Tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống còn 7,7% năm 2012 nhưng sẽ hồi phục lên mức 8,1% vào năm sau
Xing-ga-po, ngày 8/10/2012 – Tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có thể giảm một điểm phần trăm, từ 8,2% năm 2011 xuống 7,2% trong năm nay, trước khi phục hồi lên mức 7,6% năm 2013. Tăng trưởng ở những nước phát triển sẽ vẫn ở mức khiêm tốn, và sự phục hồi của khu vực được thúc đẩy chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở các nước đang phát triển, Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới phát hành hôm nay cho biết.
Báo cáo mới này cho biết xuất khẩu yếu kém và tăng trưởng đầu tư thấp sẽ làm suy giảm tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 9,3% trong năm 2011 xuống 7,7% năm nay. Tuy nhiên, đến năm 2013, tăng trưởng của Trung Quốc được dự đoán sẽ phục hồi trở lại lên mức 8,1% nhờ đóng góp của các biện pháp kích cầu, được hỗ trợ thêm do sự gia tăng thương mại toàn cầu.
“Đóng góp của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vào kinh tế toàn cầu đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua, từ 6% lên gần 18%, con số này làm nổi bật tầm quan trọng của tăng trưởng khu vực này đối với toàn thế giới,” Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim chia sẻ.
“Ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn toàn cầu, đói nghèo trong khu vực sẽ tiếp tục giảm, với tỉ lệ người sống dưới 2 đô la Mỹ/ngày dự kiến sẽ đạt mức 24,5% vào cuối năm 2013, giảm từ 28,8% trong năm 2010,” bà Pamela Cox, Phó chủ tịch Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết. “Sự sụt giảm về nhu cầu hàng xuất khẩu từ Đông Á khiến cho kinh tế khu vực suy giảm, nhưng so với các khu vực khác trên thế giới, kinh tế Đông Á vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, và nhu cầu nội địa tăng cao sẽ giúp kinh tế khu vực hồi phục lên mức 7,6% vào năm sau.”
Báo cáo chỉ ra rằng chi tiêu dành cho tái thiết ở Thái Lan sau trận lụt năm ngoái là một trong các yếu tố thức đẩy nhu cầu nội địa ở khu vực. Hơn nữa, những quốc gia như In-đô-nê-xia – cùng với Thái Lan và Ma-lai-xia – đang thụ hưởng sự bùng nổ chi tiêu của các chính phủ và khu vực tư nhân về tư liệu sản xuất.
Ở Trung Quốc, tăng trưởng của nhu cầu nội địa theo giá thực tế đã giảm xuống từ năm ngoái, và tăng trưởng GDP trong quý II chỉ tăng 7,6% so với một năm trước. Báo cáo cho thấy tăng trưởng đầu tư đặc biệt suy giảm, chủ yếu do các biện pháp kiềm chế đầu tư vào bất động sản,. Tuy nhiên, sự nới lỏng trong chính sách tiền tệ hồi đầu năm nay và các biện pháp kích cầu của chính quyền trung ương và địa phương một lần nữa có thể đảo ngược xu hướng này trong những tháng tới.
Báo cáo lưu ý rằng sự căng thẳng ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu đã giảm dần sau thông báo của Ngân hàng Trung ương Châu Âu hồi tháng 7 nhằm bảo vệ đồng Euro và khởi động chương trình mua trái phiếu giúp xoa dịu đáng kể thị trường. Ngoài ra, thông báo mới đây của Cục dữ trữ liên bang Hoa Kỳ về một đợt nới lỏng định lượng mới kích thích nền kinh tế Mỹ, đã giúp làm sống lại thị trường chứng khoán toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng nguy cơ suy giảm đáng kể vẫn còn. Nếu tình hình suy giảm mạnh ở Châu Âu, nguy cơ cao là các nền kinh tế đang phát triển cũng bị ảnh hưởng. Một cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ tác động tiêu cực đến các nền kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, chủ yếu thông qua thương mai và kết nối với khu vực tài chính. Báo cáo đánh giá việc giá thực phẩm tăng cao ít có thể là một nguy cơ đối với khu vực Đông Á tại thời điểm này vì thị trường gạo vẫn có nguồn cung cấp tốt.
Báo cáo cho biết các nhà hoạch định chính sách trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ phải tiếp tục quản lý tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo trong một môi trường chưa ổn định. Các nước đã từng trải qua mở rộng tín dụng nhanh cần phải thận trọng, trong khi các nhà xuất khẩu hàng hóa nên tiếp tục thực hiện các biện pháp và xây dựng thể chế giúp quản lý doanh thu các loại hàng hóa dễ biến động.
“Trong trung hạn, tăng năng suất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - đang dần trở thành một khu vực có mức thu nhập trung bình - sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục cải cách cấu trúc, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư vào hệ thống hạ tầng và giáo dục sẽ trở nên quan trọng hơn.” Ông Bert Hofman, Chuyên gia Kinh tế trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết.
Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương cung cấp một phân tích cô đọng về những chỉ số và xu hướng kinh tế quan trọng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực. Báo cáo được cung cấp miễn phí trên trang web của chúng tôi tại địa chỉ https://www.worldbank.org/en/region/eap sau lễ công bố chính thức.
Ghé thăm chúng tôi trên Facebook: https://www.facebook.com/worldbank
Cập nhật qua Twitter: https://www.twitter.com/worldbank
Kênh YouTube của chúng tôi: https://www.youtube.com/worldbank