Đồng bằng sông Cửu Long, miền nam Việt Nam nổi tiếng với những cánh đồng lúa, đầm tôm, các con đê và các dòng kênh. Tất cả những cái đó là nguồn sinh kế của trên 17 triệu người. Nhưng biến đổi khí hậu, khan hiếm nước và ô nhiễm môi trường đang phá hủy cuộc sống kinh tế tại vùng châu thổ, đòi hỏi phải có các phương cách quản lý đất và nước mới giữa lúc xảy ra nhiều biến động như vậy.
Mức độ dễ bị tổn thương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người khi đợt hạn hán lịch sử xảy ra đầu năm nay. Hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra đồng thời với mực nước trên sông Cửu Long giảm do các hoạt động diễn ra phía thượng nguồn. Nhiều nông dân thiếu nước ngọt và phải tìm mọi cách để thích ứng.
Gần đây, khi đến thăm Cà Mau, vùng đất mũi cực Nam của Việt Nam, các chuyên gia nông nghiệp đã chứng kiến hiện tượng lúa bị khô héo, và cá, tôm bị chết.
Ông Nguyễn Văn Khuyên có 6 ha nuôi trồng thủy sản cạnh kênh nước lợ tại huyện Trần Văn Thời. Do thời tiết khô, nóng kéo dài, ông đã không thể nuôi tôm như mọi năm. Ông nói: “Chúng tôi xét nghiệm nước và thấy độ mặn quá cao. Vì vậy tôi đã không thả con tôm nào. Tôi mất 8 tháng không nuôi trồng được gì.”
Đến khi chúng tôi gặp ông hồi tháng 6, trời mới bắt đầu mưa. Ông Khuyên, 65 tuổi, nói: “Tôi đang chờ nhà nước giúp đỡ mua tôm giống mới”. Do mất nguồn thu nhập chính nên ông đã không thể trả ngân hàng khoản tiền đã vay để đầu tư nuôi tôm. Các con ông cũng không ai theo nghề nuôi tôm nữa. Ông Khuyên nói: “Từ bé, lúc nào tôi cũng thấy tháng 4 là có mưa rồi, nhưng bây giờ khó mà lên kế hoạch từ trước.”
Cách đó khoảng 1 giờ đi xe là một đầm tôm mẫu nơi ông Tô Hoài Thương, 53 tuổi, đang học tập bí quyết đối phó với hạn hán. Kể từ năm 2013 ông Thuong đã chia đầm của mình ra làm 3 đầm nhỏ —một nuôi tôm, một nuôi cá, và một để trữ nước ngọt. Nước ngọt dự trữ được dùng để làm giảm bớt nồng độ muối, và ông dùng quạt trên bề mặt để làm giảm nhiệt độ nước. Ông dự tính sẽ thu được 10 tấn, bằng với năng suất các vụ khác mặc dù vụ này thời tiết nóng hơn.
Đối với ông, mô hình nuôi 3 đầm không những có khả năng thích ứng tốt hơn, mà còn bền vững hơn và có lãi hơn là mô hình thâm canh trước đây. Mật độ thấp hơn, nêm tôm sinh trưởng tốt hơn. Cá giúp làm sạch vi khuẩn và hạn chế nguồn bệnh đối với tôm; mô hình luân canh cũng làm giảm sự cần thiết phải thay đổi và xả nước nhiễm bẩn làm ảnh hưởng đến các đầm bên cạnh. Ông tự hào chỉ tay vào công trình đồ sộ cạnh nhà ông và nói: “Tôi xây nhà thờ tổ bằng tiền nuôi tôm đấy. Đủ rộng cho cả con cháu nữa”.
Đầm tôm mẫu, được dự án Nguồn lực ven biển vì phát triển bền vững hỗ trợ, cũng là một trong nhiều nỗ lực tìm kiếm phương pháp canh tác tốt giúp ngành nuôi trồng thủy sản hướng tới một con đường phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn, và mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Nhà chức trách Việt Nam, với sự hỗ trợ của các đối tác, trong đó có Ngân Hàng Thế Giới, đang xem xét lại chiến lược phát triển nông thôn tại đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đảm bảo sinh kế và tăng trưởng dài hạn trong môi trường đầy biến động này.