Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ13 Tháng 3 Năm 2023

Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,3% năm 2023, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2023 — Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ hạ còn 6,3% trong năm 2023, sau khi đạt mốc cao 8% vào năm trước, do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình, theo nhận định tại báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới công bố ngày hôm nay.

Tăng trưởng dự kiến sẽ lên 6,5% vào năm 2024 khi các nền kinh tế đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi, báo cáo cho biết.

Triển vọng của Việt Nam phản ánh những bất định gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Rủi ro theo hướng suy giảm bao gồm tăng trưởng yếu hơn dự kiến ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro, điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, lạm phát trong nước gia tăng, bảng cân đối tài sản của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình đang bộc lộ những yếu kém, và khu vực tài chính đang có nguy cơ dễ tổn thương.

Khó khăn ở trong nước và nước ngoài đòi hỏi phải ứng phó chính sách theo hướng thận trọng, và dựa vào bằng chứng, dữ liệu, theo nội dung báo cáo. Trong đó bao gồm quản lý chặt liên hệ giữa trăng trưởng và lạm phát, và giám sát chắc khu vực tài chính. Thuận lợi bao gồm việc phục hồi tăng trưởng toàn cầu có thể nhanh hơn dự kiến và nâng xuất khẩu, và vì vậy tăng trưởng có thể cao hơn dự tính cơ sở.

Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác,” đó là ý kiến của bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. “Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế, và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả.”

Chuyên đề đặc biệt của báo cáo về khu vực dịch vụ của Việt Nam chỉ ra bốn nội dung cải cách có thể mở ra tiềm năng để khu vực này đem lại thêm nhiều việc làm và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng. Để có thể hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững, theo nội dung chuyên đề đặc biệt tại "Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng." Điều đó bao hàm phải thực hiện những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và nông nghiệp.

Khu vực dịch vụ của Việt Nam đang có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế, đồng thời thu hút ngày càng nhiều lao động, và năng suất lao động cũng đang tăng lên trong thập kỷ qua kể từ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả đạt được của Việt Nam trong khu vực dịch vụ còn chưa bắt nhịp được với các quốc gia so sánh như Ma-lay-xia, Phi-líp-pin và In-đô-nê-sia.

Kim ngạch xuất khẩu của những lĩnh vực dịch vụ giàu hàm lượng tri thức và đòi hỏi kỹ năng cao, được gọi là "dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu", chỉ chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ, và các lĩnh vực đó chỉ đóng góp 6,4% việc làm trong toàn khu vực dịch vụ, bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính và dịch vụ hành nghề chuyên môn, là những lĩnh vực dịch vụ có năng suất cao nhất trong nền kinh tế. Nguyên nhân ảnh hưởng đến năng suất bao gồm quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, những rào cản về thương mại dịch vụ, tỷ lệ áp dụng công nghệ thấp, thiếu kết nối với các ngành, lĩnh vực khác, cho thấy còn nhiều điều cần được cải thiện thông qua các hành động chính sách phù hợp.

  • Để đẩy nhanh tăng trưởng trong khu vực này, Việt Nam cần cân nhắc:
  • Xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước;
  • Khuyến khích áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình;
  • Tăng cường năng lực và kỹ năng cho người lao động và cán bộ quản lý;
  • Tập trung vào những dịch vụ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực khác, cụ thể là các lĩnh vực chế tạo chế biến.

Điểm lại là báo cáo bán niên cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ: 2023/048/EAP

Liên lạc

Hà Nội
Lê Thị Quỳnh Anh
(+84-24) 3937-8362

Blogs

    loader image

TIN MỚI

    loader image