Tôi xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chính Phủ Việt Nam đã mời tôi tham gia buổi giới thiệu Báo Cáo Việt Nam 2035. Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn tất cả các chuyên gia đã cùng nhau làm việc rất xuất sắc để chuẩn bị báo cáo này cũng như tất cả mọi người tham dự cùng chúng tôi ngày hôm nay. Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Chính Phủ Úc, vương quốc Anh, và Hàn Quốc, vì những đóng góp và hỗ trợ to lớn về tài chính và nghiên cứu.
Đây là một tài liệu rất quan trọng – cho Việt Nam cũng như cho mối quan hệ của Nhóm Ngân Hàng Thế Giới với Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Tôi đã đến Hà Nội để tham gia buổi công bố này để nhấn mạnh sự cam kết sâu sắc của chúng tôi với tương lai phát triển của Việt Nam cũng như học hỏi từ những kinh nghiệm mà Việt Nam đã trải qua.
Những thành tựu phát triển của Việt Nam hơn 25 năm qua thật nổi bật. Trong suốt giai đoạn phát triển này, cuộc sống của người dân Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Chúng tôi đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình gần 7%, điều này cho phép Việt Nam, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trong những năm của thập kỷ 80, nhảy vọt lên trở thành nước có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Một thành tựu nổi bật đặc biệt là Việt Nam đã giảm tình trạng đói nghèo cùng cực từ 50% khoảng 25 năm trước xuống chỉ còn 3% hiện nay.
Thực tế rằng Việt Nam không ngủ quên trên thành công trong quá khứ của mình, và muốn đưa đất nước này phát triển hơn nữa thông qua việc thực hiện báo cáo này, đã cho thấy quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo đất nước này.
Gần 2 năm trước – vào tháng 7 năm 2014 – tôi đã gặp Thủ tướng Dũng ở đây tại Hà Nội. Ông đã mời Nhóm Ngân hàng Thế giới làm việc với Chính phủ Việt Nam để chuẩn bị một báo cáo có thể xác định được các nguyện vọng lâu dài của Việt Nam và đề xuất một chương trình cải cách để đạt được những tham vọng này. Sau đó thủ tướng đã thành lập một Ban Chỉ đạo cấp cao có nhiệm vụ giám sát quá trình chuẩn bị báo cáo này. Trong 19 tháng kể từ đó, các chuyên gia của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia nước ngoài khác đã làm việc rất siêng năng để cho ra sản phẩm chất lượng cao mà chúng tôi đang công bố ngày hôm nay.
Đóng góp một phần trong quá trình thực hiện báo cáo này là một vinh dự đối với Nhóm Ngân hàng Thế giới. Chúng ta muốn chứng kiến sự sản sinh và chuyển giao tri thức như là một động lực trong quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam. Trên thực tế, chúng ta thấy việc trao đổi kiến thức trở nên ngày càng quan trọng hơn khi Việt Nam chuyển hướng trở thành một xã hội thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ hơn – những nguyện vọng này được phản ánh trong báo cáo Việt Nam 2035.
Báo cáo Việt Nam 2035 nhận định một đất nước Việt Nam thành công sẽ như thế nào trong vòng ít hơn 20 năm tới, và những cải cách về thể chế và chính sách nào cần được thực hiện để đạt được điều đó.
Những nguyện vọng riêng của đất nước đến năm 2035 đã được viết ra trong Hiến pháp của Việt Nam, trong đó đặt mục tiêu "một đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, và văn minh.” Ẩn chứa trong đó là mong muốn rằng đến năm 2035, Việt Nam sẽ là một đất nước hiện đại và công nghiệp hóa, hướng tới mục tiêu này. Những nguyện vọng này đặt ở trên ba trụ cột: Một, cân bằng sự thịnh vượng về kinh tế với phát triển bền vững về môi trường; hai, thúc đẩy bình đẳng và hòa nhập xã hội; và ba, tăng cường năng lực và trách nhiệm của nhà nước.
Sự tăng trưởng nhanh chóng cần thiết để đạt được những nguyện vọng này sẽ được thực hiện chỉ khi năng suất lao động tăng nhanh hơn và các tác động môi trường được giải quyết đầy đủ. Tăng năng suất sẽ đến từ các biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, gặt hái những lợi ích của đô thị lớn, và nuôi dưỡng một nền kinh tế theo hướng sáng tạo và đổi mới.
Duy trì những kết quả mà Việt Nam đã đạt được về bình đẳng và hòa nhập xã hội sẽ đòi hỏi thêm hỗ trợ cho các nhóm yếu thế – cụ thể là các dân tộc thiểu số - và các dịch vụ được cung cấp một cách hiệu quả trong một xã hội trung lưu đang lão hóa và đô thị hóa. Để đáp ứng những nguyện vọng của đất nước, các cơ quan quản lý sẽ cần phải trở nên hiện đại, minh bạch, và phải thực sự vận hành trên nền tảng các quy định của pháp luật.
Tất nhiên vẫn còn đó những thách thức. Tăng năng suất lao động đã giảm trong hơn một thập kỷ qua, điều đó phản ánh sự yếu kém trong khu vực doanh nghiệp trong nước. Áp lực đè ngày càng nặng lên môi trường, có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của tăng trưởng kinh tế. Một số nhóm yếu thế không được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các cơ quan quản lý đang vật lộn để theo kịp với những đòi hỏi của một nền kinh tế thị trường năng động và những nguyện vọng của một tầng lớp trung lưu ngày càng lớn.
Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng báo cáo này vạch ra lộ trình nhằm giải quyết những thách thức này và sẽ giúp đất nước đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa. Chúng ta cũng nhận thấy những lợi ích khác. Nhiều quốc gia có thể học hỏi từ những thành tựu trong quá khứ của Việt Nam cũng như những quyết sách của đất nước này trong những năm tới. Những bài học từ Việt Nam bao gồm sự chú trong theo đường lối thị trường và nắm bắt các cơ hội của hội nhập toàn cầu; chú trọng sớm và mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực; và vận dụng một cách chiến lược các cam kết quốc tế để mở ra những cải cách cơ cấu chính trị đầy khó khăn.
Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam và Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh vì sự chỉ đạo mạnh mẽ cho quá trình chuẩn bị báo cáo Việt Nam 2035, và sự sáng suốt, hiểu biết của các ngài giúp cho việc định hình nên nội dung của báo cáo này. Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các nhóm công tác vì sự hợp tác tuyệt với của họ, điều này giúp hoàn thiện báo cáo này. Vì Việt Nam sẽ bước vào những cải cách đầy tham vọng trong tương lai mà các nước khác sẽ chứng kiến và học tập, tôi tin tưởng một cách chắc chắn rằng báo cáo Viêt Nam 2035 sẽ là một tài liệu quý giá giúp Việt Nam - một đất nước vốn đã có nhiều thành tựu trong một phần tư thế kỷ vừa qua - đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian tới. Xin trân trọng cảm ơn nhiều.