Skip to Main Navigation
Results Briefs 3 Tháng 5 Năm 2019

Việt Nam: Duy trì bền vững tài nguyên nước và tăng cường khả năng chống chịu khí hậu

Image

Dự án Quản lý Nước nhằm Phát triển Nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đem lại những lợi ích về năng suất nông nghiệp cho nông dân địa phương, khả năng tiếp cận nước sạch cho các hộ nông thôn, đồng thời góp phần nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng biến đổi khí hậu. Về tổng thể, dự án góp phần cải thiện sinh kế cho nông dân và người dân tại đồng bằng sông Cửu Long.

Thách thức

Ở thời điểm thẩm định dự án, nguy cơ dễ tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra ở Việt Nam khiến cho đảm bảo nước sạch bền vững trở thành một vấn đề ở lưu vực sông Cửu Long. Lưu vực này chiếm đến 12% diện tích đất đai cả nước, đóng góp khoảng 40% GDP ngành nông nghiệp và trên một nửa kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm quốc gia. Khu vực này đặc biệt dễ bị tổn thương với tác động của biến đổi khí hậu do cao độ thấp, mực nước biển dâng lên và xu hướng thay đổi về lượng mưa. Nguy cơ dễ bị tổn thương càng trở nên trầm trọng hơn do những hoạt động của con người dẫn đến quản lý chưa tốt và làm suy thoái tài nguyên nước. Biến đổi khí hậu cũng là một mối đe dọa với tăng trưởng kinh tế - cụ thể đối với các cộng đồng có nguồn thu nhập chính đến từ nông nghiệp. Mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực trước đó nhằm cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch an toàn, nhưng gần một phần tư dân số của đồng bằng vẫn chưa được tiếp cận nước sạch mà vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng.

Cách tiếp cận

Dự án nhằm bảo vệ và cải thiện về sử dụng tài nguyên nước ở 7 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gồm - Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu - nhằm duy trì bền vững năng suất nông nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nước, góp phần thích ứng biến đổi khí hậu, thông qua nỗ lực chung hướng tới cách tiếp cận tổng hợp về quản lý tài nguyên nước. Các biện pháp cơ cấu và phi cơ cấu kết hợp được triển khai, bao gồm các chiến dịch nâng cao nhận thức, quy hoạch quản lý tài nguyên nước và tái thiết hạ tầng nhằm giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Thiết kế của dự án cũng lưu ý nông nghiệp là ngành quan trọng trong nỗ lực giảm nghèo và duy trì tăng trưởng ở Việt Nam. Chính vì vậy, để xử lý hệ quả của tình trạng khan hiếm nước ngày  càng trầm trọng trong nông nghiệp, các kỹ thuật nông thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai nhằm nâng cao năng suất sử dụng nước. Những can thiệp quan trọng khác bao gồm triển khai cung cấp nước sinh hoạt an toàn thông qua các chương trình lắp đặt đường ống nước nhằm cải thiện khả năng tiếp cận hệ thống cấp  nước cho người dân. Một hoạt động hỗ trợ nữa là cải thiện các biện pháp vệ sinh thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức và xây dựng nhà vệ sinh.


Image
215,000

Khoảng 215.000 hộ gia đình nông dân tại bảy tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long được hưởng lợi qua cải thiện các dịch vụ thủy nông.


Kết quả

Từ năm 2011 đến năm 2017, dự án đã đầu tư vào hạ tầng quản lý nước, gồm - đê sông và đê biển, cống, nạo vét các hệ thống kênh rạch cấp hai và cấp ba - nhằm bảo vệ và cải thiện về sử dụng tài nguyên nước tại các tỉnh, thành trong vùng dự án ở đồng bằng sông Cửu Long để duy trì bền vững những cải thiện về năng suất nông nghiệp. Nhờ có dự án, các hộ dân, gồm cả người nghèo, được tiếp cận nguồn cung cấp nước ăn bền vững và an toàn thông qua các chương trình đường ống cấp nước và cải thiện điều kiện vệ sinh qua đó góp phần cải thiện sức khoẻ và sinh kế của họ. Các biện pháp kết hợp bao gồm nâng cao nhận thức, quy hoạch quản lý tài nguyên nước, v.v. được thiết kế để hình thành hạ tầng quản lý nước cần có, đồng thời nâng cao năng lực thể chế các cấp để đói phó với tình trạng xâm nhiễm mặn, cơ chế dòng chảy biến đổi và cạnh tranh tài nguyên nước ngày càng tăng. Cụ thể, dự án đã góp phần đem lại những kết quả như sau:

  • Khoảng 215.000 hộ gia đình nông dân được hưởng lợi qua cải thiện về dịch vụ thủy nông. Dự án cung cấp dịch vụ tưới tiêu cho 134.162 ha, gồm (54.033 ha) mới và (80.129 ha) cải tạo.
  • Quản lý rủi ro ngập lụt và phòng chống xâm nhiễm mặn cho phép sản xuất nông nghiệp trên diện tích 104.864 ha đất.
  • Sản lượng nông nghiệp dự kiến tăng 10-15%. Con số ước tính cũng cho thấy thu nhập nông dân tăng lên.
  • Nhờ dự án năng suất nông nghiệp tăng, góp phần giảm cạnh tranh về tài nguyên nước, hỗ trợ duy trì sản xuất nông nghiệp ở các diện tích bị thiếu nước.
  • Năng suất sử dụng nước tăng 35% nhờ áp dụng công nghệ mới.
  • 66.165 hộ gia đình nông thôn được hưởng lợi qua được cung cấp nước ăn.
  • 10.055 nhà vệ sinh được xây dựng, với sự hỗ trợ của các chiến dịch nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, kết hợp với xây dựng 30 cửa hàng vệ sinh một cửa để bán thiết bị nhà vệ sinh và các sản phẩm vệ sinh khác.
  • Dự án trao quyền cho nữ giới bằng cách thúc đẩy sự tham gia của họ trong các hoạt động đào tạo Quản lý Dịch hại Tổng hợp qua đó tăng cơ hội tiếp cận của nữ giới trong ngành nông nghiệp. Ngoài ra, dự án cũng phối hợp với Hội Phụ nữ để kêu gọi sự tham gia của nữ giới trong chiến dịch về vệ sinh của dự án.

Đóng góp của Nhóm Ngân hàng Thế giới

Bên cạnh khoản tín dụng 143,6 triệu USD của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), Ngân hàng Thế giới còn đem lại kiến thức toàn cầu và những thông lệ quốc tế tốt nhất về quản lý tài nguyên nước ở các vùng đồng bằng, và đã thực hiện thành công các hoạt động tăng cường năng lực cho các đơn vị triển khai dự án và cán bộ ở địa phương. Dự án này của Ngân hàng Thế giới giúp đảm bảo công tác quản lý tài nguyên nước có cân nhắc các điều kiện kinh tế xã hội cũng như các tác động của biến đổi khí hậu.

Đối tác

Dự án đã đầu tư nỗ lực và nguồn lực để tăng cường năng lực cho 37 cơ quan đối tác triển khai dự án và cán bộ địa phương nhằm cải thiện về thực hiện dự án. Dự án còn phối hợp với trường Đại học Cần Thơ để xác định những công nghệ nông nghiệp mới để thí điểm trong quá trình chuẩn bị dự án. Ngoài ra, dự án cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông để hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư công trình và với Bộ Y tế để hỗ trợ cho các sáng kiến về vệ sinh. Dự án phối hợp với Chính phủ Hà Lan, thông qua Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội, nhằm xúc tiến khái niệm ngân hàng đất trong quản lý vật liệu đất thu được sau nạo vét.

Định hướng tiếp theo

Với bài học rút ra từ dự án, các dự án tương lai cần ghi nhận mức độ phức tạp về thể chế ở Việt Nam cùng với nhu cầu phân cấp quản lý và phân bổ nguồn lực đầy đủ cho các hoạt động tăng cường năng lực, chính quy và qua công việc. Dự án góp phần tạo ra câu chuyện tổng quan về nước ở các vùng đồng bằng, thông qua tầm nhìn với nỗ lực lồng ghép 'nước cho nông nghiệp' với 'nước cho người dân', đồng thời áp dụng 'thích ứng biến đổi khí hậu', coi đó là nội dung xuyên suốt. Dự án còn giúp chỉ ra những vấn đề về quản trị nước để làm căn cứ xây dựng các chiến lược về nước, đưa ra góc nhìn tổng hợp về những thách thức, chỉ ra những hoạt động ưu tiên để đảm bảo an ninh nước cho quốc gia.

 

Image

Nông dân nữ tham gia tập huấn về Quản lý Dịch hại Tổng hợp (IPM) tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: ASEAN

Người hưởng lợi

Dự án đem lại lợi ích cho người nông dân, các hộ gia đình ở các tỉnh vùng thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long và nông dân nuôi trồng thủy sản dọc các tỉnh duyên hải. Người dân ở vùng đồng bằng tiết kiệm được thời gian đi lấy nước cho gia đình và tiền mua nước qua xử lý. Số ngày làm việc bị mất đi do mắc bệnh dịch lan truyền qua đường nước đã giảm xuống. Dự án đặc biệt tập trung vào đối tượng các cộng đồng nghèo không được tiếp cận nước ăn và vệ sinh. Hơn nữa, dự án còn tập trung vào đối tượng nữ giới sao cho họ được hưởng lợi từ thành quả về nông nghiệp và được cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh.