THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Cần chính sách bao quát hơn để giải quyết vấn đề giảm lao động và tăng chi công gây ra bởi tình trạng già hóa dân số khu vực Đông Á bằng

9 Tháng 12 Năm 2015


Đông Á có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và hiện đã có trên 211 triệu người trên 65 tuổi

BẮC KINH, ngày 9/12/2015—Khu vực Đông Á đang có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới từ trước tới nay; và một số nước thu nhập trung bình và trên trung bình có thể sẽ bị giảm 15% lực lượng lao động từ nay tới năm 2040, báo cáo mới của Ngân Hàng Thế Giới cho biết.

Báo cáo Live Long and Prosper: Aging in East Asia and Pacific (Sống lâu và giàu có: Hiện tượng già hóa dân số Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương) cho thấy 36% dân số độ tuổi trên 65 của thế giới, khoảng 211 triệu người, đang sống trong khu vực Đông Á, và đây là con số lớn nhất so với tất cả các khu vực khác trên thế giới. Đến năm 2040 hiện tượng già hóa sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động giảm trên 15% tại Hàn Quốc và trên 10% tại Trung Quốc, Thái Lan, và Nhật Bản. Chỉ riêng tại Trung Quốc, con số đó tương đương với con số giảm sút ròng trên 90 triệu lao động.

Tốc độ già hóa nhanh trên qui mô lớn tại Đông Á đã tạo ra thách thức chính sách, áp lực kinh tế và tài khoá cũng như các rủi ro xã hội khác. Nếu không cải cách thì chi hưu trí trong khu vực sẽ tăng lên mức 8-10% GDP vào năm 2070. Đồng thời, hệ thống y tế các nước chưa được chuẩn bị để đối mặt với những khoản chi chữa bệnh, vì các như bệnh ung thư, bệnh tim, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác sẽ chiếm 85% tổng chi phí khám chữa bệnh vào năm 2030. Ngoài ra, lớp người cao tuổi hôm nay sẽ nhận được ít chăm sóc từ gia đình hơn trước đây.

“Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đang trong giai đoạn chuyển tiếp dân số kịch tính nhất từng chứng kiến từ trước tới nay, và tất cả các nước đang phát triển trong khu vực đều chịu rủi ro già trước khi giàu,” ông Axel van Trotsenburg, Phó chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho hay. “Quản lí hiện tượng già hóa nhanh chóng không chỉ là vấn đề người cao tuổi mà nó đòi hỏi một cách tiếp cận chính sách toàn diện, đề cập mọi giai đoạn trong cuộc đời nhắm đến tăng cường khả năng tham gia của lực lượng lao động, khuyến khích cách sống lành mạnh dựa trên đổi mới dịch vụ chăm sóc trẻ em, giáo dục, y tế, hưu trí, chăm sóc dài hạn và các vấn đề khác.”

Báo cáo đã phân tích cách thức hiện tượng già hóa dân số có thể tác động lên các động lực tăng trưởng kinh tế và các đặc điểm trong chính sách chi công. Báo cáo đã rà soát các chính sách hiện tại và đưa ra các khuyến nghị giúp các nước, với đặc điểm dân số cụ thể của mình, có thể giải quyết các thách thức về thị trường lao động, hệ thống an sinh xã hội, y tế, và chăm sóc dài hạn. Báo cáo cũng phân tích đặc điểm về cách thức sống, làm việc và nghỉ hưu của lớp người cao tuổi tại các nước trong khu vực.

Theo báo cáo, hiện tượng già hóa một phần bắt nguồn từ kết quả phát triển kinh tế nhanh trong vài thập kỉ gần đây trong khu vực. Thu nhập tăng lên, trình độ giáo dục cao hơn đã liên tục làm tăng tuổi thọ và đồng thời kéo theo nó sự giảm sút mạnh mẽ tỉ lệ sinh. Điều đó đã dẫn đến tình trạng tỉ lệ bổ sung nằm dưới tỉ lệ sụt giảm một khoảng cách xa tại một số nước hiện nay. Do vậy đến năm 2060 cứ 5 nước có dân số già nhất trên thế giới thì có một nước thuộc khu vực Đông Á, trong khi đó tỉ lệ này năm 2010 chỉ là 1/25.

Tốc độ già hóa tại mỗi nước khác nhau. Các nước thuộc nhóm trên như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc là các nước đi đầu với trên 14% dân số trên 65 tuổi. Các nước trẻ hơn và nghèo hơn gồm Cam-pu-chia, Lào, và Papua New Guinea chỉ có 4% dân số trên 65 tuổi nhưng trong vòng 20-30 năm tới các nước này sẽ già hóa với tốc độ cao. Các nước thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thái Lan, và Việt Nam đã bắt đầu già hóa nhanh và sẽ phải đối mặt với một số thách thức khó khăn nhất.

“Ta vẫn có thể quản lí già hóa đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương nhưng điều đó đòi hỏi phải ra những quyết định chính sách cứng rắn và thay đổi hành vi một cách cơ bản từ phía người lao động, doanh nghiệp và xã hội nói chung,” ông Sudhir Shetty, kinh tế gia trưởng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Ngân Hàng Thế Giới nhận định. “Quá trình chuyển đổi dân số và dịch tễ học trong khu vực đòi hỏi phải có các phản ứng chính sách chủ động trên các lĩnh vực hưu trí, y tế và thị trường lao động.”

Đông Á – Thái Bình Dương có một số lợi thế để giải quyết vấn đề già hóa dân số. Bản thân người dân trong khu vực có thời gian làm việc dài hơn các nơi khác trên thế giới. Tỉ lệ tiết kiệm thuộc mọi lứa tuổi cũng cao hơn, đồng thời trình độ giáo dục cũng tăng nhanh và hệ thống an sinh xã hội không bị ảnh hưởng nhiều bởi các chế độ tốn kém thừa hưởng từ quá khứ.

“Dân số là một lực mạnh đối với quá trình phát triển, nhưng đó không phải là số phận,” ông Philip O’Keefe, tác giả chính của báo cáo nói. “Thông qua các lựa chọn chính sách của mình chính phủ các nước có thể giúp người dân thích ứng với hiện tượng già hóa nhanh chóng và khuyến khích các biện pháp tăng cường sức khỏe và khả năng lao động cho người cao tuổi.”

Báo cáo đề xuất một số biện pháp cải cách cấp bách:

·        Về thị trường lao động, các nước với điều kiện rất khác nhau như Nhật Bản, Malaysia, Fiji có thể khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động, đặc biệt là thông qua các chương trình chăm sóc con cái. Các nước khác như Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan có thể xem xét loại bỏ các ưu đãi trong hệ thống hưu trí hiện đang khuyến khích một số nhóm, ví dụ phụ nữ tại khu vực đô thị, nghỉ hưu quá sớm. Các nước có trình độ phát triển cao hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản có thể mở cửa thị trường lao động nhằm thu hút lao động trẻ từ các nước khác. Tất cả các nước, thuộc mọi nhóm thu nhập, đều cần cải thiện chất lượng lực lượng lao động thông qua giáo dục và học tập suốt đời.

·        Báo cáo khuyến nghị các nước trong khu vực tiến hành cải cách hệ thống hưu trí hiện tại trong đó bao gồm biện pháp tăng dần tuổi nghỉ hưu. Những thay đổi này sẽ cho phép mở rộng tỉ lệ hưu trí còn nhỏ hiện nay và bao gồm cả người lao động trong khu vực phi chính thức. Đối với các nước có dân số tương đối trẻ báo cáo khuyến nghị nên tính đến việc dân số sẽ già hóa nhanh chóng trong tương lai và thiết lập hệ thống hưu trí bền vững.

·        Nhằm thỏa mãn nhu cầu về y tế và chăm sóc dài hạn một cách bền vững về tài chính, báo cáo khuyến nghị chuyển hướng hệ thống y tế từ tập trung vào bệnh viện sang chăm sóc ban đầu và khuyến khích quản lí người bệnh mắc đồng thời nhiều bệnh mãn tính một cách hiệu quả hơn. Một sự dịch chuyển cơ cấu như vậy đòi hỏi phải thay đổi về cách thức mua sắm thuốc men và trang thiết bị và cách thức chi trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ, và cũng đòi hỏi phải có một lực lượng cán bộ y tế mới, có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc ban đầu với chất lượng cao. Theo báo cáo, thách thức về cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn là làm sao xây dựng được các mô hình với chi phí vừa phải có thể kết hợp các phương pháp cung cấp dịch vụ dựa trên cộng đồng và tại nhà.

Liên hệ truyền thông
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : +84439378234
nnguyen5@worldbank.org
Tại Washington
Jane Zhang
tel : +1 (202) 473-1376
janezhang@worldbank.org



THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2016/195/EAP

Api
Api

Welcome