Công nghệ số đang nở rộ trên toàn thế giới nhưng lợi ích của nó thì không
WASHINGTON, ngày 13/1/ 2016 – Theo một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới, mặc dù internet, điện thoại di động và công nghệ số đang phổ cập nhanh chóng tại các nước đang phát triển, nhưng lợi ích mà nó có thể mang lại như thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, và cải thiện cung cấp dịch vụ công lại không được như mong muốn; 60% dân số thế giới vẫn nằm bên lề nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Theo ‘Báo cáo Phát triển Thế giới 2016: Lợi ích số,’ thực hiện dưới sự chỉ đạo chung của đồng giám đốc Deepak Mishra và Uwe Deichmann, nhóm người giàu có, có kĩ năng và có ảnh hưởng trên toàn thế giới có xu hướng hưởng lợi nhiều hơn từ công nghệ số. Đó là những người ở vào vị trí thuận lợi hơn để khai thác lợi thế của công nghệ số. Ngoài ra, tuy con số người dùng internet toàn thế giới đã tăng gấp hơn 3 lần kể từ năm 2005 nhưng vẫn còn 4 tỉ người chưa có internet.
“Công nghệ số đang làm chuyển đổi cách thức kinh doanh, làm việc và các chính phủ,” ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới nói. “Chúng ta phải tiếp tục kết nối mọi người và không được bỏ rơi ai vì chi phí cơ hội mất đi sẽ rất lớn. Nhưng nếu các nước muốn lợi ích số được chia sẻ cho mọi người trong mọi gia tầng xã hội thì họ phải cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư vào giáo dục và y tế, và thúc đẩy quản trị tốt.”
Tuy không thiếu các tấm gương thành công nhưng tác động của công nghệ lên năng suất toàn cầu, tạo thêm cơ hội cho người nghèo và tầng lớp trung lưu, và nhân rộng quản trị có trách nhiệm vẫn chưa được như mong muốn. Công nghệ số đang phát triển nhanh chóng nhưng lợi ích của nó, tức là thúc đẩy tăng trưởng, việc làm và dịch vụ, thì không.
“Cuộc cách mạng số đang chuyển đổi thế giới, hỗ trợ dòng chảy thông tin, và tạo điều kiện phát triển cho các quốc gia biết cách tận dụng những cơ hội mới này,” ông Kaushik Basu, Chuyên gia Kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới nói. “Quả là một sự chuyển đối kinh ngạc khi hiện nay 40% dân số thế giới đã kết nối thông qua internet. Đây là thành tích đáng ăn mừng, nhưng đây cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ lại xem liệu qua đó ta có tạo ra thêm một tầng lớp dưới đáy nữa không. Khi mà 20% dân số thế giới không biết đọc, biết viết thì riêng công nghệ cũng không giúp xoá bỏ khoảng cách về tri thức trên thế giới được."
Công nghệ số thúc đẩy hoà nhập, hiệu suất, và đổi mới sáng tạo. Trên 40% người trưởng thành tại Đông Phi trả tiền điện nước bằng điện thoại di động. Hiện có 8 triệu doanh nhân Trung Quốc, trong đó 1/3 là nữ, sử dụng nền tảng thương mại điện tử để bán hàng cho các khách hàng trong cả nước và tới 120 nước khác. Ấn Độ đã cấp mã nhận dạng số cho gần 1 tỉ người trong vòng 5 năm, qua đó tăng cường tiếp cận dịch vụ công và giảm tham nhũng. Trong ngành y tế người ta dùng dịch vụ nhắn tin SMS để nhắc bệnh nhân HIV uống thuốc đúng giờ rất hiệu quả.
Để thực hiện đầy đủ cam kết phát triển trong thời đại số, Ngân hàng Thế giới đề xuất hai hành động chính: xoá bỏ khoảng cách số bằng cách làm cho internet phổ cập, giá rẻ, mở và an toàn; và tăng cường quản lí nhà nước nhằm đảm bảo cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động theo đòi hỏi trong nền kinh tế mới, và nâng cao trách nhiệm giải trình thể chế. Đây là những biện pháp mà Báo cáo gọi là các yếu tố bổ trợ analog đối với các khoản đầu tư vào công nghệ số.
Chiến lược phát triển công nghệ số cần phải có tầm rộng hơn chiến lược phát triển công nghệ thông tin truyền thông (ICT). Để khai thác tối đa lợi ích, các nước phải tạo được môi trường thích hợp cho sự phát triển công nghệ: các biện pháp quản lí khuyến khích cạnh tranh và gia nhập thị trường, phát triển kĩ năng cho phép người lao động làm chủ được công nghệ, và xây dựng các thể chế có trách nhiệm trước người dân. Ngược lại, công nghệ số cũng có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Đầu tư vào hạ tầng cơ bản, giảm chi phí kinh doanh, gỡ bỏ rào cản thương mại, nâng đỡ doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao năng lực cơ quan quản lí cạnh tranh, và tạo điều kiện cạnh tranh giữa các nền tảng số là một số biện pháp đề xuất trong báo cáo. Các biện pháp đó sẽ giúp doanh nghiệp ncal năng suất và đổi mới sáng tạo hơn. Ngoài ra, tuy trẻ em cần tiếp tục học văn hoá cơ bản, nhưng chúng cũng cần phát triển kĩ năng trực giác và tư duy phản biện bậc cao. Kiến thức cơ bản về các hệ thống ICT tân tiến cũng sẽ rất quan trọng khi internet phát triển rộng. Đào tạo kĩ năng kĩ thuật và cho trẻ em làm quen sớm với công nghệ sẽ giúp nâng cao trình độ về ICT và tác động lên lựa chọn nghè nghiệp về sau.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng, công nghệ số có thể chuyển đối các nền kinh tế, xã hội và thể chế công, nhưng sự thay đổi không hề diễn ra tự động hay được đảm bảo. Các nước đầu tư vào công nghệ số và các yếu tố bổ trợ tương tự sẽ giành được kết quả tương xứng, nước nào không làm như vậy sẽ bị tụt hậu. Công nghệ, nếu không đi kèm với một nền tảng vững chắc, sẽ mang lại rủi ro và tạo ra phân cực kinh tế, tăng cường bất bình đẳng, và nhà nước chuyên chế.
Trong thập kỉ qua Ngân hàng Thế giới đã đầu tư tổng cộng 12,6 tỉ USD vào các dự án ICT.
Xem Báo cáo toàn văn tại https://www.worldbank.org/en/publication/wdr2016