Trong một phòng học nhỏ ở Trường Tiểu học Bát Xát của tỉnh Lào Cao, Việt Nam, Nguyễn Minh Thư, một học sinh lớp hai, đang dẫn dắt nhóm bạn học cùng giải một bài toán. Cô giáo của Thư cũng ở trong lớp học, nhưng chủ yếu hỗ trợ khi nhóm của Thu gặp khó khăn.
“Chúng em thảo luận rất nhiều về bài học,” Thư nói, “Nếu các bạn không biết thì nhóm trưởng sẽ giúp tìm ra phương án đúng nhất và nhanh nhất.”
Trong lớp học ở Việt Nam, học sinh thường chỉ ngồi lặng lẽ suốt giờ học, lắng nghe và ghi chép lại những điều giáo viên giảng chứ không tham gia thảo luận nhóm. Nhờ dự án mới mang tên Trường học mới, Thư và hàng trăm học sinh khác từ sáu tỉnh của Việt Nam, phần lớn đến từ các gia đình dân tộc thiểu số, đã được hưởng lợi từ mô hình học tập lấy học sinh làm trung tâm này.
Mô hình giáo dục sáng tạo của thế kỷ 21
Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong tiếp cận giáo dục tiểu học với tỉ lệ tốt nghiệp đạt gần 100%. Tuy nhiên, thách thức chính trong việc tăng cường chất lượng dạy và học thì vẫn còn tồn tại.
Để giải quyết thách thức này, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều cải cách trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, bao gồm việc áp dụng mô hình giáo dục tiên tiến từ Colombia. UNESCO đánh giá mô hình Trường học mới của Colombia là mô hình giáo dục tiểu học tốt nhất ở khu vực nông thôn Mỹ Latin. Đây cũng được coi là một trong những mô hình giáo dục sáng tạo nhất của thế kỷ 21.
Năm 2010, Chính phủ Việt Nam triển khai một dự án thí điểm áp dụng mô hình trường học mới ở 24 trường ở 6 tỉnh. Chương trình thí điểm rất thành công nên chính phủ quyết định mở rộng ra toàn bộ 63 tỉnh, thành phố với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới và một khoản tài trợ trị giá 84,6 triệu đô la Mỹ của Quỹ Hợp tác Giáo dục Toàn cầu. Sẽ có thêm 440.000 học sinh tiểu học được hưởng lợi từ dự án này.
“Quan trọng nhất của mô hình trường học mới là đã chuyển từ phương thức giáo dục truyền thống sang một phương thức tiên tiến và hiệu quả hơn,” ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Lào Cai, chia sẻ. “Quá trình này bao gồm cả cải cách phương pháp dạy học, thúc đẩy quan hệ mật thiết hơn giữa nhà trường và cộng đồng, và nâng cao năng lực quản lý trường học cũng như cải thiện tài liệu học tập cho cả giáo viên lẫn học sinh.”
Mô hình này tập trung vào phương pháp học tập lấy học sinh làm trung tâm, cho phép học sinh sử dụng các tài liệu và dụng cụ học tập từ các góc học tập trong lớp để phục vụ nhu cầu của mình. Hướng dẫn học tập độc đáo với rất nhiều các hoạt động trong lớp cũng giúp kết nối học sinh với giáo viên đóng vai trò người hỗ trợ.
“Những kỹ năng về sáng tạo và giải quyết vấn đề, cùng với giá trị của sự chia sẻ và cộng đồng, cần phải được nuôi dưỡng từ sớm ", ông Suhas Parandekar, chuyên gia kinh tế, Ban Phát triển Con người, Ngân hàng Thế giới, chia sẻ. "Dự án sẽ giúp các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam học tập và áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập mới. Việc này sẽ giúp trẻ thu nhận được những kỹ năng và giá trị mà các em cần để thành công trong một thế giới phức tạp và năng động hiện nay."
Hợp tác chặt chẽ giữa giáo viên, phụ huynh và cộng đồng
Giáo viên, phụ huynh và cộng đồng hợp tác chặt chẽ với nhau trong chương trình để hình thành nên một môi trường học tập mang lại nhiều ích lợi hơn. Ví dụ, các trường xây dựng bản đồ cộng đồng để giúp giáo viên biết nơi các em sinh sống trong cộng đồng. Những bản đồ này cho phép giáo viên dễ dàng xác định vị trí của những học sinh cần giúp đỡ nhiều hơn trong học tập, và hỗ trợ kịp thời khi các em thiếu sách vở, quần áo hoặc phương tiện đi lại.
"Chúng ta học được nhiều nhất khi bị thử thách, khi giúp đỡ lẫn nhau, và khi chúng ta là một phần của một cộng đồng", ông Parandekar nói. "Dự án mang tất cả các những điều này vào cả lớp học lẫn sân trường."