Thách thức
Năng lực cạnh tranh: Để chuyển đổi thành công thành một nước có thu nhập trung bình, Việt Nam cần tăng gái trị gia tăng và giảm phụ thuộc vào lao động giá rẻ. Điều này đòi hỏi mức độ kỹ năng cao hơn hiện nay của lực lượng lao động Việt Nam, mặc dù tỉ lệ nhập học tại các cấp học đều tăng. Mở rộng cơ sở hạ tầng cần được thực hiện cùng với cải thiện đáng kể về hiệu quả và chất lượng để thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng đang gia tăng, cản trở năng lực cạnh tranh.
Tính bền vững: Việt Nam là một trong 5 nước nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, và thiên tai gây tổn thất kinh tế khoảng 1,5% GDP hàng năm. Nhiều người nghèo sống phụ thuộc vào tài nguyên nhưng phương cách khai thác không bền vững đang đe dọa nguồn cung. Đầu tư ít vào cấp nước và vệ sinh môi trường đô thị, xử lý chất thải rắn, quản lý giao thông đã góp phần làm tăng thêm ô nhiễm.
Cơ hội: Có nhiều dấu hiệu cho thấy bất bình đẳng ngày càng tăng. Năm 2010 nhóm dân tộc thiểu số chiếm 65% (năm 2006 là 53%) trong nhóm 10% nghèo nhất. Nếu muốn tăng cường cơ hội sinh kế thì phải thay đổi hệ thống giáo dục và an sinh xã hội, cũng như nâng cấp dịch vụ công thiết yếu.
Giải pháp
Ngân Hàng Thế Giới đề ra một chương trình giúp Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020 tập trung vào phát triển kỹ năng, tăng cường thể chế thị trường, và phát triển hạ tầng cơ sở giúp thành công trong việc đưa Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình. Ngân hàng đã sử dụng nhiều công cụ giúp Việt Nam phát triển đào tạo sau phổ thông trong đó có loạt hỗ trợ chính sách phát triển (DPO).
Ngân hàng cũng tham gia vào ngành năng lượng thông qua nhiều công cụ khác nhau như các khoản đầu tư đi kèm tư vấn và một loạt các DPO hỗ trợ cải cách nhằm phát triển thị trường cạnh tranh khuyến khích đầu tư tư nhân vào ngành điện và thực hiện các biện pháp khuyến khích sử dụng điện hiệu quả.
Nhằm giải quyết vấn đề nghèo và bất bình đẳng, Ngân Hàng Thế Giới đã cấp vốn cho các dự án cấp nước và vệ sinh môi trường, năng lượng, đường giao thông và tăng cường sinh kế nông nghiệp.
Ngân hàng cũng áp dụng các tiếp cận đa ngành trong phát triển đô thị bền vững, thông qua cấp vốn cho các dự án cấp nước và vệ sinh môi trường, giao thông và nâng cấp hạ tầng. Ngân Hàng Thế Giới đã hỗ trợ tăng cường năng lực giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu nhằm tăng cường chuẩn bị sẵn sàng trước thảm họa và giảm thiểu rủi ro. Ngân hàng đã tư vấn chính sách cấp cao về quản lý kinh tế vĩ mô, và trong loạt biện pháp hỗ trợ DPO Ngân hàng cũng đã hỗ trợ cải cách nâng cao hiệu quả và tác động phát triển thông qua công tác lựa chọn, triển khai, quản lý tài chính và theo dõi và đánh giá dự án tốt hơn.