Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
Thưa Bộ trưởng Bùi Quang Vinh,
Thưa các vị Bộ trưởng,
Thưa các vị Đại sứ, Trưởng các cơ quan phát triển,
Thưa các thành viên Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam,
Chào mừng và giới thiệu
Tôi xin phép cùng Bộ trưởng Vinh chào mừng tất cả các quí vị đến dự Diễn đàn VDPF 2015 hôm nay. Thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chúng tôi biết rằng hiện nay đang là thời điểm bận rộn đối với Chính phủ, và đặc biệt là đối với Ngài. Cảm ơn Ngài đã thu xếp thời gian đến dự Diễn đàn ngày hôm nay.
VDPF 2015 diễn ra trên nền hai sự kiện quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong thời gian 5 năm sắp tới và sau đó: mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ Chương trình nghị sự cho 15 năm tới và làn sóng hội nhập thương mại chưa từng có đối với Việt Nam, được đánh dấu bởi một số hiệp định thương mại song phương và ba hiệp định thương mại đa phương gồm AEC, EUFTA và TPP.
Việt Nam đã hoàn thành 5 năm đầu tiên trong Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 2011-2020 và đang chuẩn bị cho các quyết định mang tính chiến lược và chính trị quan trọng, trong đó đề ra những định hướng ưu tiên cho nửa sau của Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 2011-2020 và vạch ra hướng phát triển cho ban lãnh đạo Đảng và Chính phủ mới nhận nhiệm vụ vào đầu năm sau. Những sự chuyển tiếp bên ngoài và bên trong này cần phải và có thể hỗ trợ lẫn nhau nhằm mang lại kết quả phát triển tốt đẹp cho Việt Nam trong 5 năm tới.
Thành tích đạt được trong 5 năm qua
5 năm qua là giai đoạn quan trọng xét về nhiều mặt. Trước hết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra phương hướng chiến lược chung cho Việt Nam. Văn kiện này tập trung vào Thể chế thị trường hiện đại qua đó khẳng định sự cần thiết phải tiến hành một đợt đổi mới lần hai nhằm hoàn thành quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam; chiến lược này đã rất đúng đắn khi thừa nhận những thách thức lớn lao đối với công cuộc xây dựng năng lực cạnh tranh với xuất phát điểm là một hạ tầng yếu kém và tập trung vào xóa bỏ những thiếu hụt về hạ tầng; chiến lược cũng thể hiện quan điểm lấy con người làm trung tâm trong Trụ cột nguồn vốn con người mà trong đó vai trò của kĩ năng trong quá trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, hội nhập và giảm nghèo đã được công nhận.
Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong mỗi trụ cột chiến lược và đạt kết quả phát triển chung. Tốc độ tăng trưởng bình quân gần đạt 6% trong thời gian qua trong khi các nước trong khu vực đạt 5,6% làm cho qui mô nền kinh tế tăng gần gấp đôi, và hiện nay đạt khoảng 200 tỉ USD. Thu nhập bình quân đầu người tăng 4,8% hàng năm, hiện nay đạt 2.200 USD.
Tỉ lệ nghèo giảm mạnh. Theo chuẩn của Tổng cục Thống kê – Ngân Hàng Thế Giới, tỉ lệ nghèo nói chung đã giảm từ 20,7% năm 2010 xuống còn 13,5% năm 2014, hay nói cách khác, trong vòng 5 năm đã có trên 6 triệu người thoát nghèo. Tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em liên tục giảm. Tương tự, tỉ lệ trẻ còi xương giảm từ 29,3% xuống còn 24,9%. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế cũng tăng từ 60% năm 2010 lên 71% dân số năm 2015.
Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi đi học mầm non đạt 95,0%. Học sinh Việt Nam cũng đạt thành tích cao trong kì trắc nghiệm học sinh quốc tế (PISA) 2012. Kết quả môn toán và đọc của học sinh trong độ tuổi 15 của Việt Nam cao hơn nhiều nước OECD.
Về xây dựng hạ tầng trên 500 km đường cao tốc đã đi vào khai thác (gồm đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long thành – Dầu giây, thành phố Hồ Chí Minh – Trung lương, Nội bài – Lào cai, Cầu giẽ - Ninh bình, và Hà nội – Hải phòng); dự án mở rộng 1.700 km trên quốc lộ 1A thành 4 làn sắp hoàn thành và sẽ giúp giảm bớt mật độ giao thông trên trục giao thông chính của cả nước và giảm bớt tai nạn rủi ro. Khoảng 1.000 km đường thủy nội địa cũng đã được cải tạo, nhất là trên đoạn có mật độ cao trên kênh Chợ Gạo nối thành phố Hồ Chí Minh với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Công suất phát điện đã tăng từ 19 GW lên 32,7 GW, và trên 820.000 hộ gia đình (trên 3 triệu người) sống tại vùng nông thôn đã được kết nối với điện lưới. Năm 2012 thị trường phát điện cạnh tranh đã đi vào hoạt động đầy đủ; thị trường bán buôn điện cũng được thực hiện thí điểm năm 2015. Năm 2014, một nghị định về PPP đã ban hành và nay đã có hiệu lực, qua đó đã tạo cơ sở cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng.
Trên lĩnh vực Thể chế thị trường, Hiến pháp 2013 và một loạt các luật quan trọng khác đã được thông qua, trong đó có thể kể đến luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật phá sản, luật đấu thầu, luật ngân sách nhà nước, luật đất đai, luật nhà ở, và luật quản lí và sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Những luật này ra đời đã góp phần củng cố bộ khung pháp lí vững chắc giúp nền kinh tế thị trường vận hành tốt. Thách thức sắp tới sẽ là thực hiện luật một cách nghiêm túc.
Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhân dịp Việt Nam kết thúc thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 2011-2015 các đối tác phát triển chúc mừng Ngài và Chính phủ Việt Nam đã đạt nhiều thành tích và liên tục đạt tiến bộ trong 5 năm qua.
Gợi ý một số lĩnh vực ưu tiên trong 5 năm tới
Đối với giai đoạn 5 năm sắp tới các định hướng cơ bản đề ra trong Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội vẫn còn giá trị. Hi vọng rằng buổi thảo luận hôm nay sẽ cho chúng ta một số gợi ý về các lĩnh vực mà chính phủ cần lưu tâm hơn nhằm tận dụng tối đa lợi ích mà khung phát triển toàn cầu mới và quá trình hội nhập của Việt Nam mang lại. Tôi xin phép nêu một số vấn đề lớn như sau:
Thứ nhất là Thách thức về năng suất lao động. Mấy năm gần đây Việt Nam đã phục hồi tăng trưởng khá tốt sau giai đoạn suy thoái toàn cầu. Nhưng xu thế mức tăng năng suất lao động giảm dần là vấn đề đáng quan ngại. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5% vào thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay. Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quĩ đạo như các nước Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc).
Điều cần làm để đối phó với tình trạng giảm mức tăng năng suất lao động hiện nay là tạo ra một khuôn khổ cho một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Chương trình nghị sự cải cách thể chế thị trường của Việt Nam cần đẩy mạnh đáng kể thì mới có thể đạt được mục tiêu này. Ngoài ra, cần thực hiện tiếp cận đất và vốn dựa trên thị trường hơn nữa nhằm đảm bảo rằng nguồn lực được phân bổ cho đúng mục đích sử dụng hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất. Cần tạo điều kiện hình thành và vận hành trôi chảy một thị trường đất đai. Nếu làm được điều đó thì đây sẽ là một thành tích đáng kể, mang lại ích lợi to lớn về kinh tế và xã hội cho người dân có thể đưa vào tổng kết khi kết thúc thực hiện kế hoạch.
Vấn đề không kém quan trọng nữa là phân tách rạch ròi giữa hoạt động quản lí và hoạt động thương mại của nhà nước bằng cách thay đổi vai trò của nhà nước từ một nhà sản xuất sang vai trò kiến tạo và quản lí. Chính phủ cũng cần phải rút khỏi các lĩnh vực mà chính phủ không cần thiết tham gia, nhằm tạo khoảng trống cho doanh nghiệp tư nhân nhập cuộc. Quyết định thoái vốn hoàn toàn khỏi VINAMILK là bước đi theo hướng này; nếu thực hiện tiếp các bước tương tự, mức độ tín nhiệm của Chính phủ về cải cách sẽ được nâng lên. Tất cả những hành động như vậy sẽ giúp hình thành một khu vực kinh tế tư nhân năng động mà nhà nước coi là một mục tiêu quan trọng trong thời gian tới.
Vấn đề lớn thứ hai là dấu chân môi trường trong tăng trưởng của Việt Nam. Trong 5 năm vừa qua mức độ phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã tăng nhanh nhất trong khu vực. Cần chú ý đến xu thế trong ngành năng lược. Thủy điện chiếm 42% tổng công suất nhưng tiềm năng thủy điện nay đã khai thác gần hết. Cần xây dựng một khung ưu đãi đầu tư vào các nguồn năng lượng tái sinh như gió, khí đốt hoặc mặt trời, thực hiện đồng thời với tăng cường tiết kiệm điện. Như vậy sẽ thúc đẩy bền vững năng lượng và giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu 8% INDC. Các đối tác phát triển sẵn sàng giúp Việt Nam đạt được kết quả thậm chí còn tốt hơn mức này. Nhưng trước hết chính phủ phải hành động về mặt chính sách và khung thể chế.
Lĩnh vực thứ ba liên quan đến tình trạng nghèo và phúc lợi xã hội. Mặc dù đã đạt nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều người nghèo. Vấn đề phúc lợi cho nhóm người thiểu số cũng đạt tiến bộ không đánh kể. Mức giảm nghèo trong nhóm người thiểu số giai đoạn 2012-2014 khá khiêm tốn. Thực tế, số liệu mới nhất cho thấy tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh trong nhóm thiểu số đã tăng nhẹ trở lại. Những diễn biến đó cho thấy cần gấp rút đề ra một chương trình nghị sự mới giải quyết tình trạng nghèo trong nhóm thiểu số. Chương trình Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nếu được thiết kế đúng đắn, cho phép phân quyền xuống đến xã và áp dụng cách tiếp cận nhất quán giữa các chương trình thì sẽ tạo chuyển biến lớn.
Cải cách hưu trí ngày càng trở nên quan trọng. Tài liệu gần đây của Ngân Hàng Thế Giới cho thấy hệ thống hưu trí Việt Nam có mức độ tổn thương cao nhất trong khu vực. Trong khi đó dân số Việt Nam lại đang già hóa nhanh chóng, nhanh hơn bất kì nước nào khác trong khu vực, kể cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy mới thực hiện cải cách gần đây nhưng hệ thống hưu trí của Việt Nam vẫn chưa bền vững về tài chính vì nhiều lí do, trong đó có lí do tuổi về hưu thấp. Cần nhanh chóng tiến hành cải cách thì mới có thể đảm bảo công bằng, bền vững tài chính và tránh tạo ra một tầng lớp người nghèo cao tuổi.
Vấn đề cuối cùng là năng lực và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Nền kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp trong những năm tới, vì vậy đòi hỏi nhà nước phải có năng lực và trách nhiệm giải trình cao hơn thì mới quản lí được. Vấn đề mấu chốt ở đây là phải có một bộ máy hành chính công chuyên nghiệp. Quá trình cải cách hành chính công kéo dài của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa cho thấy kết quả rõ nét. Có lẽ cần xem xét vấn đề lại và xốc lại quyết tâm thì mới có thể thành công được. Cho phép người dân phản hồi thường xuyên và thực chất trong quá trình hoạch định và theo dõi thực hiện chính sách sẽ giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của chính phủ.
Câu hỏi cuối cùng là Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới. Hiện nay, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Nhưng tỉ lệ thu trên GDP đã thể hiện xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%. Tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Ngoài ra, nguồn vốn ODA cũng phải được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân.
Thưa Thủ tướng, thưa các vị đại biểu,
Tôi tin rằng chúng ta có nhiều vấn đề thú vị và thích hợp để thảo luận sáng nay. Để buổi thảo luận hiệu quả nhất, tôi hi vọng chúng ta phát biểu tập trung và cô đọng và dành thời gian cho người khác tham gia ý kiến.
Hi vọng chúng ta sẽ có một buổi đối thoại hiệu quả.