Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Phát triển kinh tế - Thành tựu của tầng lớp lao động khu vực Đông Á Thái Bình Dương

8 Tháng 5 Năm 2014


Một báo cáo mới kêu gọi các nước áp dụng các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho nhiều người lao động hơn nữa

Gia-các-ta, ngày 8/5/2014 – Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế đã làm cho tỉ lệ người dân tham gia  lực lượng lao động tại hầu hết các nước Đông Á tăng mạnh và thuộc vào nhóm nước có tỷ lệ lao động cao nhất  thế giới. Một báo cáo mới  của Ngân hàng Thế giới có tên Đông Á – Thái Bình Dương: Viêc làm, Doanh nghiệp và Phúc lợi đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tại các nước này ban hành các qui định về lao động và chính sách an sinh xã hội nhằm mang lại lợi ích cho người lao động, kể cả lao động trong khu vực phi chính thức với quy mô lớn.

Trong 20 năm qua, năng suất lao động tại các nước khu vực Đông Á-Thái Bình Dương đã tăng mạnh, chuyển đổi cơ cấu diễn ra nhanh chóng, với một số lượng lớn lao động chuyển sang làm việc tại các thành phố và sản lượng cao hơn trong các khu vực nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ. Các nước từng là nước nghèo trước đây một thế hệ nay đã hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu nhờ chi phí lao động thấp. Tại phần lớn các quốc gia trong khu vực, tỉ lệ lao động đang làm việc hoặc tìm việc làm bao gồm cả phụ nữ, cao hơn những nước khác có cùng mức thu nhập.

“Sự phát triển kinh tế chưa từng có tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương đã tạo việc làm và đưa hàng triệu người thoát cảnh nghèo khó, và đây chính là chiến thắng của người lao động,” ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Khu vực Đông Á Thái Bình Dương nói. “Đã đến lúc củng cố tăng trưởng, bằng cách đưa ra những chính sách xã hội bảo vệ người dân nói chung thay vì chỉ phục vụ một ngành, một địa phương hay một nhóm nghề cụ thể nào đó. Nếu được xây dựng tốt, các chính sách đó sẽ đảm bảo một chế độ an sinh xã hội tốt và đến được với mọi người lao động bị thiệt thòi nhất trong xã hội.”

Tuy nhiên, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng đã giảm, và chi phí lao động tăng, các hạn chế về thị trường lao động và các chính sách an sinh xã hội trong vùng trở thành một vấn đề cấp bách. Các chính sách đã được xây dựng khá tốt tốt trên giấy nhưng thực thi lại kém trên thực tế đã đẩy ngày càng nhiều người lao động – nhất là phụ nữ và những người có tay nghề thấp như những công nhân vệ sinh hay những người phục vụ trong nhà hàng – vào tình cảnh phải làm những công việc không có trợ cấp, bảo hiểm, không có sự quản lý của Nhà nước và không bị đánh thuế, hoặc thậm chí không có việc làm.

Theo báo cáo này, các gói trợ cấp thất nghiệp dù khiêm tốn ở cấp quốc gia có thể giúp chủ lao động tránh được các khoản bồi thường thất nghiệp tốn kém, giảm được chi phí thuế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng gia nhập khu vực chính thức. Ví dụ, hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân Thái lan là một hình thức bảo hiểm xã hội đã giúp giảm chi phí  người bệnh tự phải trả và tăng cường sử dụng dịch vụ y tế.

Đây là báo cáo tiếp theo của Báo cáo Phát triển Thế giới 2013: Việc làm (World Development Report 2013: Jobs) của Ngân hàng Thế giới. Bản báo cáo đã đóng góp vào số lượng bằng chứng thực nghiệm còn ít ỏi về tác động của chính sách việc làm và các lựa chọn cải cách trong khu vực. Các nền kinh tế mới nổi trong khu vực rất đa dạng, từ các nước chủ yếu là nông nghiệp đến các nước đang trong quá trình đô thị hóa, và cả các nước nhỏ, đảo quốc, v.v. đã không cho phép áp dụng một cách tiếp cận duy nhất. Các biến động về kinh tế và dân số cũng như quá trình phát triển thị trường lao động chưa đủ dài đòi hỏi sự cấp thiết, cũng là cơ hội cấp thiết để các nước trong khu vực áp dụng các mô hình an sinh xã hội mới với mức chi phí thấp hơn tại các nước khác trong khu vực có quá trình phát triển và chính sách lâu dài hơn.

"Không thể tiếp tục cách làm cũ nữa,” ông Bert Hofman, Kinh tế gia trưởng, Ngân hàng Thế giới, Khu vực Đông Á Thái Bình Dương nói. “Nếu không hành động nhằm đảm bảo phúc lợi từ lao động thì gắn kết xã hội sẽ bị đe dọa, năng suất lao động và mức sống sẽ bị ảnh hưởng, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm.”

Theo báo cáo, các chính sách hiện hành đã không giúp được đa số người lao động, thiên vị nam giới trong độ tuổi lao động tốt nhất và có việc làm được trả lương, trong khi đối xử không có lợi đối với phụ nữ, thanh niên và người lao động có tay nghề thấp. Kinh nghiệm thực chứng tại Indonesia, Việt nam, và Thái lan cho thấy mỗi khi tăng lương tối thiểu thì cơ hội việc làm của phụ nữ và thanh niên bị ảnh hưởng mạnh hơn.

Trên 30% số người trong độ tuổi 15-24 hoàn toàn không có việc làm, tức là họ không có việc làm và cũng chẳng được đào tạo hay học nghề. Đó chính là sự phân mảng thị trường lao động và gạt bỏ một nhóm ra ngoài lề, và đây chính là nguy cơ bất ổn xã hội và bạo lực. Trong khi đó thì tăng lương cho người có tay nghề cao – những đối tượng được hưởng lợi từ chính sách hiện nay – lại dẫn đễn bất bình đẳng thu nhập hơn nữa tại một số nước.

Báo cáo khuyến nghị, nếu muốn đi đúng quỹ đạo thì các nước trong khu vực phải có tầm nhìn xa vượt ra khỏi vấn đề thị trường lao động và phải hướng đến các vấn đề nền tảng như ổn định giá cả, khuyến khích đầu tư và sáng tạo, hỗ trợ khung chính sách giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển để tạo nhiều việc làm cho người lao động

“Các chính sách công nghiệp áp đặt từ trên xuống khó có cơ hội thành công trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng hội nhập và dựa trên luật pháp ngày nay,” ông Truman Packard, tác giả chính của báo cáo nói. “Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách phải có cái nhìn tổng thể về cải cách trên nhiều lĩnh vực và đề ra những chính sách bảo vệ mọi người lao động, bất kể họ là lao động tự do hay làm cho chủ khác.”

Tất nhiên, các nền kinh tế khác nhau trong khu vực đòi hỏi các ưu tiên chính sách khác nhau. Báo cáo khuyến nghị các nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp cần tập trung nâng cao năng suất nông nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp phi nông nghiệp phát triển, còn các nước đang đô thị hóa như Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam thì cần chú ý phát triển hạ tầng và cải thiện dịch vụ nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho lao động tại các thành phố.

Tải báo cáo tại: https://www.worldbank.org/eap/atwork

Kết nối với chúng tôi trên Facebook: www.facebook.com/worldbankvietnam

Theo dõi thông tin qua Twitter: www.twitter.com/worldbankasia

Liên hệ truyền thông
Tại Singapore
Dini Djalal
tel : +62-21-5299-3156
ddjalal@worldbank.org
Tại Washington DC
Jane Zhang
tel : +1 (202) 473-1376
janezhang@worldbank.org
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : +84.4.39346600-234
nnguyen5@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2014/480 /EAP

Api
Api

Welcome