THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Ngân hàng Thế giới kêu gọi các nước đang phát triển bảo vệ tăng trưởng, vì chặng đường phía trước rất gập ghềnh

15 Tháng 1 Năm 2013




Hà Nội, 21/1/2013 – Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (GEP) mới được công bố của Ngân hàng Thế giới, bốn năm sau khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới vẫn còn rất mong manh và tăng trưởng kinh tế ở các nước thu nhập cao rất yếu ớt. Các nước đang phát triển cần tập trung nâng cao tiềm năng tăng trưởng các nền kinh tế của mình, đồng thời tăng cường các vùng đệm để đối phó với rủi ro từ Khu vực đồng euro và chính sách tài khóa của Mỹ.

"Phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh và bất trắc, làm lu mờ triển vọng của nền kinh tế có thể cải thiện nhanh chóng và quay trở lại tăng trưởng mạnh mẽ,” Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim phát biểu. “Các nước đang phát triển cho đến nay vẫn rất kiên cường. Nhưng chúng ta không thể đợi cho đến khi tăng trưởng quay trở lại đối với các nước có thu nhập cao, do vậy chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ cho các nước đang phát triển đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục. Điều này sẽ giúp ta đặt nền móng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn, mà chúng ta biết các nước đang phát triển có thể đạt được trong tương lai.”

Năm ngoái, các nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong mười năm trở lại đây, một phần do tình trạng bất ổn gia tăng tại khu vực đồng euro vào tháng 5 và tháng 6 năm 2012. Kể từ thời điểm đó, tình hình thị trường tài chính đã cải thiện rất nhiều. Luồng vốn nước ngoài vào các nước đang phát triển sau khi sụt giảm 30% trong quý 2 năm 2012 đã hồi phục trở lại, và chênh lệch lãi suất trái phiếu đã giảm xuống dưới mức bình quân dài hạn khoảng 282 điểm cơ bản. Thị trường chứng khoán các nước đang phát triển tăng 12,6% kể từ tháng 6, trong khi thị trường cổ phiếu ở các nước thu nhập cao tăng 10,7%. Tuy nhiên, khu vực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế có phản ứng rất khiêm tốn. Sản lượng của các nền kinh tế đang phát triển đã tăng tốc, song bị cản trở bởi mức đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh đều suy yếu ở các nền kinh tế phát triển.

"Từ hy vọng có thể phục hồi theo hình chữ U, rồi đi qua chữ W, tiên lượng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo ngược chiều ABC thực sự là một thách thức. Khi chính phủ các nước phát triển có thu nhập cao đang phải vật lộn để làm cho chính sách tài khóa bền vững hơn, các nước đang phát triển không nên cố gắng đoán trước mọi biến động ở các nước phát triển, thay vào đó họ nên đảm bảo sao cho chính sách tài khóa và tiền tệ của mình vững mạnh và đáp ứng được tình hình trong nước,” ông Kaushik Basu, Phó Chủ tịch, Chuyên gia Kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới nhận xét.

Ngân hàng Thế giới ước tính GDP toàn cầu năm 2012 tăng trưởng 2,3%, so với kỳ vọng hồi tháng Sáu là 2,5%. Theo dự báo, tăng trưởng nhìn chung sẽ giữ ở mức 2,4% trong năm 2013, trước khi dần dần mạnh lên để đạt 3,1% vào năm 2014 và 3,3  % trong năm 2015. GDP các nước đang phát triển ước tính tăng trưởng 5,1% trong năm 2012, và dự báo sẽ tăng lên 5,5% trong năm 2013, 5,7% năm 2014 và 5,8% năm 2015. Tăng trưởng ở các nước thu nhập cao đã bị hạ thấp so với các dự báo trước, ở mức 1,3% năm 2012 và 2013, tăng lên 2,0% năm 2014 và 2,3% năm 2015. Tăng trưởng khu vực đồng Euro dự báo chỉ khôi phục được con số dương vào năm 2014, sau khi đã âm 0,1% vào năm 2013, sau đó lên được mức 0,9% năm 2014 và 1,4% năm 2015. Nhìn chung, thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, với mức tăng trưởng khiêm tốn 3,5% năm 2012, dự báo sẽ tăng tốc, đạt 6,0% năm 2013 và 7,0% năm 2015.

"Tình trạng yếu kém ở các nước có thu nhập cao làm cho tăng trưởng của các nước đang phát triển cũng ảm đạm theo, nhưng cầu trong nước mạnh và liên kết kinh tế Nam-Nam là nền tảng cho sự kiên cường của các nền kinh tế đang phát triển, nhờ đó, trong hai năm liên tiếp, các nước đang phát triển gánh vác trách nhiệm đóng góp trên một nửa kết quả tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2012,” ông Hans Timmer, Trưởng Ban Triển vọng Phát triển, Ngân hàng Thế giới phát biểu.

Những rủi ro theo chiều hướng đi xuống của nền kinh tế toàn cầu bao gồm: tiến độ giải quyết vấn đề khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro chựng lại, vấn đề nợ công và tài khóa ở Mỹ, khả năng đầu tư ở Trung Quốc giảm mạnh, và gián đoạn nguồn cung dầu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, khả năng những rủi ro này trở thành hiện thực và tác động tiềm năng của chúng cũng đã giảm nhiều, và khả năng các nước thu nhập cao tăng trưởng mạnh hơn dự báo đã tăng lên.

Mặc dù ổn định tài khóa ở hầu hết các nước đang phát triển không phải là vấn đề gây quan ngại, song thâm hụt ngân sách và mức nợ công hiện nay cao hơn nhiều so với năm 2007.

"Để đảm bảo khả năng chống đỡ tốt trước các rủi ro theo chiều hướng xấu, các nước đang phát triển cần dần dần khôi phục lại các vùng đệm tài khóa và tiền tệ đã bị suy kiệt, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và an ninh lương thực,” ông Andrew Burns, Trưởng phòng Kinh tế vĩ mô toàn cầu, tác giả chính của Báo cáo phát biểu.

Toàn văn báo cáo và số liệu đi kèm có trên www.worldbank.org/globaloutlook

Liên hệ:
Tại Washington: Merrell Tuck-Primdahl +1 (202) 473-9516, +1 (202) 476-9897, mtuckprimdahl@worldbank.org;
Indira Chand +1 (202) 458-0434, +1 (703) 376-7491, ichand@worldbank.org
Tại Paris: Valerie Chevalier + 33-1-4069-3048, vchevalier@worldbank.org
TV/Broadcast: Natalia Cieslik +1 (202) 458-9369, ncieslik@worldbank.org

---------------------------------

Một số điểm nhấn về triển vọng của các khu vực 

Triển vọng tăng trưởng của từng nước có thể xem trong báo cáo đầy đủ: www.worldbank.org/globaloutlook

Tăng trưởng của Đông Á và Thái Bình Dương giảm xuống còn khoảng 7,5% trong năm 2012, từ 8,3% năm 2011, nguyên nhân chủ yếu là do cầu từ thị trường bên ngoài yếu và các biện pháp chính sách nhằm kiềm chế lạm phát của Trung Quốc. Tăng trưởng trong khu vực, nếu không tính Trung Quốc, giảm chậm hơn nhờ cầu trong nước mạnh lên. Hoạt động kinh tế trong cả khu vực tăng tốc vào cuối năm, khi thị trường tài chính toàn cầu bình ổn và các chính sách của Trung Quốc điều hòa hơn. Tăng trưởng GDP của khu vực dự báo tăng 7,9% trong năm 2013 trước khi bình ổn ở mức 7,5% cho đến năm 2015, trong đó kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,4% trong năm 2013, sau đó giảm xuống 7,9% cho đến 2015. Nếu không tính Trung Quốc, tăng trưởng của khu vực dự báo đạt trung bình 5,9% trong giai đoạn 2013-2015 trong bối cảnh cầu trong nước mạnh và hoạt động thương mại toàn cầu tăng lên.

Tăng trưởng GDP trong khu vực Châu Âu và Trung Á ước tính giảm mạnh xuống còn 3% trong năm 2012, so với mức 5,5% trong năm 2011 do phải đối mặt với nhiều khó khăn, như cầu từ bên ngoài yếu, các ngân hàng châu Âu giảm đòn bẩy, hạn hán trong mùa hè và giá hàng hóa tăng gây áp lực lạm phát. Tăng trưởng giảm sút chủ yếu ở các nước có quan hệ kinh tế gắn bó với khu vực đồng Euro, trong khi đó lại tương đối mạnh ở những nền kinh tế giàu tài nguyên, được hưởng lợi từ giá cả hàng hóa cao. Tăng trưởng GDP trong khu vực dự báo phục hồi ở mức 3,6% trong năm 2013 và 4,3% đến năm 2015. Triển vọng trung hạn cho khu vực sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ giải quyết các vấn đề chênh lệch cán cân đối ngoại (thâm hụt cán cân vãng lai lớn) và đối nội (thâm hụt ngân sách lớn, thất nghiệp và lạm phát), năng lực cạnh tranh kém và hạn chế về cơ cấu.

GDP của khu vực châu Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê ước tính giảm xuống 3% trong năm 2012 (so với 4,3% năm 2011), do cầu ở thị trường trong nước giảm đối với một số nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, và môi trường quốc tế yếu đi. Tăng trưởng GDP của Bra-xin, nền kinh tế lớn nhất khu vực, ước tính chỉ tăng 0,9% trong năm 2012. Một môi trường chính sách điều hòa hơn, luồng vốn mạnh hơn (đặc biệt là FDI) và cầu bên ngoài mạnh hơn sẽ giúp cho nền kinh tế khu vực tăng trưởng tăng lên mức trung bình 3,8% trong giai đoạn 2013-2015. Cải cách lao động và thuế hiện nay đang diễn ra ở một số nền kinh tế lớn, và xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ giúp giải quyết một số vấn đề mang tính cơ cấu cản trở sự tăng trưởng trong khu vực.

Tăng trưởng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình hình bất trắc về chính trị và mất ổn định ở một số quốc gia. GDP của khu vực ước tính tăng 3,8% trong năm 2012 (sau khi sụt giảm 2,4% năm 2011), chủ yếu nhờ tăng sản lượng dầu lửa của Li-bi và kinh tế I-rắc tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, tăng trưởng ở những nước nhập khẩu dầu trong khu vực này vẫn rất èo uột, chỉ đạt 2,5% trong năm 2012 (so với 2,4% năm 2011) do xuất khẩu và du lịch đều kém, cộng với những vấn đề đặc thù của từng quốc gia, như thu hoạch kém ở Ma-rốc, khó khăn tài khóa của Giooc-đa-ni, và tình hình tiếp tục bất ổn và dự trữ quốc gia yếu ở Ai-cập. Tăng trưởng GDP của khu vực dự báo giảm xuống còn 3,4% trong năm 2013, tăng lên 4,3% đến năm 2015, tình hình bất trắc và rối loạn trong nước như hiện nay sẽ dịu đi, du lịch hồi phục cùng với kết quả xuất khẩu của cả khu vực khi cầu thị trường thế giới tiếp tục mạnh lên.

Nam Á, tăng trưởng giảm sút xuống còn khoảng 5,4% trong năm 2012 (so với 2011 là 7,4%), chủ yếu là do sụt giảm mạnh ở Ấn Độ, với tăng trưởng GDP dự báo chỉ đạt 5,4% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3.2013. Cầu yếu trên thị trường thế giới làm cho những yếu tố đặc thù của khu vực càng bị ảnh hưởng, như tăng trưởng đầu tư giảm, thiếu điện, chính sách bất ổn, và hạn hán. GDP khu vực dự báo tăng 5,7% trong năm 2013, 6,4% năm 2014 và 6,7% năm 2015, dưới ảnh hưởng của những cải cách chính sách ở Ấn Độ, hoạt động đầu tư nhộn nhịp hơn, sản xuất nông nghiệp bình thường và cầu xuất khẩu được cải thiện. Tăng trưởng ở Ấn Độ dự báo tăng 6,4% trong năm tài khóa 2013, và đến năm 2015 tăng lên 7,3%.

Tăng trưởng ở khu vực Châu Phi Cận Sa-ha-ra duy trì ở mức 4,6 trong năm 2012. Trừ Nam phi, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, GDP tăng trưởng 5,8% trong năm 2012, trong đó một phần ba số quốc gia trong khu vực tăng trưởng ít nhất 6%. Cầu trong nước mạnh, giá cả hàng hóa vẫn cao, khối lượng xuất khẩu tăng (nhờ tăng công suất trong lĩnh vực khai thác tài nguyên) và luồng kiều hối ổn định là những yếu tố ủng hộ tăng trưởng trong năm 2012. Tuy nhiên, tăng trưởng bị hạn chế bởi những yếu tố trong nước như thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm (Kenya và Uganda), tranh chấp lao động kéo dài (Nam Phi) và bất ổn chính trị (Ma-li và Ghi-nê Bít-xao). Tăng trưởng của khu vực trong giai đoạn 2013-2015 dự báo sẽ đạt mức trung bình trước khủng hoảng là 5%.

Liên hệ truyền thông
Tại Washington
Merrell Tuck-Primdahl
tel : +1 (202) 473-9516
mtuckprimdahl@worldbank.org
Tại Washington
Indira Chand
tel : +1 (202) 458-0434
ichand@worldbank.org
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : 84-4-39346600 ext. 234
nnguyen5@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2013/221/DEC

Api
Api

Welcome