KHU VỰC: ĐÔNG Á – THÁI BÌNH DƯƠNG
QUỐC GIA: VIỆT NAM
LĨNH VỰC: GIẢM NHẸ RỦI RO THẢM HỌA
Kết quả và Thành tích:
• Vật liệu xây kè chịu bão, các công trình bảo vệ, hệ thống cống thoát nước tại các tuyến đường nông thôn đã được thiết kế đảm bảo chịu được thời tiết khắc nghiệt và đang triển khai tại 457 km đường tại vùng lũ lụt.
• Bảo dưỡng đường, kể cả trồng cây, nâng cao khả năng chịu đựng thiên tai cho 4.667 km đường nông thôn sẵn có, thu hút trên 15.500 người tham gia—trong đó phần lớn là phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc các hộ nghèo.
• Hoàn thành cập nhật các hướng dẫn về đảm bảo khả năng khánh cự thiên tai của công trình trong sổ tay hướng dẫn thiết kế, thi công, đảm bảo chất lượng đường nông thôn Việt Nam.
• Tập huấn cán bộ Bộ Giao Thông Vận Tải và trên 30 tỉnh thành khác về lồng ghép kháng cự thiên tai và biến đổi khí hậu trong xây dựng đường nông thôn.
• Kháng thảm họa đã trở thành yếu tố bắt buộc trong Dự án Quản lý Tài sản Đường bộ do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Việt Nam nằm trong vùng bị thiên tai nhiều nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bão và lũ lụt thường xuyên chia cắt các địa phương và làm gián đoạn dòng chảy thương mại. Với sự trợ giúp của Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi Thảm họa (Global Facility for Disaster Reduction and Recovery – GFDRR) và Ngân hàng Thế giới, Chính phủ đã đạt nhiều thành tích trong quá trình xây dựng một hệ thống giao thông có khả năng kháng cự thiên tai và rủi ro biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã nỗ lực bảo vệ các cộng đồng thuộc các vùng thiên tai và giảm thiểu thiệt hại kinh tế thông qua biện pháp nâng cao khả năng kháng cự thiên tai cho các tuyến đường giao thông nông thôn và đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa lũ.
Trong vòng 20 năm qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã giết chết trên 13.000 người và gây thiệt hại trên 6,4 tỉ USD cho Việt Nam. Trên 70% dân số, nhất là đối tượng nghèo tại khu vực nông thôn và đô thị, bị đe dọa bởi các mối nguy về thiên tai, lũ lụt, và bị cô lập. Nếu đường xá bị phá hủy, sẽ gây khó khăn cho công tác cứu hộ và người dân tại các khu vực bị cô lập sẽ không sơ tán được. Đứt mạch giao thông giữa các vùng và các thành phố cũng làm tắc nghẽn thương mại, gây tác động kinh tế và làm chậm các nỗ lực khôi phục và tái thiết sau thiên tai. Điều đó cũng làm phát sinh thêm chi phí cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và GFDRR đang nghiên cứu và thí điểm nâng cao khả năng kháng cự thiên tai cho các đoạn đường giao thông nông thôn yếu kém, nâng cao khả năng kháng lũ trên Quốc Lộ 1A – tuyến giao thông huyết mạch của cả nước, và giảm thiểu rủi ro bị cô lập cho các địa phương ven biển.
Phương pháp tiếp cận
Cách tiếp cận chính là tập trung vào lồng ghép khả năng kháng cự thiên tai và biến đổi khí hậu trên cả hai cấp độ chính sách và cấp độ đầu tư. Khoản hỗ trợ kỹ thuật 500.000 USD của GFDRR đã giúp lồng ghép khả năng kháng cự thiên tai và biến đổi khí hậu trong ngành giao thông thông qua các dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ với tổng giá trị lên tới trên 1 tỉ USD. Trong các dự án đó tổng chi đầu tư cho mục đích nâng cao khả năng kháng cự thiên tai tại các vùng nguy cơ cao là trên 140 triệu USD. Các hoạt động chính trong đó gồm có:
• Xây dựng đường nông thôn kháng thiên tai tại các vùng nguy cơ, áp dụng các biện pháp tăng cường trong tất cả các khâu từ thiết kế kỹ thuật đến kiểm soát chất lượng và duy tu, bảo dưỡng;
• Nâng cao khả năng kháng thiên tai cho Quốc lộ 1A và xây dựng bộ chuẩn thiết kế khác nhằm giảm rủi ro lũ lụt và thiệt hại kinh tế; và
• Giảm thiểu rủi ro bị cô lập cho các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Bài học kinh nghiệm
Chỉ riêng các biện pháp công trình thì sẽ không đủ để giải quyết rủi ro thiên tai. Cần kết hợp các biện pháp công trình và phi công trình. Cần có một hệ thống thoát nước hiệu quả, nhưng ngoài ra cũng cần thêm các qui định về tiêu chuẩn thiết kế, đặc tính kỹ thuật vật liệu xây dựng, các biện pháp kiểm soát chất lượng, cảnh báo sớm, qui hoạch vùng, quản lý công tác bảo dưỡng và trồng cây xanh ven đường.
Vật liệu làm đường phải đảm bảo tiêu chuẩn và phải được sản xuất tại địa phương. Các cơ quan chức năng đã và đang tiến hành tìm kiếm vật liệu tại chỗ như tre, xi măng, đá và kêu gọi sự tham gia của nhân dân địa phương vào công tác làm đường có khả năng kháng thiên tai. Nếu sử dụng vật liệu kém chất lượng thì chi phí duy tu, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng sẽ tăng lên gấp bội.
Cần có một chiến lược đa ngành về giảm thiểu rủi ro. Các hoạt động trong dự án đòi hỏi một sự phối hợp giữa các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương và người dân. Điều quan trọng là phải tăng cường phối hợp công tác giữa các bộ, ngành và tăng cường tuyên truyền trong giai đoạn sử dụng. Có như vậy thì mới lồng ghép vấn đề kháng cự thiên tai vào chiến lược quốc gia một cách bền vững được.
Các bước tiếp theo
Người dân tại chỗ đã được huấn luyện kỹ thuật bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, giúp họ vừa có thêm thu nhập, vừa góp phần bảo dưỡng tăng khả năng kháng cự thiên tai của đoạn đường trong mùa mưa. Công tác bảo dưỡng thường xuyên, bao gồm trồng cây bảo vệ sườn dốc góp phần giảm thiệt hại trong mùa lũ và tạo ý thức làm chủ cho người dân. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp khác như nâng cao tiêu chuẩn thiết kế, tăng cường công tác quản lý rủi ro lũ lụt, lồng ghép các biện pháp giảm thiểu rủi ro vào chính sách và quyết định đầu tư trong các dự án hiện thời của chính phủ và do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ.