Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Ngân hàng Thế giới công bố Chính sách Tiếp cận Mở đối với các nghiên cứu và sản phẩm kiến thức, khai trương Kho Kiến thức Mở

10 Tháng 4 Năm 2012




Oa-sinh-tơn DC, ngày 10 tháng 4 năm 2012 – Hôm nay, Ngân hàng Thế giới thông báo sẽ thực hiện Chính sách Tiếp cận Mở cho các kết quả nghiên cứu và sản phẩm tri thức của mình từ ngày 1/7/2012. Chính sách mới này được xây dựng dựa trên những nỗ lực trong thời gian gần đây nhằm tăng khả năng tiếp cận thông tin và tối đa hóa khả năng phổ biến rộng rãi các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới. Trong giai đoạn đầu của chính sách này, hôm nay Ngân hàng Thế giới công bố Kho Kiến thức Mở (Open Knowledge Repository) và phê duyệt một nhóm các giấy phép bản quyền Tài sản Sáng tạo Công cộng (Creative Commons).
 
Chính sách Tiếp cận Mở mới được triển khai sẽ chính thức hóa thông lệ của Ngân hàng nhằm phổ biến miễn phí nghiên cứu và kiến thức trên mạng internet. Như vậy, tất cả mọi người  đều được sử dụng, tái sử dụng và tái phân phối hầu hết các kết quả nghiên cứu và tài liệu kiến thức của Ngân hàng Thế giới cho mục đích thương mại hoặc phi thương mại.
 
"Tri thức là sức mạnh," Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Robert B. Zoellick chia sẻ. "Kho kiến thức của chúng tôi khi được cung cấp và phổ biến một cách rộng rãi sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân đưa ra giải pháp cho các vấn đề khó khăn nhất của thế giới. Chính sách Tiếp cận Mở của chúng tôi là sự tiến triển tự nhiên khi Ngân hàng Thế giới ngày càng cởi mở và công khai quá trình hoạt động. "
 
Chính sách này cũng áp dụng đối với nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới được công bố bởi các nhà xuất bản khác, bao gồm cả hai tạp chí – Người Quan sát Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WBRO) và Đánh giá Kinh tế của Thế giới Ngân hàng (WBER), được Oxford University Press xuất bản theo các điều khoản thỏa thuận của nhà xuất bản bên thứ ba. Ngân hàng Thế giới sẽ tôn trọng các điều khoản không cung cấp trước thời hạn với các nhà xuất bản, nhưng hy vọng rằng thời gian để các ấn phẩm này từ lúc in đến lúc đưa vào kho kiến thức mở sẽ giảm xuống dần.
 
Để hỗ trợ Chính sách Tiếp cận Mở mới, Ngân hàng Thế giới đang áp dụng giấy phép Bản quyền tác giả Tài sản sáng tạo công cộng (CCBY) cho nội dung mà Ngân hàng Thế giới xuất bản. Đây là loại giấy phép mở nhất trong các loại giấy phép của Creative Commons. Nó cho phép bất cứ ai cũng có thể phát hành, tái sử dụng và xây dựng nội dung dựa trên các ấn phẩm do Ngân hàng Thế giới xuất bản, kể cả vì mục đích thương mại, nhưng phải trích dẫn nguồn  thông tin ban đầu lấy từ Ngân hàng Thế giới. Giấy phép CCBY giúp Ngân hàng Thế giới tối đa hóa tác động của mình, đồng thời, bảo vệ uy tín của Ngân hàng cũng như tính nhất quán, toàn vẹn của nội dung thông tin.
 
Nội dung của Ngân hàng Thế giới được xuất bản bởi bên thứ ba sẽ được sắp xếp trong Kho Kiến thức Mở theo một giấy phép Tài sản sáng tạo công cộng hạn chế hơn.  Việc thực thi quyền tác giả mới sẽ có hiệu lực ngay hôm nay.
 
Trong khi phần lớn các kết quả nghiên cứu và các sản phẩm kiến thức của Ngân hàng Thế giới đã được cung cấp sẵn miễn phí trên trang web của Ngân hàng và trên một số kênh thông tin khác, Chính sách Tiếp cận Mở đánh dấu một sự thay đổi đáng kể về cách thức phổ biến và chia sẻ nội dung kiến thức của Ngân hàng thế giới. Lần đầu tiên, Ngân hàng Thế giới sẽ có một cổng thông tin tổng hợp dành cho các nghiên cứu và sản phẩm kiến thức, nơi mà các bộ dữ liệu (metadata) được sắp xếp, dễ dàng tìm kiếm, tải nội dung về và các bên thứ ba có thể miễn phí sử dụng, tái sử dụng và xây dựng nội dung của mình dựa trên các bộ dữ liệu đó.
 
"Việc cho phép truy cập tự do đến kho kiến thức phát triển của Ngân hàng Thế giới là rất đáng hoan nghênh", bà Cathy Casserly, Giám đốc điều hành của Creative Commons, nói. “Đối với các nhà nghiên cứu, điều này làm tăng sự hiện diện, việc sử dụng và tác động của các tác phẩm của họ. Còn đối với độc giả, nó cho phép họ khám phá kiến thức và khuyến khích trao đổi ý tưởng một cách cởi mở.”
 
Kho Kiến thức Mở, trọng tâm của chính sách này, là ngôi nhà mới cho tất cả các kết quả nghiên cứu và sản phẩm kiến thức của Ngân hàng Thế giới, có thể truy cập tại địa chỉ openknowledge.worldbank.org. Kho dữ liệu này hiện chứa các công trình nghiên cứu giai đoạn 2009-2012 (hơn 2.100 cuốn sách và bài nghiên cứu) thuộc nhiều chủ đề và tất cả các khu vực trên thế giới. Nó bao gồm các Báo cáo Phát triển Thế giới, các ấn phẩm thường niên quan trọng khác, sách học thuật, sách thực hành, các nghiên cứu và báo cáo phân tích quốc gia mà Ngân hàng Thế giới công bố công khai. Kho kiến thức này cũng bao gồm các các bài nghiên cứu trong giai đoạn 2007-2010 của hai tạp chí của Ngân hàng Thế giới là WBRO và WBER.
 
Kho dữ liệu này sẽ được cập nhật thường xuyên với những ấn phẩm và sản phẩm nghiên cứu mới, cũng như các tài liệu xuất bản trước năm 2009. Từ năm 2013, kho dữ liệu này sẽ cung cấp cả đường dẫn tới các bộ dữ liệu liên quan tới các nghiên cứu. Mặc dù phần lớn các công trình được xuất bản bằng tiếng Anh, theo thời gian sẽ có các bản dịch bằng một số thứ tiếng.
 
Kho Kiến thức Mở này tương thích với các kho dữ liệu khác và sẽ hỗ trợ tối ưu khả năng khám phá và tái sử dụng nội dung bằng cách tuân thủ tiêu chuẩn siêu dữ liệu Dublin Core và hiệp định Sáng kiến Lưu trữ Mở cho tập hợp siêu dữ liệu.
 
"Chính sách mới này là một phần mở rộng tự nhiên của những nỗ lực khác của chúng tôi để làm cho Ngân hàng Thế giới cởi mở hơn, bao gồm Sáng kiến dữ liệu mở và Chính sách Tiếp cận thông tin", Bà Caroline Anstey, Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới, phát biểu. "Bất cứ ai truy cập Internet sẽ truy cập được nhiều kiến thức của Ngân hàng Thế giới hơn. Và đối với những người không có internet, cũng không giới hạn khả năng cho các đơn vị trung gian tái sử dụng nội dung của chúng tôi trong các bản dịch sang các thứ tiếng khác, các nền tảng và phương tiện truyền thông mới, nhờ đó giúp tiếp tục dân chủ hóa quá trình phát triển bằng cách gửi thông tin cho những người có thể hưởng lợi từ những nguồn tin này."
 
Ngân hàng Thế giới mở cửa trên ba lĩnh vực: Kiến thức, Các khoản vay và Quan hệ Đối tác. Ngân hàng mở cửa chia sẻ những gì mình biết (dữ liệu, nghiên cứu, và kiến thức), cởi mở về những gì mình làm (thông tin, kết quả, và tài chính của các khoản vay), và cởi mở về cách thức hoạt động (quan hệ đối tác cho trong chương trình nghị sự mở, và các nền tảng kiến thức). Ngoài việc tập trung vào chương trình nghị sự của mình, Ngân hàng Thế giới còn hỗ trợ các chính phủ muốn trở nên cởi mở hơn bằng cách cung cấp các công cụ và các ví dụ thực tế về việc làm thế nào cho dữ liệu của họ có thể truy cập được, thực hiện các cơ chế quyền được tiếp cận thông tin, và thực thi các biện pháp khác để cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
 
Một nhóm công tác của Ngân hàng Thế giới từ Oa-sinh-tơn DC đã sang Hà Nội làm việc hai ngày 29 và 30 tháng 3 năm 2012 để trình bày những công cụ và nguồn lực mới cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, các quan chức chính phủ, và các độc giả khác. Trong chuyến làm việc này, họ đã có một buổi hội thảo cung cấp thông tin tới công chúng và một ngày đào tạo chuyên sâu. "Chúng tôi rất vui mừng vì chính sách này sẽ tăng cường mạnh mẽ khả năng truy cập dữ liệu, nghiên cứu và hoạt động về phát triển cho tất cả mọi người dân trong xã hội Việt Nam," Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định. "Những công cụ này và kho thông tin sẽ giúp người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển. Qua thời gian, điều này chắc chắn giúp cải thiện việc cung cấp dịch vụ và hình thành những ý tưởng góp phần cải thiện các kết quả phát triển."
 
Chính sách Tiếp cận Mở mới và việc khai trương Kho Kiến thức Mở đại diện cho sự phát triển quan trọng tiếp theo của chương trình Phát triển Mở của Ngân hàng Thế giới. Hai sáng kiến đầu tiên là:

  • Sáng kiến Dữ liệu Mở (công bố tháng 4/2010): một loạt cải cách cho phép truy cập miễn phí hơn 7.000 chỉ số phát triển, cũng như nguồn thông tin dồi dào về dự án và tài chính của Ngân hàng Thế giới
  • Chính sách Tiếp cận Thông tin (có hiệu lực vào tháng 7/2010): một thay đổi mang tính đột phá trong cách thức cung cấp thông tin cho công chúng của Ngân hàng Thế giới
Liên hệ truyền thông
Tại Washington
Yoko Kobayashi
tel : (202) 458-2624
ykobayashi2@worldbank.org
Natalia Cieslik
tel : (202) 458-9369
ncieslik@worldbank.org
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : (84-4) 934 6600-234
nnguyen5@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2012/379/EXTOP

Api
Api

Welcome