Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Hoạt động hậu cần thương mại toàn cầu giảm sút trong bối cảnh suy thoái và những biến động lớn

15 Tháng 5 Năm 2012




Nhưng hoạt động này ở nhiều quốc gia như Chilê, Trung Quốc, Ấn Độ, Ma-rốc, Nam Phi và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cải thiện

Oa-sinh-tơn, ngày 15 tháng 5 năm 2012 – Khảo sát mới nhất của Ngân hàng Thế giới về dịch vụ hậu cần thương mại cho thấy phát triển hoạt động hậu cần thương mại đã giảm sút trong hai năm qua trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những quốc gia tích cực theo đuổi cải cách vẫn cải thiện hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực này.

Sing-ga-po là nước đạt kết quả tốt nhất trong số 155 nền kinh tế đánh giá theo Chỉ số Hiệu quả Dịch vụ Hậu cần (LPI), một phần của Báo cáo Kết nối để Cạnh tranh 2012: Dịch vụ Hậu cần Thương mại trong nền Kinh tế Toàn cầu. Theo nghiên cứu dựa trên khảo sát toàn diện, toàn cầu về vận chuyển hoàng hóa quốc tế và vận tải tốc hành, các quốc gia như Chilê, Trung Quốc, Ấn Độ, Ma-rốc, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ đều cải thiện hiệu quả hoạt động này.

“Dịch vụ hậu cần thương mại là nhân tố then chốt cho cạnh tranh kinh tế, tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo,” ông Otaviano Canuto, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Xoá đói Giảm nghèo và Quản lý Kinh tế (PREM) nói. “Đáng tiếc là vẫn tiếp tục có khoảng cách về dịch vụ hậu cần giữa các nước giàu và nước ngèo và xu hướng thu hẹp trong giai đoạn 2007 đến 2010 đã bị đình trệ khi những biến động như suy thoái kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã lôi kéo sự chú ý ra khỏi cải cách dịch vụ hậu cần.”

Theo LPI, các nền kinh tế thu nhập cao thống trị bảng xếp hạng dịch vụ hậu cần, trong khi các nền kinh tế có hiệu quả hoạt động hậu cần thấp nhất là những nước kém phát triển nhất, thường là những quốc gia không giáp biển, các quốc đảo nhỏ hoặc những quốc gia hậu xung đột. Tuy nhiên, hiệu quả dịch vụ hậu cần không chỉ đơn giản được xác định bởi mức thu nhập bình quân đầu người, bởi vì nhiều quốc gia ở những nhóm thu nhập khác nhau đạt những kết quả tốt hơn so với các nước khác.

Ở nhóm nước thu nhập trung bình cao, các quốc gia đạt kết quả tốt nhất bao gồm Nam Phi, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nhóm thu nhập trung bình thấp, Ấn Độ, Ma-rốc và Phi-líp-pin đạt kết quả cao hơn mức trung bình. Còn trong nhóm nước thu nhập thấp, Benin, Malawi và Madagascar hoạt động tốt hơn.

“Cơ sở hạ tầng là nhân tố chính dẫn dắt sự phát triển ở các quốc gia đạt hiệu quả tốt nhất, xếp sau là cải thiện dịch vụ hậu cần và hải quan và quản lý biên giới,”Mona Haddad, Giám đốc Ban Thương mại Quốc tế của Ngân hàng Thế giới cho biết. “Tất cả các quốc gia hoạt động tốt nhất đều có sự hợp tác mạnh mẽ giữa khu vực công và tư, và một cách tiếp cận toàn diện trong phát triển dịch vụ, hạ tầng và hậu cần hiệu quả."

Khảo sát cũng cho biết trong khi dịch vụ hậu cần đã được cải thiện so với các khảo sát trước đây, 90% người trả lời cho biết họ không hài lòng về dịch vụ đường sắt. Về quản lý biên giới, cơ quan hải quan được xếp hạng tốt hơn so với những đơn vị khác có liên quan tới quá trình này, trong khi các cơ quan chịu trách nhiệm về quy định vệ sinh và kiểm dịch động thực vật bị tụt lại phía sau.

Cần dịch vụ hậu cần tốt hơn để giảm giá lương thực và lượng khí thải các-bon

Ở thời điểm mà giá lương thực đang ở mức cao lịch sử, khảo sát cũng cho thấy rằng hậu cần rất quan trọng đối với an ninh lương thực. Giao thông và hậu cần tác động trực tiếp tới giá cả và khả năng có thể mua được lương thực tại địa phương thông qua hiệu suất và khả năng phục hồi của chuỗi lương thực, đặc biệt là với các nước Châu Phi và Trung Đông phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu lương thực.

Ở các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước không giáp biển và quốc gia nghèo, giao thông và hậu cần chiếm từ 20% đến 60% giá lương thực nội địa. Chẳng hạn như các yếu tố này chiếm 48% giá ngô Mỹ nhập khẩu vào Nicaragua.

Lần đầu tiên các chỉ số về môi trường được đưa vào khảo sát. Khảo sát cho thấy dịch vụ hậu cần xanh đang nhanh chóng chiếm lĩnh các nền kinh tế thu nhập cao và mới nổi – một nhân tố phát triển tích cực bởi các hoạt động hậu cần và liên quan đến vận tải hàng hoát có thể chiếm tới 15% lượng khí thải các-bon đi-ô-xít do con người tạo ra. Các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần lớn như DHL, FedEx, UPS và TNT đều có sáng kiến toàn cầu nhằm giảm khí thải các-bon, chuyển sang sử dụng các loại xe cộ và phương tiện và hiệu quả hơn, và giúp khách hàng trở nên thân thiên với môi trường hơn.

Con đường phía trước  

LPI 2012 chỉ ra những điều kiện tiên quyết cho hậu cần hiệu quả. Tất cả các quốc gia đạt kết quả tốt nhất trong lĩnh vực này đều phát triển và duy trì một quan hệ đối tác và đối thoại công-tư mạnh mẽ.; hợp tác tốt đẹp giữa các nhà hoạch định chính sách, những người làm việc thực tế, các nhân viên quản lý và học giả; và một cách tiếp cận toàn diện trong việc phát triển dịch vụ giao thông, hạ tầng và dịch vụ hậu cần hiệu quả.

Nghiên cứu cho biết chỉ cần thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư, xem xét tác động của tất cả các cơ quan trong chuỗi cung ứng là một quốc gia có thể tạo nên những cải thiện bền vững về khả năng hậu cần.

Ngân hàng Thế giới đang làm gì để giúp cải thiện hậu cần thương mại

• Dự án về hậu cần và thúc đẩy thương mại chiếm khoảng 10% tổng danh mục đầu tư của Ngân hàng Thế giới.

• Ví dụ về các dự án này bao gồm cải cách hải quan, phát triển thương mại, và các dự án khu vực và hành lang. Chẳng hạn như tại Châu Phi, Dự án Thương mại Đông Phi và Thuận lợi hóa Giao thông trị giá 300 triệu đô la Mỹ đã cải thiện cơ sở hạ tầng hành lang và nâng cấp cửa khẩu chính qua lại giữa Uganda và Kenya ở Malaba. Dự án giảm thời gian qua biên giới từ ba ngày năm 2006  xuống còn ba giờ vào năm 2012.

• Một sáng kiến hỗ trợ kỹ thuật do các nhà tài trợ cung cấp tiền trị giá 50 triệu đô la Mỹ mang tên Cơ sở Thuận lợi hóa Thương mại đang giúp các quốc gia thu nhập thấp cải thiện dự án hậu cần và cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại.

•  Ngân hàng Thế giới cũng đang làm việc với:
      o Các đối tác quốc tế khác tham gia vào các dự án, bao gồm cả ngân hàng phát triển khu vực, UNCTAD, và Tổ chức Hải quan thế giới, tất cả đều là thành viên của Quan hệ Đối tác Thuận lợi hóa Toàn cầu.
      o Các nhóm quốc gia trong khu vực và các diễn đàn như Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA) và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), và một số các nhóm khác.
      o Các tổ chức và công ty tư nhân thúc đẩy những mô hình thực tiễn tốt, bao gồm cả Liên minh Đường Quốc tế, và Liên đoàn Quốc tế của Các Hiệp hội Vận tải Hàng hóa.
      o Diễn đàn Kinh tế Thế giới phân tích tiềm năng để có biện pháp nhất trí đa phương  để tăng cường cung cấp dịch vụ hậu cần và hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu. WEF cũng sử dụng LPI như một tài liệu để xây dựng các chỉ số năng lực cạnh tranh.

Liên hệ truyền thông
Tại Oa-sinh-tơn
Alejandra Viveros
tel : + 1 (202) 473-4306
Aviveros@worldbank.org
Michael Jelenic
tel : +1 (202) 473-2075
Mjelenic@worldbank.org
Tại Oa-sinh-tơn (Yêu cầu Phát thanh Truyền hình)
Mehreen A. Sheikh
tel : + (202) 413-9204
Msheikh1@worldbank.org



THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2012/446/PREM

Api
Api

Welcome