Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ 11 Tháng 1 Năm 2022

Tăng trưởng kinh tế chậm dự báo sẽ kéo dài tới năm 2023, gia tăng nguy cơ “hạ cánh cứng” ở các nền kinh tế đang phát triển

Các biến thể COVID-19 lan rộng, kết hợp với lạm phát, nợ và bất bình đẳng đã và đang làm gia tăng bất ổn

WASHINGTON, ngày 11 tháng 1 năm 2022 — Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 đang bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái rõ rệt trong bối cảnh các mối đe dọa mới từ các biến thể COVID-19 và sự gia tăng lạm phát, nợ và bất bình đẳng thu nhập. Điều này có thể sẽ cản trở khả năng phục hồi của các nền kinh tế đang phát triển. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo ​​sẽ giảm sâu từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% năm 2022 và 3,2% vào năm 2023 khi các nhu cầu trước đây bị dồn nén giảm đi và các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ sẽ thu hẹp lại trên toàn thế giới.

Tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron cho thấy đại dịch có khả năng sẽ tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc cũng giảm tốc đáng kể, ảnh hưởng đến cầu bên ngoài của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Đến thời điểm chính phủ các nước đang phát triển không còn dư địa chính sách để hỗ trợ kinh tế nếu cần, thì các làn sóng dịch COVID-19 mới, những điểm nghẽn cố hữu trong chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát, và tình trạng bất ổn về tài chính leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới có thể làm gia tăng nguy cơ “hạ cánh cứng”.

“Nền kinh tế thế giới đang cùng lúc phải đối phó với đại dịch COVID-19, lạm phát và sự bất định của chính sách, trong khi chi tiêu công và chính sách tiền tệ đang trong bối cảnh chưa có tiền lệ. Bất bình đẳng gia tăng và những thách thức về vấn đề an ninh sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với các nước đang phát triển. Để hỗ trợ các quốc gia tăng trưởng trong điều kiện thuận lợi cần quốc tế phải hành động đồng bộ và có các biện pháp ứng phó chính sách quốc gia toàn diện,” Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass phát biểu.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ đi kèm với gia tăng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Tốc độ tăng trưởng các nền kinh tế tiên tiến dự kiến ​​sẽ giảm từ 5% năm 2021 xuống còn 3,8% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023, nếu điều tiết phù hợp tốc độ này sẽ đủ để khôi phục sản lượng và đầu tư ở các nền kinh tế này về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng dự kiến ​​sẽ giảm từ 6,3% năm 2021 xuống 4,6% năm 2022 và 4,4% năm 2023. Đến năm 2023, dự báo tất cả các nền kinh tế tiên tiến có thể khôi phục sản xuất hoàn toàn; tuy nhiên sản xuất ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn thấp hơn 4% so với mức trước đại dịch. Đối với nhiều nền kinh tế dễ bị tổn thương, khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn: sản lượng của các nền kinh tế dễ tổn thương và bị ảnh hưởng bởi xung đột sẽ thấp hơn 7,5% so với xu thế trước đại dịch và sản lượng của các quốc đảo nhỏ sẽ thấp hơn 8,5%.

Trong khi đó, tình trạng lạm phát gia tăng, kéo theo ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người lao động thu nhập thấp, lại đang gây cản trở đối với chính sách tiền tệ. Tỉ lệ lạm phát thế giới và tỉ lệ lạm phát ở các nước phát triển đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008. Tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, lạm phát cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Do đó nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đang thu lại chính sách hỗ trợ để kiềm chế áp lực lạm phát, trong khi nền kinh tế còn rất lâu mới có thể phục hồi.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất đưa ra các phân tích theo lĩnh vực, cung cấp những nhận định mới về ba trở ngại đang đe dọa khả năng phục hồi bền vững ở các nền kinh tế đang phát triển. Trong lĩnh vực nợ - lĩnh vực đầu tiên, báo cáo đã so sánh sáng kiến ​​quốc tế mới nhất nhằm giải quyết nợ không bền vững ở các nền kinh tế đang phát triển - Khuôn khổ Chung G20 - với các sáng kiến ​​phối hợp trước đó để hỗ trợ xóa nợ. Cần lưu ý rằng đại dịch COVID-19 đã đẩy tổng nợ toàn cầu lên mức cao nhất trong vòng 50 năm qua trong khi bức tranh chủ nợ ngày càng trở nên phức tạp, do đó các sáng kiến phối hợp về xóa nợ trong tương lai sẽ gặp nhiều trở ngại hơn. Việc áp dụng các bài học từ những lần cơ cấu nợ trước đây vào Khuôn khổ Chung G20 có thể sẽ tăng hiệu quả cho sáng kiến này và tránh được vấn đề mà các sáng kiến ​​trước đó gặp phải.

Mari Pangestu, Tổng Giám Đốc điều hành Chính sách phát triển và Quan hệ đối tác của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Những quyết sách của các nhà hoạch định chính sách trong vài năm tới sẽ quyết định tiến trình phát triển của thập kỷ tới. Ưu tiên trước mắt là đảm bảo triển khai vắc xin rộng rãi và công bằng hơn để có thể kiểm soát được đại dịch. Nhưng để giải quyết những bước thụt lùi trong tiến trình phát triển như tình trạng bất bình đẳng gia tăng, cần phải có hỗ trợ lâu dài. Trong giai đoạn tỉ lệ nợ tăng cao, hợp tác toàn cầu sẽ là điều cần thiết để giúp tăng nguồn lực tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển để các nền kinh tế này có thể đạt được sự phát triển xanh, bền vững và bao trùm”.

Lĩnh vực phân tích thứ hai của báo cáo nghiên cứu về tác động của chu kỳ kinh tế bong bóng – vỡ đối với giá cả hàng hóa ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, là các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa. Báo cáo cho thấy những chu kỳ này biến động mạnh trong hai năm qua, cụ thể giá hàng hóa giảm sâu khi đại dịch COVID-19 bùng phát và sau đó tăng vọt, thậm chí có lúc lên mức cao nhất lịch sử trong năm 2021. Diễn biến kinh tế vĩ mô toàn cầu và các yếu tố về nguồn cung hàng có thể sẽ khiến chu kỳ kinh tế bong bóng – vỡ này tiếp diễn trên thị trường hàng hóa. Đối với nhiều mặt hàng, những chu kỳ này cũng được khuếch đại bởi các tác động của biến đổi khí hậu và việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Phân tích cũng chỉ ra rằng từ những năm 1970 những chu kỳ giá cả hàng hóa bùng nổ có xu hướng lớn hơn chu kỳ vỡ, tạo ra cơ hội đáng kể cho sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn ở các nước xuất khẩu hàng hóa, nhất là với những nước áp dụng các chính sách chặt chẽ trong chu kỳ bùng nổ để tận dụng lợi thế của các cơ hội này.

Nội dung phân tích thứ ba của báo cáo đi sâu vào tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình trạng bất bình đẳng toàn cầu. Báo cáo chỉ ra đại dịch đã làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập toàn cầu, lấy đi một phần thành quả đã đạt được trong hai thập kỷ trước đó. Đại dịch cũng làm gia tăng sự bất bình đẳng trong nhiều nội dung khác, như nguồn cung vắc-xin, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế, khả năng tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe, tình trạng mất việc làm và mất thu nhập, trong đó những đổi tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là phụ nữ, lao động có trình độ thấp và lao động phi chính thức. Xu hướng này có khả năng để lại những hệ quả lâu dài: cụ thể, tổn thất về vốn con người do sự gián đoạn trong giáo dục có thể để lại ảnh hưởng qua nhiều thế hệ.

Ayhan Kose, Giám đốc Chương trình Báo cáo Triển vọng của Ngân hàng Thế giới, nhận định: “Trong bối cảnh tăng trưởng sản xuất và đầu tư được dự báo chậm lại, dư địa chính sách hạn chế và những rủi ro lớn đang lấn át so với các triển vọng, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ cần phải sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ một cách thận trọng, đồng thời cần thực hiện những cải cách để giải quyết những hậu quả của đại dịch. Các chương trình cải cách cần được xây dựng để cải thiện đầu tư và vốn con người, giảm bất bình đẳng giới và khoảng cách thu nhập, cũng như đối phó với những thách thức của biến đổi khí hậu”.

Tải Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tại đây.

Triển vọng khu vực:

Đông Á và Thái Bình Dương: Dự báo tăng trưởng năm 2022 sẽ giảm xuống 5,1%, sau đó tăng nhẹ lên 5,2% vào năm 2023. Để biết thêm thông tin chi tiết, xem báo cáo tổng quan khu vực tại đây

Châu Âu và Trung Á: Dự báo tăng trưởng năm 2022 sẽ giảm tốc xuống 3% và xuống 2,9% vào năm 2023. Để biết thêm thông tin chi tiết, xem báo cáo tổng quan khu vực tại đây.

Châu Mỹ Latinh và Caribe: Tăng trưởng dự báo sẽ giảm xuống 2,6% vào năm 2022 trước khi tăng nhẹ lên 2,7% vào năm 2023. Để biết thêm thông tin chi tiết, xem báo cáo tổng quan khu vực tại đây.

Trung Đông và Bắc Phi: Tăng trưởng năm 2022 dự báo sẽ tăng lên 4,4%, sau đó giảm xuống 3,4% trong năm 2023. Để biết thêm thông tin chi tiết, xem báo cáo tổng quan khu vực tại đây.

Nam Á: Tăng trưởng dự báo tăng lên 7,6% trong năm 2022, sau đó giảm xuống 6% trong năm 2023. Để biết thêm thông tin chi tiết, xem báo cáo tổng quan khu vực tại đây.

Châu Phi cận Sahara: Dự báo tăng trưởng năm 2022 sẽ tăng nhẹ lên 3,6% và lên 3,8% trong năm 2023 Để biết thêm thông tin chi tiết, xem báo cáo tổng quan khu vực tại đây.


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ: 2022/038/EFI

Liên lạc

Tại Washington:
Joe Rebello
(202) 458-8051
jrebello@worldbankgroup.org
Liên hệ yêu cầu đưa tin:
David W. Young
(202) 473-4691
dyoung7@worldbankgroup.org
Api
Api