Thách thức
Những thách thức mà Dự án đã gặp phải bao gồm: (a) thiếu vốn đầu tư thay thế sơ sở hạ tầng yếu kém và không theo kịp đà tăng trưởng đô thị nhanh chóng, (b) nước ngập thường xuyên do đường cống thoát nước nhỏ và công tác bảo trì thường xuyên chưa đúng mức, (c) ô nhiễm nước nghiêm trọng, đặc biệt là tại các khu đông dân do không có thu gom và xử lý nước thải, và (d) đơn vị cung cấp dịch vụ công còn yếu.
Công tác thực hiện cũng gặp nhiều thách thức vì:
• Đây là dự án phức tạp về mặt kỹ thuật, phải thi công cống hầm tunel trong điều kiện đất và nước ngầm khó lường.
• Chủ đầu tư không có kinh nhiệm trong các công việc và thủ tục đấu thầu mua sắm của Ngân hàng Thế giới, Ban quản lý dự án thay đổi nhiều lần, chi phí lạm phát phát sinh cao, và một số nhà thầu thực hiện hợp đồng không tốt.
• Công trình nằm trong khu trung tâm có mật độ đông dân cư nhất và đòi hỏi phải quản lý giao thông tốt.
Giải pháp
Trong 20 năm, Nhiêu Lộc – Thị Nghè là dòng kênh đen, bốc mùi và chứa đầy rác. Kể từ năm 2002 dự án đã được thiết kế nhằm giải quyết vấn đề này. Theo đó, phải xây hệ thống cống tunel thu gom nước thải phía dưới kênh dài 8 km và có đường kính 3 m nhằm tăng khả năng thoát nước, đồng thời gia cố bờ kênh và lắp đặt 60 km cống thu nước thải.
Do dự án nằm trong khu trung tâm nên chỉ có thể thi công vào ban đêm. Thêm vào đó lại phải di dời đường ống cấp nước – bao gồm cả đường ống cấp chính với đường kính 2 m, đường điện, điện thoại. Dự án đã thi công đường cống ngầm tunel, chưa từng thực hiện tại Việt Nam trước đây trong điều kiện đất và nước ngầm khó lường.
Do tác động của lạm phát thời kỳ 2007-2008, Ngân hàng Thế giới đã phải phê duyệt bổ sung 90 triệu US$ trong năm 2010.
Kết quả
Dự án có tác động thay đổi bộ mặt thành phố. Nhờ có dự án, 96.000 hộ gia đình (400.000 dân) đã ít bị ngập lụt hơn và 240.000 hộ gia đình (1,2 triệu dân), trong đó hầu hết là người nghèo, nay đã có hệ thống thu gom nước thải tập trung. Cá đã bơi lội trở lại trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, chứng tỏ chất lượng nước đã cải thiện đáng kể.
Trong giai đoạn 2002 – 2012 đã lắp đặt 9 km cống thu nước thải với đường kính từ 2,5 m – 3.0 m bằng công nghệ khoan ngầm kích cống thực hiện lần đầu tại Việt Nam.
Dự án cũng thay thế và kéo dài: i) 51km cống thoát kết hợp cấp 1 và cấp 2; và ii) 375 km cống thoát cấp 3.
Dự án cũng thực hiện: i) nạo vét, vận chuyển và đổ khoảng 1,05 triệu m3 bùn đất nhằm tăng công xuất thủy lực kênh; và ii) gia cố 18 km bờ kênh bằng tấm bản bê tông.