Skip to Main Navigation
Diễn văn và Bản ghi chép 29 Tháng 9 Năm 2020

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk: Bài phát biểu Khai mạc Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020

Kính thưa ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư!

Kính thưa các vị lãnh đạo các bộ ban ngành của Chính phủ, các tỉnh thành phố và cộng đồng doanh nghiệp!

Kính thưa các vị Đại sứ, Trưởng phái đoàn và các Đối tác phát triển!

Kính thưa các quý vị!

Xin chào!

Tôi rất vinh dự được thay mặt các Đối tác Phát triển đồng chủ trì Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ ba. Cùng với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tôi xin nhiệt liệt chào mừng tất cả các quý vị đến tham dự sự kiện quan trọng này. Tôi xin trân trọng cảm ơn Chính phủ Úc đã tài trợ cho việc tổ chức hội nghị này.

Tôi cũng rất phấn khởi khi được quay trở lại Việt Nam, nơi tôi đã sống và làm việc tại nhiều cơ quan phát triển, trong đó có Ngân hàng Thế giới trong 15 năm từ năm 1993 đến năm 2008. Tôi biết rằng Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam bắt nguồn từ chuỗi các Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ trước đây, mà tôi đã có nhiều cơ hội được đóng góp. Cho phép tôi khẳng định cam kết mạnh mẽ của tôi với tư cách là Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong việc củng cố Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam mà đã được chứng minh là một diễn đàn hiệu quả để trao đổi ý kiến ​​và thảo luận các giải pháp nhằm giải quyết những thách thức phát triển của Việt Nam trong thời gian qua.

Kính thưa Bộ trưởng Dũng, thưa các quý vị!

Thế giới đang thay đổi. Việt Nam cũng đã thay đổi. Ngày nay, thế giới phải đối mặt với điều mà có thể coi là cú sốc lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Do đó, trước tiên tôi muốn được chúc mừng Chính phủ Việt Nam về những thành tích nổi bật trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19. Trong khi các quốc gia khác vẫn đang gặp nhiều khó khăn, Việt Nam đã có thể kiểm soát đại dịch với số ca nhiễm bệnh và tử vong rất ít. Cách thức quản lý đặc biệt của Chính phủ để xử lý cuộc khủng hoảng y tế đã được quốc tế công nhận và một lần nữa lại có hiệu quả trong việc ngăn chặn làn sóng thứ hai ở thành phố Đà Nẵng trong những tuần gần đây.

Nhưng tất cả chúng ta đến với diễn đàn hôm nay với nhiều lo ngại về tác động ngắn hạn và dài hạn của đại dịch COVID-19 đối với cuộc sống của chúng ta. Chúng ta lo lắng về những bất ổn mà mình phải đối mặt vì đại dịch đã ảnh hưởng đến cách chúng ta làm việc, di chuyển và giao tiếp. May mắn là luôn xuất hiện cơ hội trong khủng hoảng. Chúng ta ở đây để cùng nhau tìm ra giải pháp để Việt Nam có thể tìm kiếm và khai thác các cơ hội từ hai xu hướng lớn xuất hiện từ dịch COVID-19: thứ nhất là những thay đổi trong hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu và thứ hai là sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc.

Hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận về những việc Việt Nam sẽ cần phải làm để nâng cao vị thế của mình trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là bằng cách thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới có chất lượng cao và tiến lên trên chuỗi giá trị. Đối với tôi, và tôi hy vọng các quý vị cũng sẽ đồng ý với tôi, thách thức đối với Việt Nam không nhất thiết phải là thu được dòng vốn FDI lớn hơn mà là tối đa hóa tác động của nó đối với nền kinh tế trong nước thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực.

Chúng ta cũng sẽ tìm ra cách để Việt Nam có thể chuyển mình trong nền kinh tế số hoặc không tiếp xúc. Đất nước đã bắt tay vào chuyển đổi số nhưng có thể và cần phải làm nhiều việc hơn thế. Ngày mai con em chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà hầu hết các dịch vụ (như giáo dục và y tế) và hàng hóa sẽ được giao dịch qua mạng. Chính phủ phải đẩy mạnh quá trình này thông qua việc đẩy mạnh Đề án thẻ căn cước điện tử quốc gia, phát triển các cổng dịch vụ công quốc gia ở tất cả các cấp, xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin. Các quy định để thúc đẩy và tạo ra một hệ thống sinh thái cho thanh toán kỹ thuật số và tài chính toàn diện là những nền tảng quan trọng cho nền kinh tế không tiếp xúc mới nổi này.

Hai xu hướng này được cho là không hoàn toàn mới, nhưng đã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều từ khi chúng ta phải đối mặt với dịch COVID-19. Chính vì sự tăng tốc này, các xu hướng đó cũng tạo ra một cảm giác cấp bách mới. Do vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng thành công không chỉ phụ thuộc vào khả năng chỉ ra được những việc cần làm, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức thực hiện. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích to lớn trong việc thực hiện một số ưu tiên chính sách của đất nước, nhưng kết quả trong một số lĩnh vực khác lại không được như vậy. Khi Việt Nam bước vào quá trình thực hiện chiến lược phát triển mới cho giai đoạn 2021-2030, việc quản lý hiệu quả cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể được sử dụng như một hình mẫu để nhân rộng trong nhiều lĩnh vực chính sách quan trọng đối với Việt Nam nhằm đáp ứng khát vọng phát triển của đất nước, bao gồm các lĩnh vực mà chúng ta sẽ thảo luận hôm nay. Giống như dịch COVID-19, việc thực hiện hiệu quả các cải cách chính sách trong các lĩnh vực thương mại toàn cầu và kinh tế số sẽ đòi hỏi sự cam kết, ở cấp độ từng cá nhân và cả tập thể, cũng như năng lực và động lực để phối hợp, thử nghiệm và đổi mới.

Kính thưa Bộ trưởng Dũng, thưa các quý vị!

Cho phép tôi kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời cảm ơn chân thành đến tất cả các đại biểu, các diễn giả, đặc biệt là những người đang kết nối qua mạng từ các múi giờ lệnh rất nhiều so với Việt Nam, đã sắp xếp lịch công tác bận rộn của mình để tham gia diễn đàn của chúng ta ngày hôm nay. Sự hiện diện của quý vị thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ trong việc chia sẻ ý tưởng, cùng nhau suy nghĩ, tìm ra giải pháp và hành động cụ thể cho các chương trình nghị sự về phát triển của Việt Nam.

Kính chúc các quý vị có buổi thảo luận hiệu quả và thành công.

Xin cảm ơn!

Api
Api