THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG, ngày 04 tháng 10 năm 2019 — Hôm nay, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Đà Nẵng thống nhất hợp tác hỗ trợ thành phố Đà Nẵng đổi mới thể chế và tăng cường năng lực nhằm tăng tính hiệu quả, hiệu suất, trách nhiệm giải trình, và tính bền vững trong việc huy động và sử dụng nguồn lực tài chính.
Chương trình Cải cách Quản lý Tài chính Công (PFMRP), sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2019-2025, có ngân sách tài trợ không hoàn lại trị giá 3 triệu Francs Thụy Sỹ do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ hỗ trợ cho Thành phố Đà Nẵng và được Ngân hàng Thế giới quản lý. Đây là chương trình hợp tác đầu tiên của SECO và WB trong việc hỗ trợ cải cách quản lý tài chính công cho một địa phương tại Việt Nam. Chương trình bổ trợ chặt chẽ cho hợp tác chung giữa hai bên ở cấp quốc gia trong cải cách quản lý tài chính công.
Chương trình cung cấp các hoạt động hỗ trợ tư vấn và nâng cao năng lực trong bốn lĩnh vực chủ chốt mà các bên cùng quan tâm, đó là: Chiến lược tài chính; Kế hoạch tài chính – ngân sách trung hạn; Theo dõi – đánh giá kết quả thực hiện dịch vụ công; và Quản lý nợ chính quyền địa phương. Đây là những lĩnh vực được ưu tiên đổi mới, thông qua gợi ý từ Đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính (PEFA) của Thành phố Đà Nẵng. Chương trình được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai sâu rộng cải cách quản lý tài chính công và tăng cường hợp tác trong trung hạn.
“Đà Nẵng đang trở thành một cực tăng trưởng mới của Việt Nam, với tầm nhìn dài hạn là một cửa ngõ quốc tế và trung tâm thương mại của khu vực.” Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu. “Tuy nhiên, Thành phố đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cung cấp hạ tầng và dịch vụ đô thị thiết yếu trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp. Điều này cho thấy nhu cầu huy động nguồn lực, lập kế hoạch và thực hiện các chương trình chi tiêu hiệu quả hơn trong khuôn khổ trung hạn để đảm bảo bền vững tài khóa trong dài hạn, cũng như quản lý tốt nợ chính quyền địa phương và rủi ro tài khóa”.
“Việt Nam cùng các thành phố động lực luôn là đối tác ưu tiên cho các hoạt động hỗ trợ và hợp tác của Thụy Sỹ trong nhiều năm qua. Đặc biệt, SECO tập trung hỗ trợ tăng cường hiệu quả các chính sách và thể chế kinh tế, trong đó có cải cách quản lý tài chính công.” Ông Marcel Reymond, Trưởng Bộ phận Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam phát biểu: “SECO đánh giá cao tầm nhìn và tham vọng của thành phố Đà Nẵng trong công cuộc cải cách. Chương trình hỗ trợ một đối tác có sự cam kết cao, trên cơ sở đó cũng đóng góp phản hồi chính sách từ cấp địa phương đến trung ương nhằm phát huy tối đa các kết quả đạt được.”
“Thành phố coi đây là quan hệ đối tác chiến lược với SECO và WB nhằm hỗ trợ tư vấn và nâng cao năng lực cần thiết cho các đơn vị thụ hưởng trong các lĩnh vực ưu tiên cải cách của Thành phố.” Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng phát biểu: “Để đảm bảo triển khai chương trình hiệu quả trong sáu năm tới, Thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo cho Chương trình, với sự tham gia của WB và SECO, để chỉ đạo, giám sát các lĩnh vực trọng tâm chiến lược của chương trình, trao đổi về tiến độ và các biện pháp giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.”
Đầu mối điều phối chương trình:
Thành phố Đà Nẵng: Ông Nguyễn Văn Phụng, phungpv@danang.gov.vn
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Bà Lê Thị Quỳnh Anh, (84-24) 3937 8362, ale5@worldbank.org
SECO tại Việt Nam: Bà Nguyễn Hồng Giang, (84-24) 3934 6627, giang.nguyenhong@eda.admin.ch