Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Trung Quốc: Hướng tiếp cận mới cho đô thị hóa hiệu quả, toàn diện và bền vững

26 Tháng 3 Năm 2014


Image

Báo cáo nghiên cứu nêu ví dụ điển hình về phân bổ đất, dân số và vốn dựa trên thị trường

BẮC KINH, 25/3/2014 – Một báo cáo mới đề xuất Trung quốc áp dụng một số biện pháp kiềm chế quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng như đổi mới phương pháp thu hồi đất, cho phép lao động nhập cư được định cư tại thành phố và tiếp cận bình đẳng tới các dịch vụ công thiết yếu, cải cách tài chính địa phương thông qua việc tìm nguồn thu ổn định và cho phép họ vay trực tiếp theo những quy định nghiêm ngặt của chính quyền trung ương.

Theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước Trung quốc thực hiện, hiện tượng dân số tại các đô thị Trung Quốc đang tăng, hiện nay đã tăng thêm 200 triệu so với trước đây một thập kỷ, đã buộc chính quyền phải tăng cường thực thi các qui định về môi trường và giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe gây ra bởi ô nhiễm.

Báo cáo được thực hiện trong vòng 14 tháng, trong đó các báo cáo giữa kỳ được chia sẻ đều đặn với các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Trung quốc nhằm cung cấp thông tin đầu vào cho thảo luận chính sách và làm cơ sở xây dựng mô hình đô thị hóa mới của Trung quốc.

“Chương trình cải cách do báo cáo đề xuất sẽ giúp nông dân thu được nhiều tiền bán đất hơn, cung cấp thêm dịch vụ cho người di cư và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quyết định cấp vốn. Chương trình cũng khuyến khích qui hoạch xanh và quản lý môi trường tốt hơn, giúp cho mọi người dễ thở hơn,” ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới nói. “Trung Quốc đã thực hiện thí điểm thành công ở cấp địa phương và nay có thể nhân rộng trên qui mô lớn.”

“Đô thị hóa là một động lực mạnh cho tăng trưởng bền vững và lành mạnh của Trung Quốc,” theo Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei. “Cần đặt con người vào trọng tâm quá trình đô thị hóa, với những cải tiến thể chế và hệ thống, và giải phóng tiềm năng phát triển của đô thị hóa qua việc cải cách. Chúng ta cần cải cách nhanh hệ thống tài khóa và thuế, thúc đẩy việc áp dụng mô hình Đối tác Công – Tư (PPP), để xây dựng cơ chế tài chính đô thị đa dạng và bền vững. Chúng ta cần giải quyết dần những vấn đề dịch vụ cơ bản cho người nhập cư, và tạo cơ chế để lien kết hệ thống thanh toán tài chính cho những người nhập cư từ nông thôn vào đô thị, để có thể đạt được mục tiêu đô thị hóa vì con người."

Trong vòng 30 năm qua, tăng trưởng kinh tế kỉ lục của Trung Quốc đã giúp 500 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng mang lại vô số việc làm, đất đai giá rẻ và cơ sở hạ tầng tốt. Tuy Trung Quốc đã tránh được một số mặt tiêu cực của quá trình đô thị hóa nhưng vẫn không tránh khỏi một số vấn đề như qui hoạch đất đai kém hiệu quả đã làm xuất hiện tình trạng phát triển quá nhanh và các thành phố ma, tình trạng ô nhiễm đe dọa sức khỏe người dân, và làm cho đất canh tác và tài nguyên nước đang trở nên khan hiếm. Vào năm 2030 dân số đô thị Trung quốc sẽ lên đến 1 tỉ, tức là khoảng 70% tổng dân số. Viễn cảnh đó buộc các nhà lãnh đạo Trung quốc phải tìm kiếm một quá trình đô thị hóa được điều phối tốt hơn.

“Hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trong xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và đứng trước cơ hội tiếp tục nâng cao đời sống cho hàng trăm triệu người dân đang chuyển vào sống trong các thành phố,” bà Sri Mulyani Indrawati, Giám đốc điều hành Nhóm Ngân hàng Thế giới nói. “Nếu Trung Quốc cam kết và quyết tâm tiến hành cải cách thì nước này sẽ trở thành tấm gương điển hình về đô thị hóa, sẽ giành phần thắng trong cuộc chiến chống ô nhiễm, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cải thiện được môi trường sống tại các đô thị và mang lại lợi ích phát triển cho mọi người.”

"Quản lí quá trình đô thị hóa là cơ sở giúp Trung quốc đạt mục tiêu trở thành một nước thu nhập cao,” ông Li Wei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc nói. “Quản lí quá trình đô thị hóa tốt sẽ giúp khai thác tiềm năng của các thành phố và khuyến khích sáng tạo. Vấn đề là phải thực hiện quản trị tốt ở cấp thành phố, giải quyết được các thách thức về bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm. Cần phải xây dựng thành công cơ chế thể chế về phát triển đô thị hiệu quả, toàn diện và bền vững.”  

Bản báo cáo nêu sáu lĩnh vực ưu tiên trong mô hình đô thị hóa mới:

1. Cải cách quản lí và thể chế đất đai. Quá trình mở rộng đô thị trong những năm gần đây chủ yếu dựa vào đất nông nghiệp chuyển đổi. Theo báo cáo thì quỹ đất nông nghiệp hiện đã xuống gần đến “giới hạn đỏ” 120 triệu ha. Đây là mức tối thiểu cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực.

Muốn sử dụng đất hiệu quả hơn đòi hỏi phải trao quyền sở hữu mạnh mẽ hơn cho nông dân, đền bù thỏa đáng hơn cho diện tích đất bị thu hồi, cần cơ chế mới phục vụ việc chuyển đổi đất xây dựng nông thôn sang đất đô thị và phân bổ đất đô thị dựa trên giá thị trường. Cần đề ra những giới hạn pháp lí đối với việc lấy đất nông nghiệp cho các mục đích công cộng của chính quyền địa phương. Báo cáo cũng khuyến nghị áp giá thị trường cho đất công nghiệp và chuyển đổi đất công nghiệp sang mục đích thương mại và đất ở. Qua đó sẽ khuyến khích ngành dịch vụ phát triển và tạo cơ sở vững chắc hơn về kinh tế cho các thành phố loại nhỏ và giảm giá nhà.

2. Cải cách hệ thống đăng ký hộ gia đình theo hộ khẩu tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng cho mọi người dân tới các dịch vụ có chất lượng và tạo ra một lực lượng lao động dễ dàng di chuyển và đa năng. Chế độ hộ khẩu cần tiến triển dần thành chế độ cư trú, cung cấp dịch vụ công tiêu chuẩn tối thiểu cho mọi người dân. Cần loại bỏ các rào cản đối với sự di chuyển lao động vào khu vực thành phố, di chuyển lao động từ thành phố này sang thành phố khác, và giúp nâng cao thu nhập người lao động.

3. Nâng cao mức độ bền vững tài chính của các thành phố đồng thời tăng cường kỷ cương tài chính đối với chính quyền địa phương. Báo cáo khuyến nghị áp dụng một hệ thống thu thuế mới trong đó tỉ trọng chi địa phương từ nguồn thu tại chỗ được tăng lên, ví dụ từ thuế đất và tăng thu phí dịch vụ đô thị. Theo báo cáo, nên cho phép chính quyền địa phương vay trực tiếp theo những quy định nghiêm ngặt của chính quyền trung ương.

4. Đổi mới qui hoạch và thiết kế đô thị. Ở các thành phố, áp giá thị trường cho đất công nghiệp có thể khiến các ngành sử dụng nhiều đất chuyển sang các thành phố, thị trấn nhỏ hơn. Chính quyền đô thị cũng có thể nâng cao hiệu quả sử dụng đất hiện nay bằng cách qui vùng linh hoạt hơn, khoanh vùng nhỏ hơn và sử dụng cho nhiều mục đích hơn. Qua đó sẽ làm tăng mật độ và hiệu suất sử dụng đất. Phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm đô thị và thúc đẩy sự hợp tác với các thành phố khác sẽ giúp giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm.

5. Quản lí áp lực môi trường. Hiện Trung quốc đã đề ra các luật, qui định và tiêu chuẩn rất khắt khe về môi trường. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thực thi để làm sao thực hiện được mục tiêu đô thị hóa xanh hơn. Các công cụ thị trường như thuế môi trường, hệ thống buôn bán khí thải các-bon, ô nhiễm không khí, và nước, và năng lượng cũng có thể góp phần thực hiện các mục tiêu về môi trường. Trung quốc cần tập trung vào “quản trị xanh” bằng cách đổi mới thể chế và các biện pháp khuyến khích và công cụ giúp quản lí môi trường tốt hơn.

6. Tăng cường quản trị địa phương. Hệ thống đánh giá thành tích công tác quan chức chính quyền địa phương cần đổi mới nhằm hỗ trợ quá trình đô thị hóa hiệu quả, toàn diện và bền vững hơn. Chính quyền địa phương cũng cần tăng cường quản lí và minh bạch tài chính, áp dụng các công cụ như khung chi tiêu trung hạn và công khai tài chính.

“Trong quá trình đổi mới sâu hơn, Trung Quốc cần tìm hiểu kinh nghiệm có ích của các nước khác. Sự hợp tác của chúng tôi với Nhóm Ngân hàng Thế giới không chỉ đưa ra khuyến nghị cho Trung Quốc về chương trình nghị sự đổi mới, thông qua việc sử dụng nguồn lực dồi dào và những kinh nghiệm phát triển tốt nhất, mà đây còn là cơ sở để chia sẻ kinh nghiệm phát triển giữa Trung Quốc và các nước khác.” Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc, ông Shi Yaobin phát biểu.

“Việc hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển để hoàn thành báo cáo này đã cho phép chúng tôi kếp hợp kinh nghiệm toàn cầu với sự am hiểu sâu sắc về các thách thức chính sách của Trung quốc và giúp chúng tôi  đưa ra các khuyến nghị chính sách đúng thời điểm,” ông Klaus Rohland, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc cho biết.

Liên hệ truyền thông
Tại Bắc Kinh
Li Li
tel : (86-10) 5861-7850
Lli2@worldbank.org
Carl Hanlon
tel : +1 (202) 460-8526
chanlon@worldbank.org
Tại Washington DC
Jane Zhang
tel : +1 (202) 473-1376
janezhang@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2014/395/EAP

Api
Api

Welcome