Tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Hà Nội, Ngày 7 tháng 8 năm 2019 – Hôm nay, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Thế giới cùng bắt đầu triển khai chương trình chia sẻ kiến thức nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Hoạt động đầu tiên trong chương trình này là hội thảo chuyên đề tại Hà Nội nhằm nâng cao hiểu biết về bản chất của các vấn đề, thách thức mà Việt Nam gặp phải trong việc chăm sóc người cao tuổi. Tham gia hội thảo là 40 cán bộ từ các bộ ngành liên quan, bao gồm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Uỷ Ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam.
Với xu hướng phát triển dân số như hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân tố Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, từ 7% lên 14% - là ngưỡng để một quốc gia được coi là có dân số già - trong khoảng 17 năm tới. Trong khi đó, tốc độ tương ứng của Singapore và Thái Lan là 22 và 20 năm. Theo dự báo, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2035.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Tốc độ già hóa dân số cao tại Việt Nam sẽ có nhiều tác động về kinh tế, xã hội và tài chính. Ngay bây giờ, Việt Nam cần chuẩn bị cho kịch bản một xã hội già với việc phát triển hệ thống chăm sóc y tế - xã hội toàn diện và bền vững về tài chính để người cao tuổi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cần thiết.”
Tương tự nhiều quốc gia khác, ở Việt Nam trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi thường do các thành viên trong gia đình đảm nhiệm, đặc biệt là phụ nữ. Tuy nhiên, khi cấu trúc gia đình thay đổi và nhu cầu của người cao tuổi ngày càng phức tạp hơn, việc chăm sóc người cao tuổi cần vượt ra khỏi khuôn khổ gia đình để đạt hiệu quả tối ưu.
Để có thể chuyển tiếp hiệu quả sang một mô hình chăm sóc người cao tuổi mới, Việt Nam cần khắc phục những vấn đề tồn tại mang tính hệ thống, bao gồm phạm vi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế xã hội cơ bản còn hạn chế, cũng như cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan còn yếu (y tế, bảo hiểm xã hội, tài chính, v.v). Tuy vậy, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm thực hiện từ nhiều quốc gia. Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản và Thái Lan đã chia sẻ bài học kinh nghiệm về xây dựng chính sách và thể chế giải quyết vấn đề dân số già hóa có xem xét đầy đủ các tác động tài chính đi kèm.
Theo ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam: “Trong 10 năm qua, JICA đã hỗ trợ Thái Lan xây dựng Mô hình Chăm sóc Tích hợp dựa vào Cộng đồng dựa trên bối cảnh phát triển tại địa phương. Chúng tôi tin rằng, dựa trên các bài học kinh nghiệm từ Thái Lan và Nhật Bản, Việt Nam có thể phát triển và thực hiện thành công mô hình chăm sóc cho người cao tuổi”.
Chương trình hợp tác này sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 3/4 năm 2020. Sau hội thảo ngày hôm nay, chương trình sẽ tổ chức một chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm tại Thái Lan để tăng cường kiến thức cho người tham gia và thúc đẩy trao đổi kiến thức Nam-Nam. Giai đoạn cuối sẽ tập trung tổng kết các kiến thức tích lũy từ chuyến tham quan học tập để đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp và phát triển mô hình dịch vụ mẫu.
Thông tin liên hệ:
Tại Hà Nội: Lê Thị Quỳnh Anh (+84-24) 3937-8362, ale5@worldbank.org