THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Kinh tế toàn cầu đang đứng trước bước ngoặt, theo Ngân hàng Thế giới

14 Tháng 1 Năm 2014



Triển vọng tăng trưởng phụ thuộc vào chính sách cung tiền tại Hoa Kỳ năm 2014

WASHINGTON, ngày 14/4/2014 – Kinh tế toàn cầu dự tính sẽ mạnh lên trong năm nay, trong đó tăng trưởng tại các nước đang phát triển sẽ đạt mức cao hơn còn các nền kinh tế có thu nhập cao sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ 5 năm trước, theo Báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Toàn cầu (Global Economic Prospects – GEP) mới công bố của Ngân Hàng Thế Giới.

Đà tăng trưởng đang mạnh dần lên tại các nước đang phát triển được hỗ trợ bởi tăng trưởng nhanh hơn tại các nước thu nhập cao và tăng trưởng tiếp tục mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, viễn cảnh tăng trưởng vẫn còn bị đe dọa bởi ảnh hưởng của lãi suất tăng cao trên toàn cầu và sự bất ổn tiềm tàng trong luồng chảy vốn khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu giảm gói kích thích tiền tệ khổng lồ.

“Tăng trưởng có vẻ đang mạnh dần lên tại cả các nước thu nhập cao và các nước đang phát triển, nhưng vẫn tồn tại những rủi ro đe dọa quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu,”
ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân Hàng Thế Giới nói. “Các nước phát triển đang lấy lại đà tăng trưởng và điều đó hỗ trợ tăng trưởng tại các nước đang phát triển trong những tháng tới. Tuy vậy, nếu muốn tăng tốc độ giảm nghèo thì các nước đang phát triển phải tiến hành cải cách cơ cấu để tạo việc làm, cải thiện hệ thống tài chính và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.”

Dự tính tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ tăng từ mức 2,4% năm 2013 lên 3,2% trong năm nay và ổn định ở mức 3,4% và 3,5% trong các năm 2015 và 2016 , chủ yếu do tăng trưởng mạnh tại các nước thu nhập cao.

Tăng trưởng tại các nước đang phát triển sẽ tăng từ mức 4,8% năm 2013 lên 5,3% năm nay, thấp hơn một chút so với dự báo, 5,5% năm 2015 và 5,7% năm 2016. Tuy tốc độ tăng trưởng có kém 2,2 điểm phần trăm so với thời kỳ bùng nổ 2003-07, nhưng đó không phải là điều đáng ngại. Mức khác biệt đó thể hiện sự giảm nhiệt quá trình tăng trưởng nóng và không bền vững thời kỳ trước khủng hoảng, chứ không liên quan đến sụt giảm tiềm năng tăng trưởng tại các nước đang phát triển. Ngoài ra, ngay cả mức tăng trưởng tuy có chậm đi này vẫn còn cao hơn nhiều (60%) so với những năm 1980 và đầu thập kỷ 1990.

Đối với các nước thu nhập cao, tác động làm chậm tăng trưởng của việc thắt chặt tài chính và bất ổn chính sách sẽ giảm đi, giúp tăng trưởng từ 1,3% năm 2013 lên 2,2% năm nay và ổn định ở mức 2,4% năm 2015 và 2016. Trong số các nền kinh tế thu nhập cao thì Hoa Kỳ phục hồi sớm nhất với GDP tăng trưởng liên tục 10 quý vừa qua. Nền kinh tế Hoa Kỳ dự tính sẽ tăng trưởng 2,8% năm nay (năm 2013 là 1,8%), và ổn định ở mức 2,9% năm 2015 và 3,0% năm 2016. Tăng trưởng trong khu vực đồng Euro, sau hai năm sụt giảm, dự định sẽ đạt 1,1% năm nay, và 1,4% và 1,5% trong các năm 2015 và 2016.

“Các chỉ số kinh tế toàn cầu đều cải thiện. Nhưng vẫn có thể nhận thấy còn nhiều nguy cơ ẩn dưới bề mặt đó. Khu vực đồng Euro đã thoát khỏi suy thoái nhưng thu nhập bình quân đầu người tại một số nước vẫn đang giảm. Chúng tôi kỳ vọng các nước đang phát triển sẽ tăng trưởng trên 5% trong năm 2014, trong đó một số nước tăng trưởng mạnh như Angola 8%, Trung Quốc 7,7%,và Ấn Độ 6,2%. Nhưng cần phải tránh tình trạng tê liệt chính sách để làm sao mầm xanh không bị biến thành gốc cây khô héo,” ông Kaushik Basu, Phó Chủ tịch Cao cấp và Kinh tế gia trưởng, Ngân Hàng Thế Giới nói.

Các nước đang phát triển chịu tác động của các lực đối trọng từ các nước thu nhập cao. Kinh tế tại các nước thu nhập cao phát triển một mặt sẽ làm tăng nhu cầu hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển, nhưng mặt khác lại làm tăng lãi suất và làm giảm luồng vốn đầu tư. Báo cáo dự tính thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng từ mức 3,1 % năm 2013 lên 4,6% năm nay và 5,1% năm 2015 và 2016.

Mặc dù vậy, giá hàng hóa thấp sẽ kéo theo sụt giảm nguồn thu từ thương mại. Nằm giữa thời kỳ cao điểm cuối năm 2011 và thời kỳ hạ thấp tháng 11/2013 giá thực tế nhiên liệu hiện nay đã giảm 9% và giá thực phẩm giảm 13%. Trong khi đó giá kim loại và khoáng chất giảm 30%. Áp lực hạ giá hàng hóa sẽ tiếp tục kéo dài, một phần cũng vì nguồn cung được bổ sung.

“Phục hồi kinh tế ngày càng mạnh tại các nước thu nhập cao là một điều đáng mừng, nhưng nó cũng mang theo rủi ro có thể làm gián đoạn quá trình này bởi chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt. Cho đến nay chính sách cắt giảm nới lỏng định lượng (QE) diễn ra khá suôn sẻ. Nhưng nếu lãi suất tăng quá nhanh thì luồng vốn chảy vào các nước đang phát triển có thể bị giảm đến 50% hoặc hơn nữa trong giai đoạn vài tháng – kích thích khủng hoảng tại một vài nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất.” ông Andrew Burns, Quyền Giám đốc Nhóm Triển vọng Phát triển và tác giả chính của bản báo cáo nói.

Luồng vốn tư nhân chảy vào các nước đang phát triển sẽ phụ thuộc vào điều kiện tài chính toàn cầu. Khi chính sách tiền tệ tại các nước thu nhập cao bình thường hóa trở lại nhờ vào tăng trưởng thì tỉ lệ lãi suất trên toàn cầu sẽ tăng dần. Tác động của chính sách thắt chặt điều kiện tài chính có trật tự lên đầu tư vào các nước đang phát triển không đáng kể; theo đó lượng vốn chảy vào các nước đang phát triển sẽ giảm từ 4,6% GDP năm 2013 xuống còn 4,1% GDP năm 2016. Nhưng nếu điều đó không được thực hiện có trật tự, như khi mọi người phỏng đoán xem khi nào thì chính sách giảm lượng tiền mặt bắt đầu trong mùa hè năm 2013, thì lãi suất có khả năng tăng nhanh hơn nhiều. Tùy theo mức độ phản ứng của thị trường, dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển có thể bị cắt giảm đến 50% hoặc hơn trong vòng vài tháng. Nếu điều đó xảy ra thì các nước bị thâm hụt cán cân thanh toán đáng kể hoặc nợ nước ngoài nhiều, hoặc các nước mở rộng tín dụng mạnh trong những năm gần đây sẽ là những nước bị ảnh hưởng nhất.

Báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù những rủi ro lớn vốn đe dọa nền kinh tế toàn cầu trong 5 năm qua đã suy giảm nhưng các thách thức cơ bản vẫn còn đó. Thêm vào đó, tuy các nước đang phát triển phản ứng với khủng hoảng tài chính bằng các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ nhưng qui mô các biện pháp đó cũng giảm đi và ngân sách chính phủ cũng như cán cân thanh toán hầu hết các nước đều đang thâm hụt.

Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách cần suy nghĩ về phương án đối phó với chính sách thắt chặt tài chính toàn cầu. Các nước có vùng đệm chính sách hợp lý và giành được niềm tin của nhà đầu tư có thể dựa vào cơ chế thị trường, chính sách kinh tế vĩ mô thoát khỏi chu kỳ kinh tế và các chính sách cẩn trọng khác nhằm khắc phục suy giảm nguồn vốn chảy vào. Trong các trường hợp khác, nếu không có nhiều dư địa hành động, các nước có thể bị buộc phải thắt chặt chính sách tài khóa nhằm giảm nhu cầu tài chính hoặc nâng lãi suất để thu hút vốn đầu tư. Nếu có dự trữ ngoại tệ thích hợp, có thể sử dụng làm chậm tốc độ tăng lãi suất hoặc cũng có thể nới lỏng qui chế thu hút vốn và khuyến khích FDI. Cuối cùng, nếu cải thiện được viễn cảnh dài hạn thì các chương trình cải cách đáng tin cậy sẽ có thể tạo được niềm tin của nhà đầu tư và thị trường về lâu dài. Qua đó sẽ kích hoạt một vòng lặp tăng cường đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài, và tăng trưởng đầu ra trong kỳ trung hạn.

Toàn văn báo cáo và số liệu đăng tại www.worldbank.org/globaloutlook

-------------------------------
Nét chính các khu vực:

Tăng trưởng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương thuyên giảm 3 năm liền và đạt mức 7,2% năm 2013 do tăng trưởng tại Indonesia, Malaysia và Thái lan chững lại; tại các nước này doanh thu bán hàng và thắt chặt chính sách nhằm giảm nhiệt kinh tế trong nước đã dẫn đến giảm hoạt động kinh tế. Tính chất dễ tổn thương trong nước gây ra trong những năm thực hiện chính sách tăng trưởng nóng vẫn là vật cản trở tăng trưởng. Tăng trưởng GDP Trung Quốc dự tính sẽ giữ ở mức cũ 7,7% trong năm 2014, giảm xuống 7,5% trong hai năm sau đó, thể hiện sự giảm đòn bẩy tài chính và giảm phụ thuộc vào đầu tư từ chính sách. Khu vực vẫn chịu rủi ro bởi sự cắt giảm đầu tư không trật tự tại Trung Quốc và thắt chặt đột ngột tình hình tài chính toàn cầu. Các nước xuất khẩu hàng hóa cũng nhạy cảm với giá cả hàng hóa giảm mạnh hơn dự đoán.

Tăng trưởng tại các nước đang phát triển châu Âu và Trung Á đã tăng trong năm 2013 và đạt mức 3,4%, do tăng xuất khẩu vào các nước châu Âu có thu nhập cao và việc các nước xuất khẩu năng lượng Trung Á tiếp tục mạnh. Các nước Trung Á và Đông Âu có quan hệ thương mại và tài chính chặt chẽ với các nước thu nhập cao châu Âu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ phục hồi kinh tế tại các nước này nhưng động lực tăng trưởng từ xuất khẩu sẽ bị giảm một phần bởi cầu nội địa kém mà nguyên nhân của nó là quá trình tái cơ cấu ngân hàng, tình hình tài chính quốc tế thắt chặt, và quá trình thắt chặt tài khóa đang hoặc sẽ diễn ra theo kế hoạch. Trên cơ sở đó, tăng trưởng sẽ ổn định ở mức 3,5% năm 2014, tăng dần lên 3,7% và 3,8% trong hai năm 2015 và 2016. Các rủi ro bao gồm sự quay trở lại tình trạng yếu kém tại khu vực đồng Euro và tại Nga, điều chỉnh không theo trật tự với tình hình tài chính thắt chặt toàn cầu và giá cả hàng hóa tiếp tục giảm mạnh.

Thương mại toàn cầu giảm, tình hình tài chính thắt chặt và thị trường hàng hóa suy giảm năm 2013 đã buộc các nước Mỹ La tinh và Ca-ri-bê phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng thấp. Tăng trưởng cầu nội địa thấp, nhất là tại Brazil, nhưng hoạt động kinh tế lại bắt đầu phục hồi tại Mexico và xuất khẩu tăng trưởng tại Trung Mỹ, một phần do kênh đào Panama được mở rộng. Tăng trưởng khu vực dự tính sẽ tăng lên mức 2,9% năm 2014, 3,2% năm 2015 và 3,7% năm 2016. Tăng mạnh xuất khẩu, và tăng tiêu dùng sẽ kéo tăng trưởng Brazil lên mức 3,7% năm 2016. Nhờ vào tăng trưởng tại Hoa Kỳ, Mexico sẽ đạt mức tăng trưởng 3,4% năm 2014, và tăng lên 4,2% năm 2016. Rủi ro đối với khu vực bao gồm lãi suất toàn cầu tăng mạnh và giá cả hàng hóa giảm sâu và kéo dài.

Các nền kinh tế đang phát triển tại Trung Đông & Bắc Phi sẽ vẫn bị hạn chế. Bất ổn chính trị tại Ai-cập, bế tắc tại Tunisia, và nội chiến leo thang tại Syria, với tác động lan tỏa sang Li-băng và Jordan, đã làm suy giảm các hoạt động kinh tế tại các nước nhập khẩu dầu mỏ này. Đồng thời tình trạng an ninh kém, đình công, cơ sở hạ tầng yếu, và, trong trường hợp Iran, cấm vận quốc tế đã tác động tiêu cực lên các nước xuất khẩu dầu mỏ. Tăng trưởng toàn khu vực giảm 0,1% năm 2013, sẽ tiếp tục yếu và không chắc chắn. Mức tăng trưởng trung bình sẽ đạt 2,8% năm 2014, 3,3% năm 2015 và 3,6% năm 2016, tức là nằm dưới tiềm năng của khu vực.

Tăng trưởng khu vực Nam Á đạt mức khiêm tốn năm 2013, do Ấn Độ tăng trưởng kém trong bối cảnh lạm phát cao, thâm hụt cán cân thanh toán và thâm hụt ngân sách. Gần đây xuất khẩu từ khu vực đã phục hồi do cầu bên ngoài tăng và do đồng rupee của Ấn-độ đã mất giá từ trước. Tăng trưởng toàn vùng ước sẽ đạt 5,7% năm 2014, và tăng lên 6,7% năm 2016 chủ yếu nhờ vào nhập khẩu từ các nước thu nhập cao phục hồi trở lại và tăng đầu tư trong vùng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng dự tính sẽ phụ thuộc vào ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách chính sách bền vững, và tiến bộ đạt được trong việc loại bỏ các hạn chế phía cung. Tăng trưởng của Ấn Độ dự tính sẽ vượt mức 6% trong năm tài chính 2014-15, và đạt mức 7,1% trong năm tài chính 2016-17. Các rủi ro chính bao gồm cải cách thuế và cải cách chính sách đi chệch hướng, khả năng khó đoán các cuộc bầu cử tại các nước Afghanistan, Bangladesh và Ấn Độ, dự đoán sai mức lạm phát, và điều tiết dòng vốn đầu tư vào không theo trật tự khi chính sách giảm cung tiền của Hoa Kỳ áp dụng.

Tại khu vực Hạ Saharan, kinh tế đã tăng trưởng năm 2013 do đầu tư mạnh dựa trên tài nguyên. Tăng trưởng GDP thực tế toàn khu vực đạt mức 4,7%. Tỉ lệ tăng trưởng trung bình, không kể Nam Phi, đạt 6,0%. Các nước xuất khẩu dầu (Angola, Gabon, Nigeria) phục hồi kém trong nửa đầu năm 2013; trong khi đó sản lượng công nghiệp của Nam Phi giảm trong quý 3. Cầu nội địa mạnh, dòng vốn FDI tương đối ổn định và tỉ lệ lạm phát giảm sẽ giúp khu vực này đạt mức tăng trưởng khoảng 5,3% năm 2014, 5,4% năm 2015 và 5,55 năm 2016. Khu vực tương đối an toàn trước biến động lãi suất toàn cầu nhưng rất dễ bị ảnh hưởng nếu giá hàng hóa giảm mạnh hơn dự đoán; khu vực này cũng dễ bị tác động bởi các cú sốc thời tiết gây ảnh hưởng lên mùa màng, giá lương thực, xung đột chính trị, rủi ro về an ninh tại bắc Nigeria, và các cuộc tấn công của cướp biển dọc vùng vịnh Guinea có thể dẫn đến tăng chi phí vận chuyển và làm cắt đứt thương mại trong vùng.

Liên hệ truyền thông
Tại Washington
Merrell Tuck-Primdahl
tel : +1 (202) 473-9516, +1 (202) 476-9897
mtuckprimdahl@worldbank.org
Indira Chand
tel : +1 (202) 458-0434, +1 (703) 376-7491
ichand@worldbank.org
Tại Yêu cầu về truyền hình
Natalia Cieslik
tel : +1 (202) 458-9369
ncieslik@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2014/290/DEC

Api
Api

Welcome