Những Phát hiện chính
Bối cảnh
- Trong những thập kỷ gần đây, dù đạt được thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế, các nước đang phát triển ở Đông Á phải đối mặt với một loạt thách thức để duy trì hiệu quả tăng trưởng:
- Mức tăng năng suất đã giảm kể từ cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu
- Những thay đổi trong thương mại và công nghệ toàn cầu đang đặt ra thách thức cho hoạt động sản xuất theo hướng xuất khẩu vốn là động cơ tăng trưởng chính của các quốc gia
- Đại dịch COVID-19 và các cú sốc khác, bao gồm biến đổi khí hậu, đang làm gia tăng nhanh nhu cầu về các phương thức sản xuất mới.
Để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao trước những thách thức này, các nước trong khu vực cần chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng trong đó đổi mới sáng tạo giữ vai trò chủ đạo.
Thách thức
- Mặc dù khu vực này đã đạt được những thành tựu đáng chú ý, trừ trường hợp Trung Quốc, hầu hết các quốc gia đều kém hiệu quả ở một số chỉ số chính về đổi mới.
- Trong khi các nước này đã thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế tiên tiến trong việc áp dụng công nghệ mới ở bước đầu, họ lại đang tụt hậu trong việc phổ biến và sử dụng rộng rãi các công nghệ đó.
- Hơn nữa, hoạt động đổi mới trong khu vực còn rất thiếu tính đồng nhất – giữa các quốc gia và ngay trong các quốc gia đó, giữa các lĩnh vực và các công ty.
- Hoạt động đổi mới dường như phổ biến trong sản xuất hơn trong ngành dịch vụ, mặc dù dịch vụ ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế của khu vực, trong đó có vai trò làm đầu vào cho hoạt động sản xuất.
- Hầu như các công ty còn chưa đạt tới ranh giới công nghệ cao. chỉ một phần nhỏ các công ty có thể thực hiện các dự án phức tạp hơn, bao gồm việc nghiên cứu phát triển đòi hỏi hàm lượng sáng tạo lớn.
"Đổi mới" theo định nghĩa của chúng tôi
- Khi nói đến đổi mới sáng tạo mọi người thường nghĩ ngay đến các phát minh mang tính đột phá tại ranh giới công nghệ, những đột phá như vậy thường thu hút trí tưởng tượng của các nhà hoạch định chính sách và giới truyền thông.
- Tuy nhiên, báo cáo Đổi mới sáng tạo cho các quốc gia đang phát triển Đông Á định nghĩa đổi mới sáng tạo một cách rộng hơn, bao gồm cả "phát minh" (tức là những hoạt động phát triển nhằm mở rộng ranh giới công nghệ), cũng như "phổ biến" và "áp dụng" các công nghệ và thực tiễn hiện có nhằm mang đến những cải tiến đáng kể trong cách các công ty sản xuất hoặc vận hành. Việc phổ biến và áp dụng phải thực sự phù hợp với năng lực của đại đa số công ty đang hoạt động tại các nước đang phát triển ở Đông Á.
- Điều quan trọng là, việc phổ biến và áp dụng các công nghệ hiện có – chứ không chỉ phát minh sáng chế – có thể gia tăng năng suất đáng kể.
Yếu tố kìm hãm hoạt động đổi mới sáng tạo
Bằng chứng mới cho thấy một số yếu tố cản trở hoạt động đổi mới trong khu vực.
- Các công ty thường thiếu thông tin về công nghệ mới và sự chắc chắn về lợi nhuận khi đầu tư vào dự án đổi mới
- Các công ty thường yếu về năng lực đổi mới bao gồm cả chất lượng quản lý
- Nhân viên công ty thường thiếu các kỹ năng cần thiết để thực hiện hoạt động đổi mới
- Các lựa chọn hỗ trợ tài chính còn hạn chế, cản trở khả năng cấp vốn cho dự án đổi mới của các công ty
- Các chính sách và thể chế về hoạt động đổi mới không phù hợp với năng lực và nhu cầu của các công ty, do các thực trạng sau:
- Ưu tiên phát minh sáng chế hơn là phổ biến và áp dụng
- Ưu tiên đổi mới trong sản xuất hơn là đổi mới trong dịch vụ
- Mối liên kết giữa các viện nghiên cứu cấp quốc gia và các công ty ở khu vực tư nhân vẫn còn yếu, các cơ chế khuyến khích hợp tác giữa viện nghiên cứu với ngành cũng vậy.
Điều cần làm để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực
Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn – về cả việc phổ biến lẫn phát minh – các nhà hoạch định chính sách quốc gia cần:
- Định hướng lại các mục tiêu của chính sách về đổi mới sao cho:
- Thúc đẩy hoạt động phổ biến và áp dụng các công nghệ hiện có, chứ không chỉ phát minh công nghệ mới
- Hỗ trợ hoạt động đổi mới trong các lĩnh vực dịch vụ, chứ không chỉ riêng sản xuất
- Đầu tư xây dựng năng lực đổi mới của các công ty
Mục tiêu chính của chính sách về hoạt động đổi mới phải là tăng số lượng công ty tham gia vào hoạt động đổi mới ở bất kỳ hình thức nào – phổ biến, áp dụng, phát minh – và tăng dần tỷ trọng công ty chuyển đổi từ hoạt động áp dụng công nghệ sang các hình thức đổi mới phức tạp hơn.
- Đẩy mạnh các yếu tố bổ sung chính cho hoạt động đổi mới, bao gồm:
- Phát triển kỹ năng của học sinh, sinh viên và người lao động cho hoạt động đổi mới – bằng cách trang bị kỹ năng nền một cách vững chắc hơn cũng như các kỹ năng nâng cao về nhận thức, kỹ thuật và cảm xúc xã hội
- Hỗ trợ tài chính tốt hơn cho hoạt động đổi mới thông qua việc tiếp tục phát triển sâu thị trường vốn và các công cụ tài chính đa dạng hơn để hỗ trợ đổi mới
- Nâng cao chất lượng quản lý
- Cải cách thể chế và cơ quan quản lý về đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực thông qua:
- Tăng cường năng lực thể chế để thiết kế và thi hành các chính sách về đổi mới
- Cải thiện hoạt động quản trị của các thể chế và cơ quan quản lý về đổi mới sáng tạo thông qua phối hợp liên ngành
- Đẩy mạnh mối liên kết giữa các viện nghiên cứu và công ty, bao gồm các cơ chế khuyến khích hợp tác giữa viện nghiên cứu với thị trường
Các quốc gia đang phát triển ở Đông Á được đề cập trong nghiên cứu này bao gồm 10 nước có thu nhập trung bình: Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.