Cải cách cơ cấu là chìa khóa cho tăng trưởng dài hạn và thịnh vượng
XING-GA-PO, 7 tháng Tư năm 2014 – Theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương được phát hành hôm nay của Ngân hàng Thế giới, các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng kinh tế ổn định trong năm nay, nhờ sự hồi phục của các nền kinh tế thu nhập cao và phản ứng khiêm tốn của thị trường với quyết định thu lại gói nới lỏng định lượng của Fed.
Bản báo cáo nhận định các nước đang phát triển ở Đông Á sẽ có mức tăng trưởng 7,1% trong năm nay, không thay đổi mấy so với năm 2013. Kết quả là khu vực Đông Á sẽ vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới, cho dù tăng trưởng đã giảm so với tốc độ tăng trưởng trung bình 8% của giai đoạn 2009-2013. Với Trung Quốc, mức tăng trưởng sẽ giảm một chút xuống 7,6% so với con số 7,7% năm 2013. Nếu không tính đến Trung Quốc, các nước đang phát triển trong khu vực sẽ tăng trưởng khoảng 5%, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 5,2% của năm ngoái.
“Đông Á Thái Bình Dương đã và đang đóng vai trò đầu tầu tăng trưởng của thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu,” Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu. “Sự tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ hơn trong năm nay cũng sẽ giúp cho khu vực có mức độ tăng trưởng ổn định hơn đáp ứng với những điều kiện tài chính chặt chẽ hơn của toàn thế giới.”
Những nền kinh tế lớn hơn trong khu vực như In-đô-nê-xia và Thái lan sẽ phải đối mặt với những điều kiện tài chính chặt chẽ toàn cầu và mức nợ cao của các hộ gia đình. Tăng trưởng kinh tế của Ma-lai-xia khá khiêm tốn ở mức 4,9% trong năm 2014. Xuất khẩu của nước này sẽ gia tăng, nhưng chi phí nợ cao hơn và chương trình thắt chặt tài khóa đang diễn ra sẽ gây ảnh hưởng tới nhu cầu trong nước. Phi-líp-pin, tăng trưởng có thể chậm ở mức 6,6% nhưng do thúc đẩy chi tiêu trong quá trình tái thiết có thể bù đắp cho sự sụt giảm trong tiêu dùng do tác động của các thảm họa tự nhiên xảy ra năm 2013
Những nền kinh tế nhỏ hơn được hy vọng là sẽ tăng trưởng ổn định, nhưng có thể đối mặt với những rủi ro tăng trưởng quá nóng đòi hỏi cần có các biện pháp thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Tại Cam-pu-chia, đà cải cách sau bầu cử được hy vọng là sẽ giúp quốc gia này tăng trưởng ổn định ở mức 7,2% trong năm nay, nhưng sự bất ổn của thị trường lao động có thể mang lại những rủi ro tiêu cực. Những tiến bộ đạt được trong cải cách cơ cấu ở My-an-ma sẽ giúp nước này tăng trưởng 7,8%. Do những tiến bộ đạt được khá khiêm tốn trong cải cách ngành ngân hàng và các ngành khác nên kinh tế Việt Nam sẽ chỉ hy vọng tăng trưởng khá khiêm tốn ở mức 5,5% trong năm nay. Hầu hết các nước thuộc vùng Thái Bình Dương và Timo Leste vẫn còn phải phụ thuộc vào các nguồn tài trợ và kiều hối từ các nước phát triển.
Tuy nhiên vẫn có những rủi ro cho những dự báo khu vực. “Sự phục hồi chậm hơn của các nền kinh tế phát triển hơn, gia tăng lãi suất toàn cầu, gia tăng bất ổn của giá cả hàng hóa do những căng thẳng địa-chính trị ở Đông Âu vẫn còn là lời nhắc nhở rằng Đông Á sẽ vẫn dễ bị tổn thương do những vấn đề phát triển bất lợi trên thế giới”. Ông Bert Hofman, chuyên gia kinh tế trưởng của Khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới phát biểu.
Tín hiệu lạc quan là, như phản ứng với quyết định giảm gói nới lỏng định lượng năm ngoái đã cho thấy, linh hoạt tiền tệ sẽ giúp Đông Á đương đầu với những cú sốc đến từ bên ngoài khu vực, bao gồm cả khả năng đảo chiều của luồng vốn. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia đã có được nguồn dự trữ thích hợp để bù đắp cho những cú sốc tạm thời đến từ bên ngoài và về mặt thương mại.
“Về lâu dài, để duy trì tăng trưởng cao, các nước đang phát triển ở Đông Á nên nỗ lực gấp đôi trong cải cách cơ cấu để gia tăng tiềm năng tăng trưởng căn bản của nền kinh tế và củng cố niềm tin của thị trường." Ông Hofman khuyến cáo.
Cải cách cơ cấu là chìa khóa giảm tính dễ bị tổn thương và củng cố tăng trưởng dài hạn bền vững. Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành một loạt cải cách trong ngành tài chính, tiếp cận thị trường, năng động của thị trường lao động và chính sách tài chính để tăng cường hiệu quả của tăng trưởng và thúc đẩy nhu cầu trong nước. Theo thời gian, những biện pháp này sẽ giúp nền kinh tế ổn định, bền vững và vì tất cả mọi người dân. Một vài sáng kiến mà chính phủ đã vừa thông báo như cải cách thuế, giảm bớt những rào cản trong đầu tư tư nhân, cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn.
Những cải cách thành công ở Trung Quốc có thể mang đến những lợi ích đáng kể cho các đối tác thương mại cung cấp hàng nông sản, hàng tiêu dùng và các dịch vụ hiện đại cho Trung Quốc. Ngược lại, tác động lan tỏa của những chương trình tái cân bằng lộn xộn ở Trung Quốc cũng có thể làm tổn hại tới tăng trưởng của khu vực và thế giới, đặc biệt đối với các nước dựa chủ yếu vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên.
Các nước còn lại của khu vực cũng có thể có những lợi ích từ các cải cách kinh tế, vì dụ như hỗ trợ thương mại quốc tế và thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài đặc biệt là trong các ngành dịch vụ. Báo cáo cũng nhận định, trong bối cảnh này, việc ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015 có thể thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu trong khu vực và mang lại một nguồn lực tăng trưởng rất quan trọng.
Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á Thái Bình Dương là báo cáo đánh giá toàn diện về các nền kinh tế trong khu vực, được phát hành hai lần trong năm và có thể tham khảo miễn phí trên trang https://www.worldbank.org/en/region/eap/publication/east-asia-pacific-economic-update
Liên hệ:
Tại Hà Nội: Nguyễn Hồng Ngân, +84-4-39378234, nnguyen5@worldbank.org
Tại Oa-sinh-tơn: Jane Zhang, +1 (202) 473-1376, janezhang@worldbank.org
Facebook: https://www.facebook.com/worldbankvietnam
Twitter: https://www.twitter.com/worldbankasia