WASHINGTON, Thứ Sáu, ngày 16 tháng 11 năm 2018 - Các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao ở các nền kinh tế mới nổi tạo ra hơn một nửa tổng số việc làm và doanh thu mới, mặc dù chỉ chiếm chưa tới 20% tổng số doanh nghiệp chế tạo và dịch vụ. Những doanh nghiệp này tạo ra hiệu ứng domino cho nền kinh tế khi làm gia tăng nhu cầu và/hoặc mang lại khả năng tiếp cận tốt hơn các yếu tố đầu vào cho các doanh nghiệp khác.
Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới, “Doanh nghiệp tăng trưởng cao: Thực tế, ảo tưởng và những lựa chọn chính sách cho các nền kinh tế mới nổi” chỉ ra rằng chính khả năng phi thường của các doanh nghiệp tăng trưởng cao đã thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, và họ đang muốn tìm ra biện pháp khuyến khích gia tăng sự hình thành của những doanh nghiệp như vậy để thúc đẩy hiệu quả kinh tế. Báo cáo dựa trên phân tích chi tiết về động năng của các doanh nghiệp ở Brazil, Bờ Biển Ngà, Ethiopia, Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nam Phi, Thái Lan, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo phân tích của báo cáo, mối liên hệ giữa năng suất và tăng trưởng cao thường không rõ nét; vì các doanh nghiệp có thể phát triển do nhiều yếu tố khác nhau, ngoài hiệu quả về chuyên môn. Báo cáo cho thấy, trong nhiều trường hợp, những giai đoạn tăng trưởng cao thường khó duy trì và khó dự đoán. Các chính sách được thiết kế để nâng cao động năng của doanh nghiệp và hỗ trợ tạo việc làm không nên chỉ chú trọng vào một số doanh nghiệp có tiềm năng thành công. Thay vào đó, chính sách nên hỗ trợ những yếu tố mà báo cáo đề xuất là “phát triển tài năng kinh doanh ABC”: (a) tăng cường hiệu quả phân bổ, (b) khuyến khích lan toả từ doanh nghiệp sang doanh nghiệp và (c) nâng cao năng lực doanh nghiệp.
Bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới về Tăng trưởng Bình đẳng, Tài chính và Thể chế cho biết: “Ở nhiều nước, các mô hình tăng trưởng có thể thành công trong quá khứ nay cần điều chỉnh để đáp ứng những thách thức mới và hỗ trợ tạo việc làm. Chúng tôi đang làm việc với các quốc gia khách hàng để phát triển các can thiệp chính sách được thiết kế sao cho phù hợp với những thách thức và khả năng của doanh nghiệp và doanh nhân. Đối với nhiều tổ chức trong khu vực công, việc thực hiện hiệu quả các chính sách đó phụ thuộc vào khả năng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, năng suất và tăng trưởng, đồng thời giám sát và áp dụng những thực hành tốt trên toàn cầu. ”
Theo báo cáo, hầu hết các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao ở các nước đang phát triển đều hoạt động trên nhiều lĩnh vực và khu vực khác nhau và phần lớn đều bắt đầu từ doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Do đó, báo cáo đề xuất các chính sách công nhằm mục đích thúc đẩy động năng và tăng trưởng của doanh nghiệp không chỉ nên chú trọng vào quy mô, ngành nghề kinh doanh, hàm lượng công nghệ hoặc địa bàn hoạt động như là những tiêu chí lựa chọn chính để thực hiện can thiệp chính sách.
Báo cáo cũng khuyến nghị nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận đến dữ liệu cấp doanh nghiệp, tăng cường sử dụng công cụ đánh giá chính sách và mở rộng phạm vi đánh giá, đồng thời xây dựng năng lực thể chế để hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp; tất cả đều là những ưu tiên cốt lõi để thực hiện hiệu quả các chính sách thúc đẩy tăng trưởng cao.
Theo ông Najy Benhassine, Giám đốc Ban Tài chính, Năng lực cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo, Ngân hàng Thế giới “Duy trì tốc độ tăng trưởng cao là một thách thức đối với hầu hết các doanh nghiệp. Trọng tâm của những phát hiện nêu lên trong báo cáo là sự công nhận tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, liên kết toàn cầu, hình thành mạng lưới, thực hành quản lý tốt và khả năng tiếp cận tài chính để thúc đẩy các giai đoạn tăng trưởng cao. Bản báo cáo đã giải mã những hiểu lầm rằng tăng trưởng cao chỉ có tại một số lĩnh vực cụ thể và và chỉ thường thấy ở doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ cao và/hoặc khởi nghiệp. Thay vì tập trung nguồn lực vào việc tìm kiếm“startup kỳ lân[i] tiếp theo” – các nỗ lực này thường là vô ích – các nhà hoạch định chính sách nên đưa ra các chính sách dựa vào chứng cứ thực tiễn để phát huy các yếu tố chúng tôi vừa đề cập. Cách tiếp cận này có thể có hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy năng suất và tăng trưởng doanh nghiệp.”
Để tải xuống toàn bộ báo cáo, vui lòng truy cập: https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/30800
[i] Những doanh nghiệp start-up được định giá 1 tỷ $ trở lên