Skip to Main Navigation
Results Briefs 11 Tháng 6 Năm 2019

Mở ra cơ hội và tăng tiếp cận thị trường cho người dân tộc thiểu số tại những địa phường nghèo nhất ở Việt Nam

Image

Chị Dưa  quản lý một nhóm chị em nữ người H'mông nhiệt tình tham gia sản xuất hàng thủ công truyền thống và chung tay quản lý một cửa hàng. Thu nhập của họ đã tăng gấp đôi kể từ khi dự án bắt đầu.

 


Tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ gần 21% năm 2010, lúc dự án bắt đầu, xuống còn dưới 10% vào cuối năm 2016. Dân số nghèo chủ yếu tập trung ở người dân tộc thiểu số sinh sống tại những khu vực miền núi hẻo lánh của đất nước. Với sự hỗ trợ của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), sáu tỉnh miền núi tại khu vực nghèo nhất ở Việt Nam đã áp dụng phương thức phát triển lấy cộng đồng làm định hướng để tạo điều kiện cho người dân - đặc biệt là nữ giới - mở rộng các cơ hội sinh kế và tiếp cận thị trường.

Thách thức

Người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình và Yên Bái của dự án rất hiếm khi có cơ hội cải thiện đời sống do năng suất nông nghiệp thấp, thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như thủy lợi và đường xá; dễ bị tổn thương bởi thiên tai và biến đổi khí hậu; thiếu cơ hội tiếp cận chăm sóc y tế, giáo dục và thị trường.

Cách tiếp cận

Hoạt động cốt lõi của dự án là tổ chức những hộ sản xuất nhỏ, thành các Nhóm đồng sở thích (CIG) xoay quanh các hoạt động sinh kế như nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất hàng thủ công, để tăng tỷ lệ tham gia trong các chuỗi giá trị chính. Dự án cũng xây dựng quan hệ đối tác với các cơ quan chức năng, ngân hàng, các hệ thống khuyến nông, cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ đầu vào khác, để tạo điều kiện giúp các Nhóm đồng sở thích (CIG) nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, chuyên môn kỹ thuật, đầu vào, và dịch vụ nhằm nâng cao năng suất và tăng cường sản xuất. Ngoài ra, dự án còn giúp thiết lập kết nối thị trường với các doanh nghiệp khối nhà nước, tư nhân và các hợp tác xã để đẩy mạnh sự tham gia của người nghèo trong các chuỗi giá trị. Dự án áp dụng cách tiếp cận triển lấy cộng đồng làm định hướng, nhằm đảm bảo bất kỳ hoạt động cụ thể nào cũng do chính đối tượng thụ hưởng khởi xướng và kết thúc. Nữ giới có tiếng nói lớn hơn qua việc nắm giữ các vị trí tại Ban Phát triển cấp Xã và qua tham gia vào các hoạt động dự án được thiết kế riêng cho các nhóm nữ giới. Ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số được sử dụng trong các buổi họp thôn, đào tạo và tư liệu truyền thông qua đó tăng tính bao trùm của công tác lập kế hoạch và triển khai dự án.

Kết quả

Sau đây là những kết quả chính của dự án sau tám năm triển khai (2010-2018):

  • Thành lập được 11.178 Nhóm đồng sở thích (CIG), với tổng đầu tư là 29 triệu USD, tạo ra 42 triệu USD giá trị tài sản và sản phẩm, trên 24 triệu USD giá trị sản phẩm bán ra.
  • 75% các Nhóm đồng sở thích (CIG) có tài sản phục vụ sản xuất sinh kế tăng trưởng bền vững.
  • 130 các Nhóm đồng sở thích (CIG) đã chính thức trở thành Nhóm hợp tác và Hợp tác xã, thể hiện sự bền vững trong hoạt động của họ.
  • 88% các Nhóm đồng sở thích (CIG) đưa ra các quyết định kinh doanh sử dụng thông tin về thị trường từ ít nhất hai nguồn thông tin.
  • Các công trình hạ tầng được xây dựng trong phạm vi dự án tạo điều kiện đi lại dễ dàng đến các điểm sản xuất, kết nối với thị trường, mở rộng diện tích tưới tiêu nhằm đem lại sản lượng cao hơn và cải thiện về tiếp cận nguồn nước.
  • 3.844 km đường nông thôn và 826 cầu được xây dựng. 76% nông dân được hưởng lợi các tuyến đường mới giúp giảm thời gian đi lại đến điểm sản xuất ngoài đồng.
  • 16.000 ha lúa nước được tưới tiêu bằng 1.335 công trình thủy lợi; 59.367 hộ gia đình được kết nối với 1.007 công trình cấp nước.
  • Gần 62% hộ gia đình được tiếp cận thị trường và các nhà cung ứng đầu vào nông nghiệp như giống và phân bón thuận lợi hơn.
  • Công cụ lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) nhằm lồng ghép nhu cầu và nguồn lực của cộng đồng được thể chế hóa ở tất cả các tỉnh trong vùng dự án.
  • 88% nữ giới và người dân tộc thiểu số thường xuyên tham gia quá trình quyết định và lập kế hoạch thôn bản - so với mức ban đầu là 0.
  • 107 quan hệ hợp tác sản xuất đã được thiết lập với sự tham gia của 22.000 hộ gia đình hưởng lợi và 64 đối tác (các doanh nghiệp và hợp tác xã, v.v.)

Đóng góp của Nhóm Ngân hàng

Các khoản tín dụng tổng cộng lên đến 250 triệu USD của Hiệp hội Phát triển Quốc tế được sử dụng để tài trợ cho dự án. Vốn được đầu tư vào các công trình hạ tầng kinh tế và sản xuất, phục vụ kết nối vùng miền, cấp bù ngân sách địa phương cho các xã để đầu tư các tiểu dự án quy mô nhỏ ở cấp thôn về hạ tầng sản xuất và các hoạt động cải thiện sinh kế. Các dự án nhỏ được xác định qua quy trình lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng, tăng cường năng lực triển khai dự án và cộng đồng để họ tham gia lập kế hoạch, quản lý, theo dõi và đánh giá dự án.

Đối tác

Tổ chức Nông Lương (FAO) hỗ trợ kỹ thuật cho chính quyền nhằm rà soát những can thiệp chính của dự án và khuyến nghị cách thức cải thiện về triển khai dự án trong các nội dung như quan hệ hợp tác sản xuất, hạ tầng và kết nối vùng miền, phân tích kinh tế cho các hoạt động đầu tư trong dự án. Các doanh nghiệp nông nghiệp (khu vực tư nhân) đóng vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác sản xuất với nông dân trong phạm vi dự án.

Định hướng tiếp theo

Kinh nghiệm và bài học từ dự án góp phần thay đổi chính sách và cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam về giảm nghèo. Nhiều cách tiếp cận và thông lệ tốt đã được áp dụng trong các chương trình của Chính phủ Việt Nam, ví dụ lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) cấp cộng đồng, đấu thầu mua sắm giản lược ở cấp cộng đồng, hỗ trợ sinh kế dựa trên Nhóm đồng sở thích (CIG), và các nội dung khác. Các chương trình quốc gia như Chương trình Phát triển Nông thôn Mới và Chương trình 135 cũng áp dụng cách tiếp cận theo sinh kế, lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng và đấu thầu mua sắm cấp cộng đồng.

Người hưởng lợi

Nhận thức được tiềm năng thị trường hàng thủ công đối với khách du lịch, với sự hỗ trợ của Dự án Giảm nghèo Khu vực Miền núi Phía bắc Giai đoạn 2, chị Dưa đã tập hợp nữ giới trong cộng đồng để thành lập Nhóm đồng sở thích (CIG). Đến nay, chị Dưa là trưởng một nhóm gồm 11 chị em nữ người H'mông nhiệt tình tham gia sản xuất hàng thủ công truyền thống và chung tay quản lý một cửa hàng. Các thành viên nhóm họp định kỳ để thảo luận về công việc dệt và thêu, và trao đổi với nhau các khía cạnh khác trong cuộc sống. Nhóm chị em nữ ghi chép sổ sách tỉ mỉ và có mở tài khoản ngân hàng riêng. Lợi nhuận được chia sẻ theo sản lượng. Khi bắt đầu dự án, mỗi chị em nữ thu được 650.000 VND (32 USD) mỗi tháng, là nguồn thu nhập bổ sung qua bán các mặt hàng vải dầu gai và thêu thủ công. Đến nay họ đã thu được gấp đôi số đó.


Image
88%

của phụ nữ và dân tộc thiểu số, tham gia lập kế hoạch và quy trình ra quyết định