Yangon, Myanmar, ngày 5/2/2013 — Ngân hàng Thế giới và Myanmar hôm nay cùng khẳng định cam kết chung phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và giảm nghèo thông qua cải cách mạnh hơn và tập trung phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng. Điều này được khẳng định trong chuyến thăm ba ngày của Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Giám đốc IFC Jin-Yong Cai, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch IFC phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương Karin Finkelston, cùng Phó Chủ tịch MIGA Michel Wormser. Đoàn làm việc của Ngân hàng Thế giới cũng đồng ý hỗ trợ Myanmar giải quyết những nhu cầu cấp bách về điện năng và cải cách hệ thông ngân hàng và viễn thông.
"Kết nối người dân và doanh nghiệp với một mạng lưới điện đáng tin cậy là điều thiết yếu để Myanmar hiện thực hóa được tiềm năng kinh tế và xã hội lớn lao của mình,” Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Giám đốc IFC Jin-Yong Cai phát biểu. “Chúng tôi hy vọng sẽ trợ giúp để xây dựng một chiến lược cho ngành điện có khả năng thúc đẩy đầu tư nhằm cung cấp điện cho mọi người dân một cách bền vững và đáng tin cậy.”
Cải thiện nguồn cung điện đang trở thành một ưu tiên phát triển mang tính chiến lược, đòi hỏi những khoản đầu tư lớn từ cả khu vực nhà nước và tư nhân ở một nước mà cứ bốn người thì mới có một được sử dụng nguồn điện đáng tin cậy.
“Cung cấp điện thắp sáng ở Myanmar sẽ cho phép trẻ em đọc sách vào ban đêm, và khuyến khích người dân nông thôn khởi nghiệp, từ đó sẽ tạo ra tăng trưởng và việc làm,” Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Axel van Trotsenburg phát biểu. “Nguồn điện đủ, đáng tin cậy và với giá cả hợp lý sẽ giúp giảm nghèo ở các vùng nông thôn và tạo cơ hội cho tất cả mọi người.”
Báo cáo cập nhật Tình hình Kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương gần đây của Ngân hàng Thế giới cho biết nền kinh tế Myanmar tiếp tục tăng trưởng nhanh trong tài khóa 2011-2012 với mức tăng GDP là 5.5%. Tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6.3% trong tài khóa 2012-2013. Nhu cầu điện cũng đang tăng nhanh. Nguồn cung điện hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng trên dưới 30% so với nhu cầu] với nguy cơ cắt điện khá cao do các nhà máy thủy điện thiếu công suất và việc phát điện bằng khí đốt bị hạn chế. Myanmar cần cải cách ngành điện để đảm bảo khả năng tiếp cận nguôn điện một cách bền vững, đây là điều quan trọng để thu hút đầu tư.
Phát triển ngành điện thành công đã thay đổi cuộc sống người dân Lào và Việt Nam, nơi Ngân hàng Thế giới có hỗ trợ mở rộng mạng lưới điện - tại Lào trên 80% người dân đã được kết nối vào mạng lưới điện và tại Việt Nam, trên 97% đã có điện sử dụng, kết quả là cả hai nền kinh tế này đều phát triển mạnh hơn.
“Chúng tôi đã nhận thấy rất nhiều lần rằng tiếp cận cơ sở hạ tầng và tài chính là chìa khóa “phát triển” của các nước.” theo Phó Chủ tịch IFC phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương Karin Finkelston. “Điện thoại di động, cảng và điện mở ra cơ hội cho mọi người vì nó gắn kết con người với thị trường và tạo ra dòng chảy hàng hóa dịch vụ. IFC cũng đang làm việc với ngân hàng ACLEDA để tạo ra tài chính vi mô bền vững cho người dân Myanmar.”
“Chúng tôi có thể hợp tác với Chính phủ Myanmar để đưa ra bảo lãnh rủi ro cho các nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp họ vay tiền với lãi suât cạnh tranh, nhờ đó đẩy nhanh việc thực hiện dự án,” Phó Chủ tịch Quỹ Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA) Michel Wormser cho biết.
Vẫn còn nhiều việc cần làm để hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của Myanmar, và Chính phủ cần tiếp tục những cải cách mạnh mẽ của mình để phục vụ người dân. Chuyến thăm của Nhóm Ngân hàng Thế giới diễn ra vào lúc Ngân hàng Thế giới chuẩn bị khởi động một chương trình quốc gia toàn diện đê hỗ trợ những cải cách này.
Ngân hàng Thế giới đang cung cấp 165 triệu USD không lãi suất để giải quyết những nhu cầu ưu tiên của Myanmar. Bên cạnh đó cũng có một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 80 triệu USD để phát triển cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân cải thiện trường học, bệnh xá, đường và cấp nước. Ngân hàng Thế giới cũng đang hợp tác với chính phủ để cải thiện khả năng quản lý ngân sách và tài chính công, và đang hỗ trợ Trung tâm Hòa bình Myanmar cũng như tiến trình hòa bình tại nước này. Hiện nay cũng đang có những cuộc thảo luận với chính phủ về các lĩnh vực ưu tiên đầu tư khác, trong đó có nông nghiệp.
IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới chuyên về phát triển khu vực tư nhân ở các thị trường mới nổi, đã đầu tư 2 triệu USD vào ngân hàng ACLEDA Plc nhằm tạo cơ chế tài chính vi mô tại Myanmar để cung cấp vốn cho khoảng 200.000 người – chủ yếu là cho doanh nghiệp vi mô và nhỏ của phụ nữ - cho đến năm 2020. IFC cũng vừa công bố đánh giá lĩnh vực tài chính vi mô, cho thấy nhu cầu cần phát triển khu vực này nhanh vì nhu cầu hiện nay tăng cao gấp 4 lần so với khả năng cung cấp. IFC cũng đang hợp tác với chính phủ và các Hiệp hội Doanh nghiệp nhằm tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh của nước này.
Hiện nay Myanmar đang đàm phán để trở thành thành viên của Tổ chức Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA), cơ quan bảo lãnh rủi ro cho các nhà đầu tư.
Về Nhóm Ngân hàng Thế giới
Nhóm Ngân hàng Thế giới là một trong những nguồn cung cấp vốn và tri thức lớn nhất cho các nước đang phát triển. Nhóm bao gồm năm tô chức có quan hệ chặt chẽ với nhau là: Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), hai tổ chức tạo thành Ngân hàng Thế giới; Công ty Tài chính Quốc tế (IFC); Tổ chức Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA); và Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư Quốc tế (ICSID). Mỗi tổ chức có một vai trò riêng biệt trong sứ mệnh giảm đói nghèo và cải thiện mức sống cho người dân ở thế giới đang phát triển. Để biết thêm thông tin, xin hãy truy cập trang web www.ifc.org, www.worldbank.org, and www.miga.org.