Ông Zoellick cho rằng Ngân hàng Thế giới đang vững chãi, khỏe mạnh và có vị thế tốt để đối mặt với thử thách mới
WASHINGTON, ngày 15 tháng 2 năm 2012 – Hôm nay, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Robert B. Zoellick công bố ông sẽ từ nhiệm vào cuối nhiệm kỳ năm năm của mình. Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua của ông, Ngân hàng Thế giới được cải tổ, đóng vai trò lịch sử trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhận được khoản bổ sung vốn kỷ lục, và với số tiền này đã cấp hơn 247 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển thúc đẩy tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo.
“Tôi rất vinh hạnh được lãnh đạo một tổ chức đẳng cấp quốc tế với rất nhiều con người tài năng và đặc biệt. Chúng tôi đã cùng nhau tập trung hỗ trợ các nước đang phát triển để giải quyết khủng khoảng và điều chỉnh theo sự thay đổi của kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới đã nhận ra rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đa cực về tăng trưởng, nơi mà các khái niệm truyền thống về “Thế giới Thứ Ba” đã lỗi thời và các nước đang phát triển đang đóng vai trò quan trọng dẫn dắt sự tăng trưởng và là những đối tác đầy trách nhiệm. Đồng thời, chúng tôi đã mở rộng hỗ trợ dành cho người dân, các quốc gia và các cộng đồng nghèo và chứng tỏ rằng Ngân hàng Thế giới có thể trở thành một nhân tố sáng tạo, là chất xúc tác không thể thiếu và và là tác nhân của chủ nghĩa đa phương hiện đại hóa,” ông Zoellick nói.
“Tôi rất hài lòng vì khi thế giới cần Ngân hàng Thế giới, các thành viên của chúng ta đã đáp lại bằng việc mở rộng các nguồn lực và hỗ trợ những cải cách quan trọng giúp chúng ta trở nên nhanh nhẹn hơn, hiệu quả hơn và cởi mở hơn,” ông Zoellick nói thêm. “Ngân hàng Thế giới hiện đang rất vững chãi, khỏe mạnh và có vị thế tốt để đối mặt với các thách thức mới, vì thế việc tôi ra đi và ủng hộ người lãnh đạo mới là lẽ tự nhiên.”
Một số lĩnh vực lãnh đạo Ngân hàng Thế giới trong nhiệm kỳ của Zoellick:
Những sáng kiến khôn ngoan và năng động giải quyết khủng hoảng
- Cung cấp khoản hỗ trợ kỷ lục 247 tỉ USD trong các lĩnh vực quan trọng gồm cơ sở hạ tầng, khu vực tư nhân, nông nghiệp, tài chính thương mại, mạng lưới an sinh xã hội, giáo dục, y tế, và môi trường;
- Lần đầu tăng vốn của Ngân hàng Thế giới trong vòng 20 năm, với hơn một nửa nguồn vốn mới đến từ các nước đang phát triển; và một khoản kỷ lục 90 tỉ USD huy động được cho IDA, quỹ của Ngân hàng Thế giới cho những nước nghèo nhất, trong điều kiện rất khó khăn khi các nhà tài trợ phải thắt lưng buộc bụng;
- Đưa lương thực thành ưu tiên hàng đầu: Cảnh báo thế giới về cuộc khủng hoảng lương thực sắp tới, giúp điều phối các tài nguyên và công cụ mới để giải quyết vấn đề này. Các khoản vay cho nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới đã tăng lên 6 tỉ USD mỗi năm.
- Thành lập Công ty quản lý Tài sản IFC (khu vực tư nhân) để chuyển đầu tư từ các quỹ đầu tư nhà nước và quỹ hưu trí (tính đến nay là 3 tỉ đô la Mỹ) sang khu vực tư nhân ở châu Phi và các thị trường mới nổi khác.
Hiện đại hóa Ngân hàng Thế giới
- Khởi động Chính sách Tiếp cận Thông tin của Ngân hàng Thế giới và Sáng kiến Dữ liệu Mở để mở cánh cửa tiếp cận với các quy trình, dự án và dữ liệu của Ngân hàng, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tất cả dự án của Ngân hàng Thé giới đều được bản đồ hóa với thông tin rõ ràng về phương thức đo lường kết quả. Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới xếp vị số 1 về viện trợ minh bạch bởi chiến dịch Publish What You Fund (Công khai những gì bạn tài trợ).
- Đẩy mạnh trọng tâm của Ngân hàng Thế giới vào kết quả và công bố công cụ cho vay thứ ba của Ngân hàng Thế giới - Program for Results (Chương trình vì Kết quả) – theo đó, tiền được giải ngân sau khi kết quả được kiểm chứng.
- Nâng cao trọng tâm chống tham nhũng của Ngân hàng Thế giới với chính sách phạt mới, đơn vị phòng ngừa mới, một thỏa thuận cấm tham gia chéo với các ngân hàng phát triển khác, sáng kiến Phục hồi Tài sản bị đánh cắp (StAR), và khởi động một Liên minh Quốc tế Săn lùng Tham nhũng.
- Sáng kiến tổng hợp mới và thực tế với các chương trình mới như Quỹ đầu tư khí hậu (7,1 tỉ USD đóng góp ban đầu, và huy động gần 50 tỉ đô la Mỹ trên 46 quốc gia).
- Chuyển đổi trong lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới: Một nửa nhân viên cao cấp hiện là phụ nữ; gần một nửa đến từ các quốc gia đang phát triển, trong đó lần đầu tiên Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng đến từ một nước đang phát triển là ông Justin Lin người Trung Quốc.
- Và, duy trì ngân sách không đổi trong hơn 5 năm, cùng với xếp hạng AAA của Ngân hàng.
Chủ nghĩa đa phương hiện đại
- Lãnh đạo các nỗ lực của Ngân hàng Thế giới và nhóm G-20, giúp đảm bảo tiến bộ về phát triển, nông nghiệp, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng, và các vấn đề khác.
• Các dự án mới: Trung tâm Nairobi tập trung vào an ninh, xung đột và phát triển, “Bình đẳng giới là sự khôn ngoan về kinh tế”, Trung tâm Singapore về Phát triển Đô thị và Cơ sở hạ tầng, Sáng kiến Thế giới Ả-rập. - Mở rộng tiếng nói của các quốc gia đang phát triển tại Ngân hàng Thế giới, đặc biệt là với một ghế hội đồng quản trị bổ sung cho tiểu vùng Sahara châu Phi. Công bố Quan hệ đối tác mới vì Trách nhiệm giải trình xã hội để mang tiếng nói công dân vào dòng chảy chính của phát triển.
- Ông Zoellick cho biết từ nay cho tới ngày 30/6, ông sẽ tập trung 100% vào công việc của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách và chương trình với một nhịp độ cao. Chẳng hạn, vào cuối tháng Hai, ông sẽ công bố một nghiên cứu chung mang tính đột phá của Ngân hàng Thế giới và Trung Quốc về cấu trúc của mô hình tăng trưởng của Trung Quốc trong tương lai, đề xuất các bài học cho các nước có thu nhập trung bình khác.
Sáng nay, ông Zoellick đã thông báo cho Hội đồng quản trị của Ngân hàng về quyết định của mình. Hồi tháng 4 năm 2011, Ban Giám đốc của Ngân hàng Thế giới đã thông qua một quá trình lựa chọn chủ tịch mới.