HÀ NỘI, ngày 12 tháng 9 năm 2019 — Thiếu dinh dưỡng trẻ em vẫn là một trong những thách thức lớn với Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế và phát huy vốn con người dù tác động của nó có thể khắc phục được.
Tỷ lệ thiếu dinh dưỡng trẻ em ở mức cao tại Việt Nam, đặc biệt với trẻ em dân tộc thiểu số, đòi hỏi một cách tiếp cận mới để thực sự cải thiện chất lượng dinh dưỡng. Hôm nay Ngân hàng Thế giới và UNICEF tái khẳng định cam kết hợp tác với Chính phủ để giải quyết vấn đề này trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội giai đoạn 2021-2030.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, “Nguy cơ rất rõ ràng - tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ảnh hưởng tới 1/4 số trẻ tại Việt Nam, hạn chế quá trình phát triển và khả năng đóng góp cho nền kinh tế của các em nếu không có các giải pháp phù hợp trong hai năm đầu đời của trẻ. Nguy cơ ở trẻ em dân tộc thiểu số còn cao hơn vì tỉ lệ thiếu dinh dưỡng cao hơn trong khi các em ít được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ cần thiết.”
Dù đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển nguồn lực con người, Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong giải quyết vấn đề thiếu dinh dưỡng. Theo UNICEF, Việt Nam có hơn 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng cấp tính nặng mỗi năm; đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng thể thấp còi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết: “Chế độ dinh dưỡng đảm bảo trong những năm đầu đời sẽ cải thiện sức khỏe thể chất, đồng thời hỗ trợ phát triển trí não và khả năng học tập của trẻ - qua đó, giảm các chi phí chăm sóc sức khỏe dài hạn và nâng cao kết quả học tập cho các em. Chính phủ nhiều quốc gia đã đầu tư, tăng cường vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế lâu dài. Để cùng Việt Nam giải quyết những thách thức trong vấn đề dinh dưỡng, các đối tác phát triển cam kết hỗ trợ và đóng góp tri thức toàn cầu, dựa trên sự lãnh đạo, khởi xướng của Chính phủ trong việc giải quyết thách thức về dinh dưỡng.”
Tỷ lệ thiếu dinh dưỡng mãn tính với trẻ em dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức cao. Theo Báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới với tiêu đề “Thiếu Dinh dưỡng trong Cộng đồng các Dân tộc Thiểu số tại Việt Nam: Vấn đề, lựa chọn chính sách và giải pháp can thiệp”, gần 1/3 trẻ em dân tộc thiểu số thiếu dinh dưỡng thể thấp còi, tỉ lệ này cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh; đồng thời tỷ lệ trẻ thiếu dinh dưỡng nhẹ cân trong nhóm này cũng lên đến 21%, cao hơn 2,5 lần so với nhóm trẻ người Kinh.
Các biện pháp can thiệp dinh dưỡng sẽ đạt hiệu quả cao nhất trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, từ lúc thụ thai đến khi trẻ lên hai tuổi. Nếu trẻ bị mắc thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn này, quá trình phát triển thể chất, trí não sẽ bị ảnh hưởng tương đối lớn và khó có thể bù đắp lại được.
Trẻ thiếu dinh dưỡng thể thấp còi sẽ dẫn đến giảm năng suất lao động và mất khoảng 10% thu nhập suốt đời với mỗi cá nhân. Tính trên phạm vi cả nước, vấn đề thiếu dinh dưỡng có thể làm giảm đến 3% GDP quốc gia mỗi năm. Do đó, Ngân hàng thế giới và UNICEF khuyến nghị triển khai một số hành động chính sách, bao gồm đảm bảo đủ nguồn lực tài chính cho các chương trình về dinh dưỡng, xây dựng kế hoạch đa ngành để khắc phục những nguyên nhân chính và nhân rộng các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng.
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập: www.worldbank.org.vn
Theo dõi chúng tôi trên: https://www.facebook.com/worldbankvietnam