Oa-sinh-tơn, Ngày 12 tháng 1 năm 2011 - Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu 2011 mới nhất của Ngân hàng Thế giới nhận định: Kinh tế thế giới đang chuyển từ giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng sang giai đoạn tăng trưởng chậm hơn nhưng vẫn vững chắc vào năm nay và năm tới, trong đó các nước đang phát triển đóng góp gần một nửa tăng trưởng toàn cầu,.
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng GDP toàn cầu, tăng 3,9% vào năm 2010, sẽ giảm xuống 3,3% vào năm 2011 trước khi đạt mức 3,6% vào năm 2012. Các nước đang phát triển được dự tính sẽ tăng trưởng 7% vào năm 2010, 6% vào năm 2011 và 6,1% vào năm 2012. Các nước này sẽ tiếp tục vượt các nước thu nhập cao về tăng trưởng vì các nước có thu nhập cao có mức độ tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 2,8% năm 2010, 2,4% vào năm 2011 và 2,7% vào năm 2012.
Ở phần lớn các nước đang phát triển, GDP đã lấy được mức tăng trưởng đáng lẽ đã đạt được nếu không có chu kỳ bùng nổ - suy giảm kinh tế. Trong khi tăng trưởng vững chắc được dự kiến trong suốt năm 2012, sự phục hồi của một số nền kinh tế đang nổi lên tại châu Âu và Trung Á và một số nước thu nhập cao lại không chắc chắn. Nếu không có các chính sách đối nội đúng đắn thì nợ cá nhân và thất nghiệp cao, cộng với sự yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng và nhà ở có thể sẽ làm mất đi sự phục hồi.
“Mặt tích cực là sự tăng trưởng nhu cầu nội địa ở các nước đang phát triển dẫn đầu kinh tế thế giới, tuy nhiên những vấn đề tồn tại trong khu vực tài chính ở một số các nước thu nhập cao vẫn là một mối đe dọa đối với tăng trưởng và đòi hỏi cần có các hành động chính sách cấp thiết,” Justin Yifu Lin, Chuyên gia trưởng Kinh tế và Phó giám đốc Cao cấp về Kinh tế Phát triển của Ngân hàng Thế giới nhận định.
Luồng vốn ròng và đầu tư gián tiếp vào các nước đang phát triển tăng mạnh trong năm 2010, với mức tăng 42% và 30% tương ứng, chủ yếu đổ vào chín quốc gia. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các quốc gia đang phát triển tăng khiêm tốn 16% vào năm 2010, đạt 410 tỷ đô sau khi giảm 40% trong năm 2009. Một phần quan trọng của sự phục hồi này là do gia tăng đầu tư Nam-Nam, đặc biệt là sự gia tăng xuất phát từ châu Á.
"Việc gia tăng các luồng vốn ngoại củng cố sự hồi phục ở hầu hết các nước đang phát triển", ông Hans Timmer, Giám Đốc Ban nghiên cứu Triển vọng Phát triển của Ngân hàng Thế giới phát biểu. "Tuy nhiên, quá nhiều luồng vốn đổ vào một số các nền kinh tế thu nhập trung bình lớn có thể mang theo những rủi ro và đe dọa sự phục hồi trung hạn, đặc biệt là nếu giá trị tiền tệ tăng đột ngột hoặc nếu bong bóng tài sản xuất hiện."
Hầu hết các quốc gia thu nhập thấp có lợi ích thương mại trong năm 2010 và, tổng thể, GDP của họ tăng lên 5,3% năm 2010. Điều này có được phần lớn là do giá cả hàng hóa gia tăng, sau đó do lượng kiều hối và du lịch tăng. Triển vọng của các quốc gia này thậm chí được dự đoán sẽ tốt đẹp hơn nữa, tăng khoảng 6,5 trong cả hai năm 2011 và 2012.
Theo báo cáo, hiện tại giá lương thực tương đối cao đang có tác động hai mặt. Một mặt, trong nhiều nền kinh tế, đồng đô la mất giá, các điều kiện địa phương được cải thiện và giá cả hàng hoá và dịch vụ gia tăng có nghĩa là giá thực tế của thực phẩm vẫn không tăng nhiều như giá đô la Mỹ của các hàng hóa thực phẩm được giao dịch quốc tế.
"Tuy nhiên, việc tăng giá hai con số các mặt hàng chủ lực quan trọng trong vài tháng qua đang gây sức ép với các hộ gia đình ở các nước vốn đã sẵn có một gánh nặng lớn về nghèo đói và suy dinh dưỡng. Và, nếu giá lương thực toàn cầu tăng thêm cùng với các mặt hàng quan trọng khác, không loại trừ khả năng lặp lại kịch bản năm 2008," ông Andrew Burns, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô Toàn cầu trong Ban nghiên cứu Triển vọng của Ngân hàng Thế giới quan ngại.
Các nét chính của khu vực Đông Á Thái Bình Dương
Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, với mức tăng trưởng GDP ước đạt 9,3% năm 2010, dẫn đầu sự phục hồi toàn cầu. Đây là nhờ GDP của Trung Quốc tăng lên mức dự tính 10% và nhập khẩu tăng 35%. Tăng trưởng kinh tế của các nước khác trong khu vực cũng khá mạnh mẽ đạt mức 6,8%. Chính sách nới lỏng tiền tệ ở các nước có thu nhập cao thúc đẩy luồng vốn đầu tư, trong đó thị trường vốn Thái Lan và In-đô-nê-xia tăng hơn 40% kể từ tháng 1 năm 2010. Việc các luồng tiền đổ vào mạnh mẽ đã làm tăng giá các đồng tiền bản địa, mặc dù các nước đã tăng nguồn dự trữ ngoại hối và nhiều biện pháp điều chỉnh khác. Khi tốc độ của sự phục hồi toàn cầu giảm nhẹ, tăng trưởng GDP được dự báo chậm lại, nhưng vẫn mạnh mẽ, đạt 8,0% vào năm 2011 và 7,8% vào năm 2012.