Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ 25 Tháng 3 Năm 2021

Phục hồi Không Đồng đều dẫn đến Tăng Bất Bình đẳng trong Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương

WASHINGTON, ngày 25 tháng 03 năm 2021 – Sau hơn một năm trải qua đại dịch COVID-19, sự phục hồi tại các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (ĐÁ-TBD) rất không đồng đều. Đó là nhận định trong báo cáo cập nhật kinh tế khu vực mới nhất của Ngân hàng Thế giới, được công bố hôm nay.  

Chỉ có Trung Quốc và Việt Nam được chứng kiến phục hồi theo hình chữ V khi sản lượng hai nước đã vượt mức trước đại dịch. Sản lượng của các nền kinh tế lớn còn lại vẫn thấp hơn bình quân khoảng 5% so với giai đoạn trước đại dịch. Các quốc đảo Thái Bình Dương vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Kết quả kinh tế có được đến nay vẫn nhờ vào hiệu quả ngăn chặn vi-rút lây lan, khả năng tận dụng sự khởi sắc của thương mại quốc tế, năng lực của chính phủ các nước trong việc hỗ trợ bằng chính sách tài khóa và tiền tệ.

Trong năm 2020, tỷ lệ nghèo của khu vực lần đầu tiên ngừng giảm sau vài thập kỷ. Khoảng 32 triệu người dân trong khu vực mất đi cơ hội thoát nghèo (theo chuẩn nghèo 5,50$/ngày) vì đại dịch. 

Cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra chặn đứng giảm nghèo và làm gia tăng bất bình đẳng,” theo lời của bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới. “Khi bước vào giai đoạn phục hồi năm 2021, các quốc gia cần hành động khẩn trương để phòng vệ cho những người dễ bị tổn thương, đồng thời phải đảm bảo phục hồi bao trùm, xanh và bền vững.”  

Đại dịch kèm theo cách ly khiến cho bất bình đẳng gia tăng. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu công bằng trong cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội và công nghệ số. Tại một số quốc gia, cơ hội đi học của trẻ em ở các hộ gia đình thuộc nhóm 40% dân số nghèo nhất vẫn thấp hơn 20% so với những trẻ ở các hộ gia đình thuộc nhóm 20% thu nhập cao nhất. Nữ giới phải chịu bạo lực nhiều hơn so với trước: 25% người được hỏi ở CHDCND Lào và 83% người được hỏi ở In-đô-nê-xia cho biết bạo lực gia đình trở nên tồi tệ hơn do COVID-19.  

Tăng trưởng của khu vực dự kiến sẽ được nâng lên từ khoảng 1,2% năm 2020 lên 7,5% trong năm 2021, nhưng chúng ta có thể phải chứng kiến phục hồi diễn ra với ba tốc độ khác nhau. Tăng trưởng của Trung Quốc và Việt Nam dự kiến cao hơn trong năm 2021, lần lượt ở mức 8,1% và 6,6% so với 2,3% và 2,9% trong năm 2020. Do ảnh hưởng của đại dịch, các nền kinh tế lớn còn lại sẽ chỉ tăng trưởng bình quân ở mức khoảng 4,6%, thấp hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng trước khủng hoảng, Sự phục hồi của các nền kinh tế quốc đảo vốn phụ thuộc vào du lịch dự kiến sẽ đặc biệt khó khăn.

Báo cáo ước tính gói kích cầu của Mỹ có thể sẽ nâng tốc độ tăng trưởng năm 2021 của các quốc gia trong khu vực thêm 1 điểm phần trăm, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi lên trung bình khoảng ba tháng. Triển vọng trên vẫn có rủi ro nếu vác-xin COVID-19 bị triển khai chậm, khiến cho tăng trưởng giảm đến 1 điểm phần trăm ở một số quốc gia.

Báo cáo kêu gọi phải hành động để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ kinh tế và xanh hóa quá trình phục hồi, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng với khối lượng và cách phân bổ vác-xin như hiện nay, trên 80% dân số các quốc gia phát triển sẽ được tiêm vắc-xin vào cuối năm 2021, trong khi mức độ bao phủ vắc-xin tại các quốc gia đang phát triển chỉ đạt khoảng 55%. Tại nhiều quốc gia ĐÁ-TBD, mức độ hỗ trợ vẫn thấp hơn tổn thất về thu nhập, gói kích cầu chưa khắc phục hết được sự sụt giảm về nhu cầu, đầu tư công vẫn chưa đóng vai trò lớn trong các nỗ lực phục hồi, kể cả khi ti lệ nợ công trên GDP tăng thêm bình quân đến 7 điểm phần trăm. Các biện pháp "xanh" đang bị các hoạt động "nâu" lấn át trong các gói kích cầu ở khắp khu vực: Nhìn chung, chỉ có một phần tư các biện pháp kích cầu của các quốc gia trong khu vực được cho là thân thiện với khí hậu.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hợp tác quốc tế, để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ kinh tế và xanh hóa quá trình phục hồi," theo quan điểm của ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới.Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng bằng cách gia tăng xuất khẩu các sản phẩm y tế, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, và tiến hành các biện pháp mạnh mẽ hơn về khí hậu. Quốc gia này cũng sẽ được hưởng lợi khi thế giới an toàn hơn và tăng trưởng cân bằng hơn.”   

Báo cáo kêu gọi hợp tác quốc tế trong sản xuất, phê chuẩn và phân phối vác-xin dựa trên nhu cầu để giúp ngăn chặn COVID-19. Phối hợp trong chính sách tài khóa sẽ làm tăng tác động tập thể vì một số chính phủ có xu hướng hỗ trợ chưa đầy đủ. Bên cạnh hợp tác trong giảm phát thải, các quốc gia đang phát triển còn nghèo cũng cần hỗ trợ quốc tế để tiến hành các biện pháp có chiều sâu hơn về khí hậu.

Báo cáo Phục hồi Chưa Đồng đều, tập trung vào chính sách vác-xin, tài khóa và khí hậu, được ra mắt trên nền tảng hai báo cáo cập nhật kinh tế khu vực năm 2020, đã phân tích sáu khía cạnh chính sách để đảm bảo phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19, đó là: chặn dịch thông minh, giáo dục thông minh, tăng cường bảo trợ xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, áp dụng chính sách cân đối cho khu vực tài chính, và cải cách thương mại.


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ: 2021/128/EAP

Liên lạc

In Washington
Kym Smithies
+1 (202) 458-0152
ksmithies@worldbank.org
Api
Api