THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Chiến lược mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chú trọng tăng trưởng bao trùm, đầu tư vào con người, bền vững môi trường và quản trị tốt

30 Tháng 5 Năm 2017


Oa-sinh-tơn, ngày 30/5/2017 – Hôm nay, Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới vừa thảo luận và thông qua Khung đối tác quốc gia (CPF) mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới với Việt Nam, đề ra những định hướng tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam – cùng đồng hành với Việt Nam trong quá trình củng cố thành tựu phát triển và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển đầy tham vọng.

Khung đối tác này cũng hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2021 của Việt Nam và mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh tế và bền vững môi trường, thúc đẩy bình đẳng, và nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. 

Với Khung đối tác mới này Nhóm Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển và đạt trình độ cao hơn trong nhóm các nước thu nhập trung bình và tốt nghiệp quy chế vay vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế —nguồn vốn dành cho các nước thu nhập thấp của Ngân hàng Thế giới.

“Việt Nam đang phấn đấu đạt được nhiều thành tích hơn nữa – bao gồm đẩy mạnh tăng trưởng, đạt trình độ công nghiệp hóa cao hơn, và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.  Quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam chính là minh chứng cho thấy quyết tâm đạt thành tích cao nhất, nhưng muốn đạt được kết quả như vậy đòi hỏi phải tinh chỉnh cả phương pháp và công tác triển khai,” ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói. “Nhóm Ngân hàng Thế giới vinh dự sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình củng cố vị thế của một nước thu nhập trung bình thành công và tạo tiền đề trở thành một nước thu nhập cao.”

Khung đối tác mới tiếp tục phát huy những hỗ trợ sẵn có và mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phối hợp và bổ trợ với các đối tác phát triển khác, và huy động thêm các nguồn lực khác phục vụ phát triển, ví dụ huy động nguồn vốn thương mại và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm: phát triển bao trùm và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân; đầu tư vào con người và tri thức; bền vững môi trường và năng lực ứng phó; và quản trị tốt. CPF sẽ được thực hiện với sự tham gia đáng kể của chính quyền địa phương, sẽ thử nghiệm và áp dụng cách tiếp cận đa ngành và theo vùng, và sẽ quan tâm giải quyết và lồng ghép vấn đề giới thông qua một loạt các hình thức gồm hỗ trợ tư vấn, phân tích, đối thoại chính sách, cho vay và lập các đối tác chiến lược.

CPF được soạn thảo dựa trên các kết quả phân tích trong báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ và báo cáo Đánh giá Quốc gia Việt Nam 2016 và đề ra một số các chuyển hướng chiến lược, gồm có:

  • Hỗ trợ toàn diện nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân và sự tham gia của kinh tế tư nhân vào các ngành kinh tế;
  • Phấn đấu đảm bảo bền vững tài chính các dịch vụ công và các chính sách xã hội;
  • Hỗ trợ giảm nghèo nhóm dân tộc thiểu số nhờ các hoạt động tạo việc làm và thu nhập;
  • Hỗ trợ đa ngành nhằm tăng cường mối liên kết giữa giáo dục, đào tạo và thị trường lao động; và
  • Thúc đẩy và khuyến khích sản xuất điện với mức phát thải các-bon thấp.

“Trong giai đoạn thực hiện khung đối tác quốc gia tới Ngân hàng Thế giới sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp cải cách nhằm tạo tác động mang tầm chiến lược. Chúng tôi sẽ huy động tất cả các thể chế – Ngân hàng Thế giới, IFC, MIGA – và các công cụ sẵn có nhằm tạo chuyển biến chiến lược như cho vay, đối thoại chính sách, phân tích và tư vấn, hay bảo lãnh,” ông Ousmane Dione nói.

Trong giai đoạn tới Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) sẽ hỗ trợ bằng hình thức đầu tư và tư vấn, và huy động nguồn vốn dài hạn cho các khoản đầu tư mang lại lợi ích kinh tế-xã hội lớn, hỗ trợ sự phát triển thị trường vốn và các nguồn vốn tư nhân khác. IFC sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành chủ chốt như tài chính, hạ tầng, công nghiệp chế tạo và năng lượng nhằm kết hợp kinh nghiệm quốc tế với sự thông hiểu tình hình tại chỗ nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển và qua đó đạt hiệu quả đầu tư và lợi ích xã hội cao nhất.

“Là nhân tố chính giúp tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, kinh tế tư nhân sẽ giúp Việt Nam đạt trình độ phát triển cao hơn,” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam, Cam-pu-chia và CHDCND Lào nói. “Dịch vụ vốn và tư vấn của IFC rất đặc biệt vì nó kết hợp giữa kinh nghiệm quốc tế và kiến thức bản địa. Chúng tôi sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường đổi mới sáng tạo nhằm tạo giá trị cao trong tăng trưởng và mang lại tác động sâu rộng về kinh tế-xã hội.”

Thông qua các sản phẩm bảo hiểm rủi ro chính trị và tăng cường tín dụng truyền thống Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA) sẽ bổ sung thêm cho các khoản vay của Ngân hàng Thế giới bằng cách huy động đầu tư tư nhân, giúp chính phủ và có thể cả các doanh nghiệp nhà nước vay thương mại. MIGA cũng sẽ hỗ trợ các dự án khác của Nhóm Ngân hàng Thế giới hoặc trong các lĩnh vực mà Nhóm Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ nếu phù hợp.

“MIGA sẵn sàng góp phần thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng đề ra trong Khung đối tác quốc gia này”, ông Tim Histed, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của MIGA nói. “MIGA có thể triển khai tất cả các sản phẩm bảo hiểm rủi ro chính trị và hỗ trợ tín dụng tại Việt Nam và hi vọng giúp các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án mang lại tác động lớn tại Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo”.

Cùng với khung đối tác này, Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới cũng đã phê duyệt cho Việt Nam vay  358 triệu USD để thực hiện hai dự án mới.

Dự án Mở rộng cải tạo đô thị (SUUP) vay vốn IDA trị giá 240 triệu USD sẽ thực hiện cải tạo và nâng cấp hạ tầng và công tác quy hoạch đô thị tại các thành phố Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Tân An, Vị Thanh và Vĩnh Long. Khoảng 500,000 người dân sẽ hưởng lợi trực tiếp từ dự án này, và khoảng 1 triệu người khác được hưởng lợi gián tiếp nhờ cơ sở hạ tầng và môi trường được cải thiện.

Dự án thứ hai là Dự án Tái thiết khẩn cấp sau thảm hoạ (VENDRP) sẽ giúp khôi phục và cải tạo cơ sở hạ tầng tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận và Hà Tĩnh. Đây là những tỉnh bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt kéo dài trong năm 2016. Dự án sẽ giúp khôi phục và cải tạo đường giao thông, cầu, hệ thống tưới tiêu, hệ thống cấp nước và các công trình phòng chống thiên tai. Dự án cũng sẽ giúp nâng cao năng lực cán bộ quản lý rủi ro thảm hoạ. Dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 1,2 triệu người và gián tiếp cho 5,1 triệu người khác tại 5 tỉnh nêu trên. 

Facebook: https://www.facebook.com/worldbankvietnam   
Twitter: www.twitter.com/wb_asiapacific
YouTube: www.youtube.com/worldbank

 

Liên hệ truyền thông
Tại Washington
Dini Djalal
tel : +1 202 468-4442
ddjalal@worldbank.org
Tại Hanoi
Nguyen Hong Ngan
tel : +84439378234
nnguyen5@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
EAP/260/ECR

Api
Api

Welcome