ Hàn Quốc nhằm xây dựng các khu công nghiệp sinh thái nhờ, với mục đích không chỉ hướng tới giảm ô nhiễm mà còn xác định những lĩnh vực mà các ngành công nghiệp có thể bổ trợ cho nhau.
  • Với sự giúp đỡ của PPIAF, Ngân hàng Thế giới đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật giúp tăng cường hiệu suất và năng lực ứng phó biến đổi khí hậu trong ngành đường sắt. Hiện nay vận tải đường sắt chiếm chưa tới 3% tổng lượng vận tải hàng hoá và hành khách, nhưng tiềm năng đóng góp vào giải pháp chống biến đổi khí hậu của ngành này rất lớn vì lượng phát thải các-bon trên mỗi tấn hàng hoá và hành khách vận chuyển thấp hơn so với vận tải đường bộ.
  • Sau đợt hạn hán và nhiễm mặn cuối năm 2015 – đầu năm 2016 Ngân hàng Thế giới đã xuất bản một tóm tắt chính sách về quản lý rủi ro thảm hoạ tổng hợp trong đó nêu rõ các cơ hội tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ tốt hơn các thành quả phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam trong bối cảnh rủi ro thời tiết và các rủi ro tương tự khác.

Điểm sáng trong các dự án và chương trình này là nhà chức trách ngày càng sẵn sàng chấp nhận đối mặt với tính chất phức tạp của cách tiếp cận theo địa bàn, áp dụng kinh nghiệm toàn cầu vào hoàn cảnh cụ thể tại Việt Nam và phối hợp hoạt động trong nhiều ngành với nhau nhằm đạt kết quả tốt nhất.

“Thành công trong việc chuyển hướng sang tăng trưởng xanh và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu sẽ là yếu tố quyết định lên khả năng đáp ứng nhu cầu cải thiện chất lượng sống cho người dân Việt Nam. Tài trợ ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, và đưa các chính sách đúng đắn vào cuộc sống là một đóng góp quan trọng của Nhóm Ngân hàng Thế giới vào quỹ đạo phát triển thông minh về khí hậu của Việt Nam”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói. “Chúng tôi cam kết hợp tác với chính phủ trong công cuộc tăng cường thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại đất nước này.”

Theo Ts. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ KHĐT thì sự chuyển hướng sang tăng trưởng xanh sẽ đòi hỏi phải có thời gian, phải nâng cao nhận thức và phải có nguồn lực đáng kể.


Image

Dr Pham Hoang Mai

Photo: Flore de Preneuf/World Bank


" Bất kỳ sự sắp xếp lại sản xuất hay thay đổi trang thiết bị nào cũng đòi hỏi phải có vốn (...) Trong hoàn cảnh như vậy, tiếp cận được với công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và đằng sau đó là các khoản vay ưu đãi—đó sẽ là yếu tố rất quan trọng. "

Ts. Pham Hoàng Mai

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ KHĐT thì sự chuyển hướng sang tăng trưởng xanh sẽ đòi hỏi phải có thời gian, phải nâng cao nhận thức và phải có nguồn lực đáng kể

“Bất kỳ sự sắp xếp lại sản xuất hay thay đổi trang thiết bị nào cũng đòi hỏi phải có vốn. Nền kinh tế chúng ta hiện nay gồm chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các hộ sản xuất. Họ sẽ lấy đâu ra tiền để làm việc này? Ngay cả đối với doanh nghiệp nhà nước việc này cũng không dễ—không thể đóng cửa nhà máy nhiệt điện để thay đổi công nghệ ngay lập tức được; muốn làm như vậy phải có hàng trăm triệu USD. Vấn đề nữa là nếu muốn tiếp cận công nghệ hiện đại ta phải nhập khẩu, phải có tiền.  Trong hoàn cảnh như vậy, tiếp cận được với công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và đằng sau đó là các khoản vay ưu đãi—đó sẽ là yếu tố rất quan trọng,” Ts. Mai nói.


Api
Api

Welcome