Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Việt Nam cải thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi năm thứ 8 liên tiếp

23 Tháng 10 Năm 2012




Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2012— Một báo cáo mới của IFC, thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, và Ngân hàng Thế giới cho thấy từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2012 Việt Nam đã cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách pháp lý tạo thuận lợi về thành lập doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong nước. Tính trên phạm vi toàn cầu, Singapore tiếp tục có môi trường pháp lý thuận lợi nhất thế giới cho doanh nghiệp nội địa. Hàn Quốc được xếp vào nhóm 20 nước đứng đầu thế giới về mức độ thuận lợi trong kinh doanh và Mông Cổ là nước có nhiều cải thiện nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương theo báo cáo Môi trường Kinh doanh năm nay.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2013: Các quy định thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ công bố hôm nay cho thấy Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 18 cải cách về thể chế hoặc pháp lý ở 8 trên 10 lĩnh vực cải cách trong phạm vi phân tích của báo cáo Môi trường Kinh doanh thường niên trong 8 năm qua. Gần đây nhất, Việt Nam đã tạo thuận lợi trong thủ tục thành lập doanh nghiệp bằng việc cho phép doanh nghiệp trong nước sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng tự in.

“Một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhóm Ngân hàng Thế giới là hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam,” bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định. “Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách trong những năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả báo cáo cũng thể hiện rằng cần nỗ lực nhiều hơn để đưa Việt Nam sánh ngang với các nền kinh tế trong khu vực.”

Theo báo cáo, các quốc gia khác trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có sự cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn so với Việt Nam.

Báo cáo này cho thấy từ năm 2005 đến nay đã có 23 nền kinh tế ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương thực hiện cải thiện môi trường pháp lý theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Trong tám năm qua, Trung Quốc là nền kinh tế có nhiều tiến bộ nhất khu vực về cải cách các quy định kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước. Cũng theo báo cáo này, 11 trên 24 nền kinh tế trong khu vực đã cải thiện các quy định kinh doanh trong năm qua.

Giới hạn trong khoảng thời gian từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2012, Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2013, sử dụng các số liệu về các chỉ số đánh giá các quy định có tác động đến mười lĩnh vực chính trong suốt vòng đời doanh nghiệp, cho biết Mông Cổ đã bãi bỏ quy định về mức vốn tối thiểu để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn trong nước, đồng thời bảo đảm cho người vay quyền kiểm tra thông tin tín dụng cá nhân, và ban hành quy định mới thắt chặt yêu cầu công bố thông tin về giao dịch của các bên liên quan.
 
“Năm nay, Mông Cổ có mặt trong nhóm 10 nước có nhiều cải thiện nhất thế giới về mức độ thuận lợi trong kinh doanh,” ông Augusto Lopez-Claros, Giám đốc Bộ phận Các chỉ số và Phân tích Toàn cầu, Nhóm Ngân hàng Thế giới, khẳng định. “Mông Cổ đã thực hiện những cải cách giúp gỡ bỏ những trở ngại về mặt pháp lý và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn. Hàn Quốc, vốn luôn có mặt trong nhóm 20 nước đứng đầu, tiếp tục tạo thuận lợi trong kinh doanh thông qua các cải cách pháp lý trong 4 lĩnh vực.”

Singapore năm thứ 7 liên tiếp là nền kinh tế có môi trường pháp lý thuận lợi nhất thế giới cho kinh doanh, đứng thứ hai tiếp tục là Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc). Các quốc gia khác có mặt trong nhóm 10 nền kinh tế có quy định thuận lợi nhất thế giới cho doanh nghiệp, theo thứ tự bao gồm Niu Di-lân, Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Gru-dia, và Úc.

Giới thiệu về loạt báo cáo Môi trường Kinh doanh

 Báo cáo Môi trường Kinh doanh phân tích các quy định áp dụng cho các doanh nghiệp trong một nền kinh tế trong vòng đời của doanh nghiệp, trong đó có các quy định về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, thương mại quốc tế, nộp thuế và bảo vệ nhà đầu tư. Thứ hạng chung về mức độ thuận lợi kinh doanh được đánh giá dựa trên 10 chỉ số của 185 nền kinh tế. Báo cáo Môi trường Kinh doanh không đánh giá toàn bộ các lĩnh vực của môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chẳng hạn, báo cáo không phân tích chất lượng quản trị tài chính, các mặt của sự ổn định kinh tế vĩ mô, trình độ kỹ năng của lực lượng lao động hay sự ổn định của hệ thống tài chính. Các kết quả trong báo cáo đã thúc đẩy quá trình thảo luận về chính sách trên toàn thế giới và tạo điều kiện tăng cường nghiên cứu về ảnh hưởng của các quy định ở cấp doanh nghiệp tới kết quả hoạt động chung của các nền kinh tế. Báo cáo năm nay là báo cáo thứ 10 của loạt báo cáo toàn cầu về Môi trường Kinh doanh. Để biết thêm thông tin về loạt báo cáo Môi trường Kinh doanh, mời truy cập website www.doingbusiness.org. Hãy cập nhật thông tin tại Facebook.

Giới thiệu về Nhóm Ngân hàng Thế giới

Nhóm Ngân hàng Thế giới là một trong những nguồn cung cấp tài chính và tri thức lớn nhất thế giới cho các nước đang phát triển. Nhóm Ngân hàng Thế giới gồm 5 tổ chức có liên hệ mật thiết là Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) – hai tổ chức hợp thành Ngân hàng Thế giới; Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC); Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA); và Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư Quốc tế (ICSID). Mỗi tổ chức đều đóng vai trò đặc thù trong sứ mệnh chống đói nghèo và nâng cao mức sống của người dân ở các nước đang phát triển. Để biết thêm thông tin, mời ghé thăm trang web www.worldbank.org, www.miga.org, và www.ifc.org.

Để xem phân nhóm các quốc gia và khu vực của Ngân hàng Thế giới, mời truy cập website:
https://data.worldbank.org/about/country-classifications/country-and-lending-groups

Địa chỉ liên hệ dành cho các cơ quan truyền thông khu vực:

Khu vực Đông Á Thái Bình Dương
Hannfried von Hindenburg +852 2509-8115  Muhamad Al Arief +1 (202) 458-5964
E-mail: hvonhindenburg@ifc.org    E-mail: malarief@worldbank.org

 

 

Liên hệ truyền thông
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : +844 3934 6600
nnguyen5@worldbank.org
Tại Hà Nội
Chu Vân Anh
tel : +844 3 824 7892
canh1@ifc.org
Tại Washington, D.C.
Nadine Ghannam
tel : +1 (202) 684 0832
nsghannam@ifc.org



THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
20121023

Api
Api

Welcome