PHÓNG SỰ

Chuyện hai người nuôi tôm: Đồng bằng sông Cửu Long và thích ứng biến đổi khí hậu

1 Tháng 8 Năm 2016


Image

Năm nay, ông Nguyễn Văn Khuyên (phải), chủ sở hữu 6 ha nuôi trồng thủy sản cạnh kênh nước lợ tại Cà Mau đã không thể nuôi tôm như mọi năm do hạn hán nặng nề. Còn ông Tô Hoài Thương (trái) nhờ ứng dụng kỹ thuật đối phó với hạn hán, ông đã chia đầm của mình ra làm 3 đầm nhỏ —một nuôi tôm, một nuôi cá, và một để trữ nước ngọt. Nhờ vậy mà sản lượng năm nay dự tính sẽ thu được 10 tấn, bằng với năng suất các vụ khác.


Các nét chính của bài viết
  • Đợt hạn hán gần đây cho thấy rõ mức độ dễ bị tổn thương của đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu
  • Ngân Hàng Thế Giới và các đối tác giúp Việt Nam tăng cường năng lực thích ứng sinh kế
  • Các phương pháp nuôi trồng sáng tạo với thông tin đầy đủ sẽ giúp vùng nông thôn ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan và lên kế hoạch tốt hơn nếu có biến động

Đồng bằng sông Cửu Long, miền nam Việt Nam nổi tiếng với những cánh đồng lúa, đầm tôm, các con đê và các dòng kênh. Tất cả những cái đó là nguồn sinh kế của trên 17 triệu người. Nhưng biến đổi khí hậu, khan hiếm nước và ô nhiễm môi trường đang phá hủy cuộc sống kinh tế tại vùng châu thổ, đòi hỏi phải có các phương cách quản lý đất và nước mới giữa lúc xảy ra nhiều biến động như vậy.

Mức độ dễ bị tổn thương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người khi đợt hạn hán lịch sử xảy ra đầu năm nay. Hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra đồng thời với mực nước trên sông Cửu Long giảm do các hoạt động diễn ra phía thượng nguồn.  Nhiều nông dân thiếu nước ngọt và phải tìm mọi cách để thích ứng.

Gần đây, khi đến thăm Cà Mau, vùng đất mũi cực Nam của Việt Nam, các chuyên gia nông nghiệp đã chứng kiến hiện tượng lúa bị khô héo, và cá, tôm bị chết.

Ông Nguyễn Văn Khuyên có 6 ha nuôi trồng thủy sản cạnh kênh nước lợ tại huyện Trần Văn Thời. Do thời tiết khô, nóng kéo dài, ông đã không thể nuôi tôm như mọi năm. Ông nói: “Chúng tôi xét nghiệm nước và thấy độ mặn quá cao. Vì vậy tôi đã không thả con tôm nào. Tôi mất 8 tháng không nuôi trồng được gì.”

Đến khi chúng tôi gặp ông hồi tháng 6, trời mới bắt đầu mưa. Ông Khuyên, 65 tuổi, nói: “Tôi đang chờ nhà nước giúp đỡ mua tôm giống mới”. Do mất nguồn thu nhập chính nên ông đã không thể trả ngân hàng khoản tiền đã vay để đầu tư nuôi tôm. Các con ông cũng không ai theo nghề nuôi tôm nữa. Ông Khuyên nói: “Từ bé, lúc nào tôi cũng thấy tháng 4 là có mưa rồi, nhưng bây giờ khó mà lên kế hoạch từ trước.”

Cách đó khoảng 1 giờ đi xe là một đầm tôm mẫu nơi ông Tô Hoài Thương, 53 tuổi, đang học tập bí quyết đối phó với hạn hán. Kể từ năm 2013 ông Thuong đã chia đầm của mình ra làm 3 đầm nhỏ —một nuôi tôm, một nuôi cá, và một để trữ nước ngọt. Nước ngọt dự trữ được dùng để làm giảm bớt nồng độ muối, và ông dùng quạt trên bề mặt để làm giảm nhiệt độ nước. Ông dự tính sẽ thu được 10 tấn, bằng với năng suất các vụ khác mặc dù vụ này thời tiết nóng hơn.

Đối với ông, mô hình nuôi 3 đầm không những có khả năng thích ứng tốt hơn, mà còn bền vững hơn và có lãi hơn là mô hình thâm canh trước đây. Mật độ thấp hơn, nêm tôm sinh trưởng tốt hơn. Cá giúp làm sạch vi khuẩn và hạn chế nguồn bệnh đối với tôm; mô hình luân canh cũng làm giảm sự cần thiết phải thay đổi và xả nước nhiễm bẩn làm ảnh hưởng đến các đầm bên cạnh. Ông tự hào chỉ tay vào công trình đồ sộ cạnh nhà ông và nói: “Tôi xây nhà thờ tổ bằng tiền nuôi tôm đấy. Đủ rộng cho cả con cháu nữa”.

Đầm tôm mẫu, được dự án Nguồn lực ven biển vì phát triển bền vững hỗ trợ, cũng là một trong nhiều nỗ lực tìm kiếm phương pháp canh tác tốt giúp ngành nuôi trồng thủy sản hướng tới một con đường phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn, và mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Nhà chức trách Việt Nam, với sự hỗ trợ của các đối tác, trong đó có Ngân Hàng Thế Giới, đang xem xét lại chiến lược phát triển nông thôn tại đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đảm bảo sinh kế và tăng trưởng dài hạn trong môi trường đầy biến động này.

 


Image

Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 50% sản lượng gạo, 70% sản lượng thủy sản và 1/3 GDP của Việt Nam. Nhưng hiện nay năng suất lao động đã chững lại. Đặc biệt, gần đây nhà chức trách đã nhận ra rằng tập trung vào sản xuất lúa gạo trong 20 năm qua đã chạm ngưỡng về môi trường và kinh tế. Chất lượng gạo thấp, năng suất sụt giảm, các vùng đất ngày càng bị nhiễm mặn nhiều hơn do nước biển dâng và sụt lún đất. Nhiễm mặn cũng đe dọa ngành nuôi tôm, làm cho tôm chậm lớn, thậm chí chết nếu độ mặn quá cao. Việc tháo nước khỏi những vùng đầm lầy để lấy đất canh tác và xây dựng các công trình thủy lợi lớn để trồng lúa nhiều vụ đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên hệ thống liên kết sinh thái và đa dạng sinh học tại đây, và việc ngăn dòng nước chở phù sa và dưỡng chất cuối cùng đã làm giảm năng suất cây trồng.

Nhà chức trách đang tìm cách sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả nhất để phát triển bền vững khi mà lượng nước cũng như thời điểm có nước ngày càng trở nên khó đoán hơn gây ra bởi các yếu tố thời tiết và các công trình thượng nguồn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Đỉnh lũ các năm 2000 và 2011 cao hơn nhiều so với mức bình thường. Trong 3 năm gần đây lũ rất thấp. “Công việc sản xuất đã bị đảo lộn hoàn toàn. Chúng tôi buộc phải thử nghiệm các mô hình khác nhau để tìm cách giảm nhẹ rủi ro và tăng thu nhập cho nông dân”, ông Lữ Cẩm Khường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, tỉnh thượng nguồn nơi dòng Cửu Long chảy vào đất Việt Nam, nói.

Công tác dự báo còn yếu và thiếu thông tin tin cậy làm hạn chế công tác quy hoạch và quản lý. Trong đợt hạn hán vừa qua những nông dân như ông Khuyên đã không được cảnh báo sớm để tránh thiệt hại.

Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long giá trị 310 triệu USD do IDA tài trợ mới phê duyệt gần đây sẽ nâng cấp hệ thống theo dõi, phân tích và chia sẻ thông tin toàn vùng nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định trong bối cảnh ngày càng có nhiều bất ổn. Dự án sẽ giúp các ngành kế hoạch, nông nghiệp và môi trường phối hợp cùng nhau xác định, dựa trên bằng chứng, các hạng mục đầu tư nhằm tăng cường năng lực ứng phó khí hậu, lồng ghép biến đổi khí hậu vào quy vùng địa phương. Dựa trên Kế hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long do chính phủ Hà Lan giúp xây dựng năm 2013, dự án sẽ giúp thực hiện đầu tư vào các biện pháp “không hối tiếc” đã chứng tỏ thành công trong việc kiểm soát lũ, thích ứng với nhiễm mặn và bảo vệ bờ biển tại một số địa bàn tại vùng châu thổ.

 


Api
Api

Welcome